Việt Nam - Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của Nhật Bản dành cho các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, như dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các nghiên cứu khả thi hai đoạn đường của tuyến đường sắt cao tốc Hồ Chí Minh - Nha Trang và Hà Nội - Vinh.

Hai bên bày tỏ cam kết hợp tác thúc đẩy thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam, như dự án sân bay quốc tế Long Thành. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các công ty Nhật Bản. Hai bên cũng nghiêm túc xem xét việc tiếp tục nghiên cứu dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5).

Chính phủ Nhật Bản cam kết tiếp tục xem xét hỗ trợ các dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Bãi Vọt, Nha Trang - Phan Thiết và các dự án tuyến đường tàu điện ngầm mới của TP Hà Nội và TP.HCM, cũng như cam kết của Nhật Bản hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên như xây dựng thể chế và năng lực, sử dụng chuyên môn và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.

Việt Nam - Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ký Tuyên bố chung. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quyết định của chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) với tổng giá trị 71,6 tỉ yen cho Việt Nam và hoan nghênh việc ký kết các công hàm trao đổi và hiệp định vay cho bốn dự án gồm dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành), dự án sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất để phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn phát triển hai khu công nghiệp chuyên sâu với sự hợp tác của phía Nhật Bản, một tại Hải Phòng và một tại Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Nhật Bản và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Hai bên khẳng định hòa bình và ổn định ở biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Hai bên hoan nghênh việc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Hai bên khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với lợi ích của các nước trong toàn khu vực. Hai bên cùng thừa nhận rằng những lợi ích này cũng cần được thúc đẩy và bảo vệ tại biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

TS (Theo plo.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm