Vụ 22.000 hộp sữa từ thiện: Cần làm nhanh để sữa đến tay trẻ

Sáng 9-11, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội (QH) khóa XV, từ đầu cầu TP.HCM, ĐBQH Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch ban MTTQ Việt Nam TP.HCM thông tin lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do kiều bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 “về gần 1 tháng, chưa lấy ra được”.

ĐB Châu cho biết Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (Cục ATTP), Bộ Y tế và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT). Chỉ hai ngày thì Cục Thú y đồng ý, chỉ có Cục ATTP đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ. Trong khi đó, nếu TP.HCM gửi công văn đến Chính phủ thì Chính phủ cũng giao cho Cục ATTP trả lời.

ĐB Châu đặt vấn đề sao Cục ATTP không tham mưu luôn cho Chính phủ có văn bản trả lời. “Cách làm của Cục ATTP là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc” - ĐB Châu nói.

Trả lời báo chí vào ngày 10-11, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, khẳng định Cục này đã trả lời đúng thẩm quyền. Ông Phong cho biết thêm: Quy định hiện nay đã rõ ràng, Cục không thể làm khác.   

ĐBQH Tô Thị Bích Châu phát biểu từ đầu cầu TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Trao đổi với PLO, ThS Trương Trọng Hiểu, Phó phòng Sau đại học và Khoa học công nghệ, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng dù thế nào thì vấn đề ATTP cũng cần phải bảo đảm, nhất là đối với hàng thực phẩm dành cho đối tượng đặc biệt là trẻ nhỏ.

“Vì vậy, tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Cục ATTP và thật sự chia sẻ với đơn vị này trước những yêu cầu cần phải tuân thủ bởi theo quy định hiện tại, hàng hóa tài trợ được nhập khẩu như vụ việc này không thuộc trường hợp được miễn kiểm tra” - ông Hiểu nói.

Theo ông Hiểu, Cục ATTP làm đúng chức trách, nhưng lại làm chậm quá trình xử lý sự việc. Với kinh nghiệm quản lý của mình, các đơn vị chức năng hoàn toàn biết rằng ngay cả phương án kiểm tra lô hàng được triển khai thì cũng chỉ mất khoảng 10 ngày tùy phương thức kiểm tra mà Điều 19 Nghị định 15/2018 đã quy định (hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật ATTP).

“Việc tiếp tục hướng đến quy trình miễn kiểm tra mà kéo dài hơn khoảng thời gian cần để kiểm tra liệu có phải là một lựa chọn tối ưu? Nếu các đơn vị thực sự cùng hướng đến mong muốn chung là đưa hàng hóa hỗ trợ về với các em nhỏ thì tôi nghĩ sẽ có những hướng giải quyết khác rút ngắn được thời gian những vẫn bảo đảm đúng quy trình” - ThS Hiểu nêu quan điểm.

ý kiến cho rằng, nếu quy trình kiểm tra hàng hóa được triển khai thì theo thực tế sẽ có sự phối hợp tham gia cùng lúc của nhiều bên, như đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương…

Về vấn đề này, ông Hiểu cho rằng đó là phương cách thực thi khác xa với quy định hiện tại. Nếu thực hiện đúng quy định tại Điều 15 Nghị định 15/2018 thì cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu là cơ quan được Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT hoặc Bộ Công thương giao hoặc chỉ định.

Ngay cả khi đối với trường hợp một lô hàng nhập khẩu có nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều Bộ cũng chỉ cần Bộ NN&PTNT giao hoặc chỉ định đơn vị thực hiện công việc này.

Cũng theo ThS Hiểu, vụ việc trên đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, liệu có cần thiết đưa quy định cụ thể hơn về cách thức kiểm tra và tiếp nhận hàng tài trợ. Ông Hiểu cho rằng, quy định và điều kiện kiểm dịch hàng hóa và ATTP cần phải được tuân thủ đầy đủ.

Thứ hai, sau đại dịch này, Nhà nước cần hệ thống hóa và thậm chí có thể thông qua một văn bản luật về phương thức và cách thức thực thi công vụ, xử lý sự việc trong các tình huống đặc biệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm