Ngày 6-5, trọn bộ sách Hồi ký Lý Quang Diệu (hai tập) đã có buổi ra mắt tại TP.HCM. Đây là lần đầu tiên bộ sách được xuất bản trọn vẹn, có tác quyền sau lần xuất bản đầu tiên cách đây hơn 17 năm. Hai tập của bộ Hồi ký Lý Quang Diệu gồm: Câu chuyện Singapore (tập 1) và Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất(tập 2) có thể xem là bộ sách về lịch sử lập quốc, phát triển của Singapore cũng như câu chuyện về cuộc đời người kiến tạo nên Singapore - Lý Quang Diệu.
Thoát định kiến gốc Hoa
Trong tập tiểu luận Lý Quang Diệu - Nhà lãnh đạo điển hình của thế kỷ 21 (2004), học giả Gerry Smedinghoff (Mỹ) từng nhận định khác biệt của Lý Quang Diệu với các nhà lãnh đạo cùng thời như Hồ Chí Minh, Shah (Iran), Mahatma Gandhi (Ấn Độ), Fidel Castro (Cuba)… đó chính là “nhờ trí tuệ và thử nghiệm của mình, Lý Quang Diệu đã giúp Singapore được như hôm nay: Đó là sự chối bỏ những thiên kiến về xã hội, kinh tế, chính trị và cá nhân tính”. Minh chứng cho điều này là ông Lý Quang Diệu kiểm soát được những định kiến vốn là người gốc Hoa của mình, nhất là khi Hoa là dân tộc chủ yếu ở Singapore.
Việc vượt lên những thiên kiến phần nào làm giới học giả Tây phương từng nhìn nhận ông Lý Quang Diệu là nhà độc tài. “Tôi cho rằng ông Lý Quang Diệu là nhà độc tài tốt. Cụ thể nhất, ông đã quyết liệt chọn tiếng Anh làm quốc ngữ dù gặp phản đối của 60% người Singapore gốc Hoa, chưa kể người Singapore gốc Malaysia, gốc Ấn… Khi gặp phản ứng về việc chọn quốc ngữ, ông đã tuyên bố “Hãy bước qua xác tôi nếu phản đối”. Và cuối cùng ông đã thực hiện được việc đưa tiếng Anh là quốc ngữ, tiếng mẹ đẻ (của mỗi sắc dân) là ngôn ngữ bắt buộc. Theo tôi, đó là tầm nhìn ghê gớm khi lập quốc, góp phần tạo công thức thành công thịnh vượng của Singapore” - TS Lương Hoài Nam chia sẻ trong buổi tọa đàm “Câu chuyện Singapore với vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển” nhân ra mắt bộ hồi ký vào sáng 6-5 tại TP.HCM.
Trong suốt hồi ký của Lý Quang Diệu, người đọc dễ dàng nhận ra rằng quá trình lập quốc của Singapore đó hoàn toàn không giống với cuộc đấu tranh giành độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Điều này không khó hiểu bởi hoàn cảnh lịch sử, địa lý, xã hội… của mỗi quốc gia là riêng biệt.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm “Câu chuyện Singapore với vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển” nhân ra mắt bộ Hồi ký Lý Quang Diệu vào sáng 6-5 tại TP.HCM.
Bền bỉ cùng Lý Quang Diệu
Cụ thể về Việt Nam giai đoạn 1990- 1997 trong quan hệ với Singapore được ông Lý Quang Diệu dành trọn 10 trang ở tập 2 của sách.
Ông Lý Quang Diệu nhắc nhiều đến những cuộc gặp với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thuở ông Kiệt còn là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và cả sau khi lên làm thủ tướng). Sau lần gặp đầu tiên năm 1990 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), lần gặp thứ hai năm 1991 với Lý Quang Diệu là khi ông Kiệt đến thăm Singapore với lời mời của Thủ tướng Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống - thủ tướng kế nhiệm Lý Quang Diệu). “Khi bữa tiệc sắp kết thúc, ông (Võ Văn Kiệt) tiến đến phía tôi, nắm tay tôi và hỏi liệu tôi có giúp Việt Nam không. Tôi hỏi bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế cho Việt Nam. Tôi không nói nên lời. Bình tĩnh lại sau khi ngạc nhiên, tôi cho biết kinh nghiệm của tôi chỉ giới hạn ở một nhà nước thành bang, tôi không có kinh nghiệm quản lý một đất nước lớn như Việt Nam với dân số 60 triệu người, một đất nước bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và vận hành theo một hệ thống kế hoạch hóa tập trung, bao cấp chuyển đổi sang hệ thống thị trường. Ông vẫn bền bỉ và theo đuổi ý định này trong hai lá thư gửi tôi” - ông Lý Quang Diệu viết.
Sau trao đổi thư từ, ông Lý Quang Diệu đã đến Việt Nam năm 1992 mà theo ông, “tôi đồng ý viếng thăm Việt Nam, không phải với tư cách là một cố vấn, mà chỉ là những ý kiến bất chợt về việc Việt Nam chuyển sang một nền kinh tế thị trường tự do” - ông Lý viết.
