Xuân về trên cao nguyên đá

Đất trời Hà Giang như bừng tỉnh sau mấy đợt mưa xuân. Những tia nắng đầu tiên len lỏi vào từng bờ đá ngọn cây. Hạt ngô ủ sương đêm gặp nắng xuân cựa mình trong hốc đá, nảy chồi non tơ. Trên các bản làng người Mông, người Lô Lô, những bộ váy thổ cẩm sặc sỡ phơi trên bờ rào đá tựa như những đàn bướm đang khoe sắc dưới nắng mai. Những con đường vắt vẻo lưng trời đã rực lên sắc đào đỏ thắm, từ trong thung sâu, tiếng khèn Mông lảnh lót gọi hoa lê, hoa mận thức dậy nở trắng xóa một vùng rừng.            

Xuân về trên cao nguyên đá ảnh 1

Cuối tháng Chạp, lên cao nguyên đá Đồng Văn, con đường từ Quản Bạ đi Yên Minh, Mèo Vạc vắt vẻo nơi chênh vênh sườn núi. Đường xa hun hút, ngút tầm mắt chỉ một màu xám của đá tai mèo, những rừng đá kỳ vĩ nhô ra từ lòng đất, rồi vút lên tận mây xanh. Có mưa, đồng bào Mông tranh thủ làm đất chuẩn bị trồng vụ ngô mới, rồi mới đón tết. Trên triền núi sau nhà, vợ chồng Thò Mí Pó ở xã Sũng Thài, chồng thúc trâu đi trước cày đất, vợ đi sau thả từng hạt ngô xuống rãnh, lấy chân khỏa lại, vừa cười bẽn lẽn nghe anh chồng trẻ nói chuyện với tôi.

Không nơi đâu, thiên nhiên lại khắc nghiệt như cao nguyên đá này. Nhưng trời vừa chuyển mùa, đất khát đã mơn mởn lộc xuân... Từ Yên Minh sang Đồng Văn, đứng trên đỉnh đèo, chỗ ngã ba về Phó Bảng, nhìn xuống thung lũng Sủng Là, con đường 4C mềm như dải thắt lưng xanh ngang eo sơn nữ mới lớn, vừa căng tràn sức trẻ lại vừa e ấp vụng về. Nắng sớm, sương mai, hoa cải rực vàng chân núi, hơi thở của đá, sắc xanh của trời, tiếng rì rầm từ rẻo cao vọng lại, dáng vẻ kiêu hãnh của hàng sa mộc thẳng tắp… tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Nắng sớm tràn về qua khe núi dệt thành tấm áo óng mềm như tơ lụa, những mái ngói rêu phong bên đường đã sáng bừng hoa đào và thổ cẩm, dưới hiên, tiếng khèn Mông vẫn tha thiết gọi mời…

Xuân về trên cao nguyên đá ảnh 2

Đêm ở  Đồng Văn, giữa núi non hùng vĩ, nghe tiếng chày giã ngô thậm thịch trong sương khuya quyện với mùi thơm của những chiếc khạp đồ mèn mén, mùi cay nồng tỏa ra từ những chiếc nồi cất rượu ngô, mới thấy Đồng Văn đẹp như cổ tích.

Thị trấn Đồng Văn như nàng tiên giấu mình trong núi, hay ngủ và cô đơn, chỉ thức dậy vào thứ Bảy, Chủ nhật xem đồng bào đi chợ phiên. Giáp tết, chợ Đồng Văn rực rỡ thổ cẩm và đông nghịt người mua sắm. Hàng hóa phong phú, từ những sản vật địa phương. Đỗ trọng, hoàng tinh đỏ, mật ong bạc hà... đều được “chắt” ra từ đá đến thực phẩm, quần áo, hàng gia dụng, hàng điện tử…không thiếu một thứ gì. Anh Vàng Nhiềng So, dân tộc Mông ở xã Lũng Táo đi sắm Tết cho biết: “Hai vợ chồng bắt đầu đi bộ từ nhà lúc 6 giờ sáng, 8 giờ 20 phút đã có mặt ở chợ. Mua nhiều lắm. Mua muối, mua quả, cây, bánh kẹo… để về ăn Tết”.

Xuân về trên cao nguyên đá ảnh 3

Đi chợ phiên còn là dịp được gặp bạn, tụm năm tụm bảy nói chuyện, ca hát, thổi khèn cho nhau nghe. Có người đi từ hôm trước, cũng có người đi vài hôm mới đến chợ, ai cũng diện bộ quần áo đẹp nhất. Cánh đàn ông xúm quanh chảo thắng cố nghi ngút giữa chợ, mời nhau những bát rượu ngô đến mềm môi mới thôi. Tan chợ, những người đàn bà gùi hàng tết tỏa về khắp các nẻo đường. Bước váy xập xoè theo chân thiếu nữ tựa những đóa hoa sáng bừng bản làng người Mông, người Dao, người Lô Lô trên núi đá.

Từ thị trấn Đồng Văn về Lũng Cú, Phó Bảng, Phố Cáo, Sũng Là….hoa đào nở thắm triền đồi. Khu nhà Vương như viên ngọc bích giữa thung lũng Sà Phìn. Chợ phiên họp ngay dưới bóng hàng cây sa mộc trăm tuổi. Gần tết, người đi mua sắm chen nhau. Từ khi hồ sơ Cao nguyên đá Đồng Văn được đệ trình đến UNESCO, đường về Sà Phìn lúc nào cũng tấp nập xe đưa khách tham quan, nghiên cứu cao nguyên đá và Khu di tích Nhà Vương.

Chị Nguyễn Thị Liên - hướng dẫn viên tại đây cho biết: “Khách nước ngoài đến đây đa số là khách Pháp, Thái Lan, Singapore…, chủ yếu kết hợp tham quan với nghiên cứu, hoặc các đoàn sinh viên đi thực tế học vẽ, hoặc đi khảo sát các tour tuyến. Khách nước ngoài đến đây thường có chung cảm xúc ngạc nhiên trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người đều còn rất hoang sơ, họ chỉ  có thể thốt lên: Tuyệt vời! Một số mặt hàng truyền thống như làm khèn, thổ cẩm đã được đưa vào chương trình, kế hoạch khôi phục. Du khách đặc biệt thích thú các đêm lửa trại, múa khèn…”. 

Các huyện vùng cao núi đá Hà Giang từ Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn đang chập chững làm du lịch, xây dựng thêm nhiều nhà hàng, khách sạn, khôi phục các lễ hội Gầu tào, hội Sải sán, hội Xuống đồng, Chợ tình Khau Vai, Lễ hội đèn lồng đỏ đêm phố cổ... Cao nguyên đá Đồng Văn mai này cũng có Con đường hoa đào, Dòng sông hoa đào, Thung lũng hoa đào, núi hoa đào, rồi phố Đèn lồng đỏ, Phố Đèn lồng trắng... Trồng đào để làm du lịch cũng là cách tôn thêm vẻ đẹp, sức sống của cao nguyên đá, phủ xanh đất trống, núi trọc. Trái đào còn góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân...

Sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng lòng người nơi đây đằm thắm chân tình. Ngày tết, đến nhà người Mông, người Lô Lô, người Pu Péo hay người Tày, người Mán, ai cũng có rượu ngô, bánh trôi nước, có mèn mén ăn với canh cải cùng thịt lợn khô gác bếp cả năm đem ra đãi bạn. Cánh đàn ông ở nhà vài ngày cúng tổ tiên rồi mang rượu, thịt đi thăm anh em, bạn bè. Đàn bà ở nhà mặc những bộ váy áo đẹp nhất đi chơi tung còn, đánh sảng, đánh yến, rồi mời bạn về nhà. Tết còn là mùa của những chàng trai, cô gái vùng cao đi tìm bạn.

Anh chàng độc thân người Mông, Sùng Mí Cở ở xã Thài Phìn Tủng kể: “Người Mông đi chơi Tết, có thể là chưa quen biết, có thể là đã từng yêu nhau. Nhưng chờ Tết có cơ hội là mình kéo về nhà mình. Sau mấy ngày mà không thấy nhà gái đến đòi lại tức là họ đã đồng ý. Sau đó nhà trai đem sính lễ đến nhà gái làm đám cưới. Đa số lấy vợ trong dịp tết là nhiều nhất. Nghĩa là cứ tết, sang xuân mới. Mùa xuân hoa mới nở. Hoa nở thì người ta mới lấy. Cho nên có thể nói mùa xuân là mùa của tình yêu”.

Nắng xuân đã dát vàng trên triền đá. Đám con gái đem những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ ra phơi, những chiếc váy mới chờ khoe sắc trong tiếng khèn mê say mùa gọi bạn. Tết ở vùng cao đến sớm nhưng đi thật muộn bởi phải chờ đến khi sương muối thôi rơi, mặt trời ở lại lâu trên núi, đất mới mềm ra để trồng cấy. Trời xanh mây trắng, hoa cải rực vàng trong nắng xuân, hoa đào thắm hồng những con đường về bản. Tất cả cứ tràn vào nhau, hoà quyện vào nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp nơi cực Bắc Tổ quốc. Những rừng đá trên cao nguyên lạnh giá đang trở mình thức dậy cùng ước mơ thành Công viên địa chất toàn cầu. Những chương trình dự án đầu tư của nhà nước đang đổi thay từng ngày cho miền đất khô khát này, tiếp thêm nguồn sinh lực cho rừng đá nở hoa.

Theo Vân Thiêng (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm