Vụ 2 thỏi vàng: Vì sao UBND TP.HCM vẫn chưa thi hành án?

UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Viện trưởng VKSND TP.HCM nêu ba nội dung liên quan tới vụ ông Dương Toàn Sang từng bị cơ quan này tịch thu hai thỏi vàng.
Thứ nhất, UBND TP từng có công văn gửi Viện trưởng VKSND TP.HCM  đề nghị thông báo cho Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM, nhưng đến nay chưa nhận được phúc đáp.
Thứ hai, cuối năm 2018, Tổng cục THADS có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP đề nghị thi hành bản án liên quan tới vụ ông Sang.
Thứ ba, tháng 8-2018, TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 162/2016/HC-PT ngày 7-11-2016 của TAND Cấp cao tại TP.HCM (bản án này và bản án liên quan đến ông Sang có nhiều điểm tương đồng).
Từ đó, UBND TP.HCM đề nghị Viện trưởng VKSND TP có thông báo đến Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án vụ hai thỏi vàng.
Mục đích là để: “Giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm. Trước mắt đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao hoãn thi hành bản án”.
Như PLO.VN từng thông tin, năm 2013, ông Dương Toàn Sang đang đi ăn sáng cùng bạn thì bất ngờ bị Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận 5 kiểm tra hành chính. Do trong cốp xe của ông Sang có hai thỏi vàng 99,99% không có hóa đơn, chứng từ nên hôm sau ông bị Công an quận 5 lập biên bản.
Tháng 3-2014, chủ tịch UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Sang về hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định. Ông Sang bị phạt tiền 87,5 triệu đồng và bị tịch thu hai thỏi vàng 99,99%.
Ông Sang khởi kiện ra TAND TP vì cho rằng hai thỏi vàng là của người khác, có nguồn gốc do ông bà để lại từ rất lâu, ông chỉ mang đi gia công chứ không có mục đích kinh doanh.
Năm 2015, TAND TP xử sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Sang. Ông Sang kháng cáo. Tháng 5-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND TP.
Thế nhưng tới nay ông Sang vẫn chưa được trả lại vàng.
Bị ông Sang khiếu nại nên Cục THADS TP.HCM đề nghị Tổng cục THADS thực hiện kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý theo Điều 35 Nghị định 71/2016.
Do đó Tổng cục THADS căn cứ vào Điều 34 Nghị định số 71/2016 đề nghị chủ tịch UBND TP.HCM tổ chức thi hành bản án phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Án có hiệu lực thì phải thi hành

Trao đổi với PLO.VN, TS Nguyễn Văn Tiến (Phó trưởng khoa Luật Dân sự, ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, về nguyên tắc bản án đã có hiệu lực thì phải được đưa ra thi hành. Nếu uỷ ban không thi hành thì phải căn cứ vào Điều 35 nghị định 71/2016/NĐ-CP để tiến hành xử trách nhiệm như bị kỉ luật, xử phạt hành chính…

“Theo Điều 48 Luật THA thì cho dù Uỷ ban có đơn đề nghị giám đốc thẩm cũng không thuộc trường hợp được hoãn THA. Giả sử khi uỷ ban THA án xong mà có căn cứ để thấy rằng bản án phúc thẩm tuyên sai thì lúc đó sẽ phát sinh Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Vì vậy UBND TP.HCM cũng không thể so sánh bản án này với bản án kia để đề nghị tạm đình chỉ bản án phúc thẩm. Trong trường hợp này không còn cách nào khác buộc uỷ ban phải THA”, TS Tiến nhấn mạnh.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm