Ngày 21-11, một nguồn tin cho biết VKSND Tối cao đã có văn bản yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận chuyển toàn bộ hồ sơ vụ tham ô xảy ra tại Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận để viện trưởng VKSND Tối cao nghiên cứu, xem xét.
Trước đó, ngày 11-11, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có công văn yêu cầu viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao báo cáo bằng văn bản về vụ án cho Ủy ban Tư pháp trước ngày 20-12. Công văn này cũng cho biết Ủy ban Tư pháp dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp với VKSND Tối cao và TAND Tối cao để trao đổi những nội dung liên quan đến vụ án này (thời gian, địa điểm sẽ thông báo sau).
Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, trước đây Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM đã hỗ trợ cho Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận một máy mổ mắt laser trị giá hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nhận máy thì Trung tâm Mắt phải nộp lại cho hội 10.000 USD (khoảng 150 triệu đồng thời điểm đó) để tái tạo quỹ. Sau đó, Trung tâm Mắt vận động được hai nhà hảo tâm đóng góp 100 triệu đồng và ông Nguyễn Minh Hiếu đóng góp 100 triệu đồng. Sau khi nộp tiền tái tạo quỹ, tháng 9-2008, Trung tâm Mắt đã cử người mang trả số tiền 50 triệu đồng còn dư cho ông Hiếu.
Các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận nhận định trong điều kiện Trung tâm Mắt mới thành lập, kinh phí khó khăn, đơn vị đang tranh thủ xin các nhà hảo tâm tài trợ để mổ mắt cho người nghèo mà lại đem trả lại tiền tài trợ là hết sức vô lý. Mặt khác, sau khi bị thanh tra, nguyên giám đốc Trung tâm Mắt Đặng Thị Linh mới trả lại số tiền trên là việc làm đối phó nhằm che lấp việc chiếm đoạt tài sản. Từ đó, bà Linh và nguyên trưởng phòng tổ chức của Trung tâm Mắt Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã bị khởi tố, truy tố về tội tham ô tài sản.
Ngày 24-6, TAND TP Phan Thiết xử sơ thẩm đã tuyên phạt hai bị cáo mỗi người bảy năm tù. Cả hai kháng cáo, riêng bị cáo Linh kêu oan. Ngày 13-10, TAND tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm đã giảm án cho bị cáo Linh xuống còn năm năm tù, bị cáo Nguyệt xuống còn hai năm tù. Sau đó, bị cáo Linh tiếp tục làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm để kêu oan.
NGUYỄN PHÚ NHUẬN