Trong thời điểm đó, ông Lý Quang Diệu đã nhấn mạnh đến việc học tập quá trình chuyển đổi của Đài Loan, Hàn Quốc; đặc biệt chú trọng đến TP.HCM để làm động lực phát triển của cả nước. “Chất xúc tác là những người Việt di cư, những người Việt ra đi sau năm 1975 và kinh doanh thành công ở Mỹ, Tây Âu, Úc, New Zealand và các đảo lân cận ở Nam Thái Bình Dương. Mời họ trở về nhà và khởi động nền kinh tế ở miền Nam bởi họ sẽ muốn giúp đỡ gia đình và bạn bè họ. Ông Võ Văn Kiệt dường như bị lôi cuốn trước đề nghị này. Bản thân ông xuất thân từ miền Nam nhưng những người khác, những nhà lãnh đạo cấp cao hơn muốn sự phát triển phải lan rộng đều khắp cả miền Bắc và miền Nam” - ông Lý Quang Diệu viết.
Chú ý trẻ hóa người điều hành chính phủ
Và sau chuyến thăm đó, ông Lý Quang Diệu đã gửi một nhóm chuyên gia nghiên cứu các khuyết điểm về hạ tầng của Việt Nam, đưa ra lời khuyên về hải cảng, sân bay, đường sá, cầu cống, thông tin liên lạc và cung cấp năng lượng. Đúng như lời hứa, sau đó nhóm chuyên gia của Singapore đã gửi đến Chính phủ Việt Nam một bản báo cáo, cũng như Singapore đã lập một quỹ trị giá 10 triệu USD cho việc đào tạo chuyên môn cho quan chức Việt Nam. Ông Lý Quang Diệu còn kể trong hồi ký: “Năm 1993 tôi đã đề nghị ông Võ Văn Kiệt và đội ngũ của ông nên cất nhắc các cựu chiến binh du kích vào những vị trí cố vấn quan trọng và cho phép những người trẻ hơn gánh trách nhiệm hằng ngày. Họ cần những con người hiểu biết về nền kinh tế thị trường và có thể liên hệ với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng những cựu binh đã tham chiến và chiến thắng đang tại chức và muốn xây dựng đất nước theo cách của họ. Khi một thế hệ trẻ kế thừa sự nghiệp, tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn”.
Bên cạnh ông Võ Văn Kiệt, trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu cũng kể những cuộc gặp với: cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Singapore lẫn Việt Nam, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi ông còn là chủ tịch UBND TP.HCM… Các cuộc gặp này, ông Lý Quang Diệu đã có những chất vấn về vướng mắc trong đầu tư của các doanh nghiệp Singapore với Việt Nam. Bởi khi thảo luận với ông đều có những kết quả tốt đẹp nhưng thực tế các doanh nghiệp lại vướng mắc. “Một lần nữa tôi được đưa đến gặp ông Đỗ Mười. Đó là một cuộc thảo luận tốt đẹp, giống như những lần trước. Nhưng tôi sợ sự ảnh hưởng của nó sẽ bị giới hạn một lần nữa. Người Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian cho việc loại bỏ các trói buộc để hoạt động thoải mái, linh hoạt. Một khi họ làm được điều này, tôi ít nghi ngờ việc họ có thể thành công” - ông Lý Quang Diệu viết kết thúc phần về Việt Nam trong hồi ký của mình.
Thẳng tay loại người cũ bất chấp cảm xúc của chính mình Một trong những chương sách gây nhiều xúc động nhất trong bộ Hồi ký Lý Quang Diệu chính là chương Chuyển giao quyền lực trong tập 2 của bộ hồi ký. Không dễ để một chính trị gia rút lui nhưng ông đã viết: “Tôi mừng vì đã từ chức thủ tướng tháng 11-1990. Tôi vẫn điều khiển tình hình chính trị cùng một nền kinh tế đang hoạt động mạnh. Sức khỏe tôi vẫn còn tốt. Song nếu tôi không rút lui, có thể tôi đã bị sập bẫy trong cơn khủng hoảng tài chính cùng với độ nhạy bén và sức lực ngày càng giảm sút của tôi”. Có lẽ khó khăn lớn nhất trong cuộc chuyển giao quyền lực của Lý Quang Diệu không nằm ở việc bản thân ông rút lui mà việc ra tay gạt bỏ những người ông cho là cũ kỹ ở các ghế bộ trưởng để chọn những người trẻ tiếp tục. Ông đã tìm đủ cách để tuyển chọn người giỏi: Từ việc kiểm tra IQ, học tập hệ thống tuyển người của các tập đoàn đa quốc gia; rút kinh nghiệm từ việc lệch quỹ đạo do sai lầm của phi hành gia trong vụ Apollo 13 (Mỹ) để chọn nhà tâm lý học, nhà trắc nghiệm tâm thần tham gia trắc nghiệm cho các ứng cử viên… “Trách nhiệm kế tiếp của chúng tôi là phải bảo đảm cho Singapore tiếp tục có những người tài năng, trung thực và tận tụy lãnh đạo. Thế hệ khai quốc công thần đã qua đỉnh cao nhất và họ phải rời khỏi đội ngũ” - ông Lý Quang Diệu viết. Và ông cũng thừa nhận những quyết định của ông đôi khi “tôi phải làm điều đó bất chấp cảm xúc của chính mình”. |