Viện kiểm sát giám định tư pháp: Vẫn tranh cãi!

Ngày 3-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về một vấn đề hiện còn quan điểm trái chiều trong dự thảo Luật GĐTP. Đó là việc có nên quy định phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao hay không.

Người ủng hộ, người lo ngại

Trước đó, các đại biểu Quốc hội có hai luồng ý kiến. Thứ nhất là đề nghị không bổ sung quy định này. Bởi VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định thì khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng...

Ngược lại, luồng ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo vì cho rằng bổ sung quy định này là cần thiết, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt từ ngày 1-1-2020 các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng.

Cạnh đó, hiện chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên dẫn đến quá tải. Do đó, việc bổ sung quy định trên nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của CQĐT thuộc VKSND Tối cao.

Do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án: một là giữ nguyên như luật cũ, hai là bổ sung như trên để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến...

Tại hội thảo, ông Lê Bá Ngọc (đại diện Công an TP.HCM) và ông Trần Ngọc Đức (Trường ĐH Cảnh sát nhân dân) không đồng tình việc VKS có một cơ quan giám định riêng mà nên giữ nguyên như quy định hiện hành.

Theo ông Đức, việc bổ sung chức năng GĐTP cho phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao là đi ngược lại với chủ trương nhà nước xã hội hóa GĐTP và chủ trương tinh giản biên chế. Cạnh đó, hiện nay chưa có một báo cáo nào về tính khả thi rằng việc bổ sung này sẽ giúp tăng năng lực của hệ thống các cơ quan tiến hành giám định...

Ngược lại, ông Phan Văn Hiếu (đại diện Trung tâm Pháp y TP.HCM) lại ủng hộ quan điểm thứ hai là nên thành lập cơ quan này. Theo ông Hiếu, kết quả giám định khoa học thì phải có sự đối kháng, cạnh đó hiện nay có tình trạng quá tải về giám định nên kéo dài thời gian giải quyết vụ án…

Ông Trần Ngọc Đức (đứng) không đồng tình việc có phòng giám định thuộc VKSND Tối cao. Ảnh: YC

Có vừa đá bóng vừa thổi còi?

Đại diện Công an quận 9, TP.HCM, ông Quách Văn Thắng, ví von: “Chức năng của VKS là giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Vì thế vừa là cơ quan giám sát mà lại còn tham gia vào hoạt động điều tra thì chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Khi CQĐT vi phạm hoạt động điều tra thì VKS sẽ điều tra vi phạm đó chứ không phải điều tra vụ án đang giải quyết”.

theo ông thắng, bản chất của VKS là cơ quan giám sát chứ không phải CQĐT trong hoạt động tư pháp. Nếu làm sai chức năng, nhiệm vụ thì sẽ vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì không đảm bảo tính khách quan.

Về tính cạnh tranh, ông Thắng cho rằng, hiện nay có ba loại mô hình tổ chức tham gia giám định chứ không chỉ có công an. Cạnh đó, vướng mắc giám định chỉ có ở giám định tài chính, giám định kế toán và giám định xây dựng cơ bản. Các lĩnh vực giám định cơ bản như pháp y, tâm thần, ma túy... đến thời điểm này không có vướng mắc gì nhiều.

Đối đáp lại, ông Lê Minh Đức (đại diện VKSND TP.HCM) nói: “Cũng như cơ cấu bộ máy của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, về mặt hệ thống VKSND Tối cao có CQĐT thì cũng phải có cơ quan bổ trợ tư pháp. Cạnh đó, hiện nay có tình trạng quá tải giám định, việc giám định chậm và kéo dài ảnh hưởng đến hiệu quả điều tra. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm cần có thêm cơ quan giám định nên việc bổ sung này là phù hợp”.

Ông Lê Minh Đức phân tích thêm: Nếu xét thấy các kết quả giám định của cơ quan kỹ thuật hình sự của công an tỉnh và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an chưa đảm bảo xác đáng thì VKS có thể yêu cầu cơ quan giám định của VKSND Tối cao thẩm định lại để đảm bảo sự đúng đắn. Lúc này mới có cơ sở cho ra được quyết định truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…

Cần có chế tài khi giám định viên làm sai

Theo tôi, cần quy định rõ trách nhiệm của giám định viên để có một chế tài phù hợp khi họ thực hiện kết quả giám định không đúng. Việc này rất quan trọng cho cơ quan tố tụng khi sử dụng kết quả giám định chuyên môn.

Đối với các lĩnh vực giám định hiện nay, cần có các quy chuẩn chuyên môn giám định phù hợp với vụ việc giám định cụ thể. Đặc biệt là những vụ án về kinh tế rất phức tạp hay các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng thì rất cần những giám định viên giỏi, chuyên môn tốt, phù hợp.

Khó khăn đối với tòa án khi xét xử là một số trường hợp kết luận giám định thuật ngữ còn chung chung, khó hiểu. Do không xác định được việc giám định cụ thể nên thẩm phán đã phải triệu tập giám định viên đến để giải thích. Vì vậy, việc xã hội hóa hoạt động giám định là cần thiết cho cả cơ quan giám định và cơ quan sử dụng kết quả giám định.

 NGUYỄN THỊ HÀ, đại diện TAND TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm