Ngày 1-4, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao và yêu cầu của ông Nguyễn Đức Chi, hủy phần kê biên tài sản thuộc dự án Rusalka ở Khánh Hòa và đình chỉ vụ án về phần này…
Đầu năm 2002, ông Chi mua của Công ty XNK lương thực Trà Vinh hơn 31.000 tấn gạo. Tháng 6-2005, ông Chi bị bắt với cáo buộc là lừa đảo số tiền gần 5,3 triệu USD từ hợp đồng này. Khi khởi tố vụ án, công an đã kê biên hơn 43,8 ha đất, các công trình đã xây dựng trong dự án Rusalka ở Khánh Hòa cùng một số tài sản khác của ông Chi để phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Tháng 9-2006, Bộ Tài chính lập hội đồng định giá, bán đấu giá tài sản đã kê biên nói trên nhưng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng việc bán đấu giá vì phải chờ phán quyết của tòa. Tiếp đến, cuối năm 2008, TAND tỉnh Trà Vinh đã xử vụ án và chuyển từ tội danh lừa đảo sang tội sử dụng trái phép tài sản, phạt ông Chi bốn năm tù. Cùng với đó, tòa Trà Vinh hủy bỏ lệnh kê biên quyền sử dụng hơn 43,8 ha đất tại dự án Rusalka ở Khánh Hòa vì đến thời điểm xét xử, ông Chi chỉ còn nợ Công ty XNK lương thực Trà Vinh hơn 2,6 tỉ đồng tiền lãi trong hợp đồng mua bán gạo nói trên.
Một góc dự án Rusalka dang dở từ nhiều năm nay. Ảnh: THÀNH NGUYỄN
Tuy nhiên, phần phán quyết về kê biên này không được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đồng tình, dù trước khi xử phúc thẩm ông Chi đã nộp toàn bộ số tiền còn nợ Công ty XNK lương thực Trà Vinh. Lý do mà tòa phúc thẩm duy trì lệnh kê biên của công an là ông Chi đang bị truy tố về một tội phạm khác liên quan đến dự án Rusalka (vụ làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức).
Đầu năm 2009, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục kết án ông Chi một năm sáu tháng tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng không xem xét, giải quyết yêu cầu của ông Chi về lệnh kê biên số tài sản nêu trên. Đây là việc làm đúng pháp luật vì tòa Khánh Hòa không thể phán quyết về phần không liên quan đến vụ án mà mình đang xét xử. Bởi lẽ tội danh mà tòa Khánh Hòa xét xử đối với ông Chi có khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý hành chính chứ không phải là quyền tài sản, hơn nữa các tài sản kê biên cũng không phải là vật chứng của vụ án mà mình đang xét xử nên tòa Khánh Hòa không phán quyết về lệnh kê biên của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Mặt khác, vì phán quyết của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã có hiệu lực nên thẩm quyền xem xét thuộc TAND Tối cao…
Có thể nói phán quyết về việc kê biên của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM là quá thận trọng vì lo ngại nếu giải tỏa lệnh kê biên thì số tài sản nêu trên sẽ bị tẩu tán, chuyển nhượng… Tuy nhiên, việc lo ngại này là sai tố tụng, vì các cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hòa thấy rằng việc kê biên là cần thiết thì trong thẩm quyền của mình, họ sẽ ra lệnh kê biên. Đây là nguyên tắc độc lập trong xét xử. Mặt khác, tòa phúc thẩm đã duy trì lệnh kê biên sai tố tụng vì trong vụ án sử dụng trái phép tài sản, ông Chi không còn nghĩa vụ về tài sản nào…
Những sai sót trên của tòa phúc thẩm đã được TAND Tối cao sửa sai trong quyết định giám đốc thẩm ngày 1-4-2010 nêu trên.
Được biết, hiện ông Nguyễn Đức Chi đang đề nghị các cơ quan chức năng hủy bỏ các quyết định thu hồi giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông là đại diện cho Công ty RIT đầu tư vào dự án Rusalka để ông tiếp tục thực hiện dự án…
VI TRẦN