Vụ biệt thự cổ trước nguy cơ xóa sổ: Sở KH&ĐT nói gì?

Chiều 5-1, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: đã biết được thông tin phản ánh của các văn nghệ sĩ qua thông tin trên báo chí.

Tuy nhiên, hiện tỉnh chỉ mới cho doanh nghiệp vào nghiên cứu, còn việc đầu tư thì phải lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Khu đất tại số 26 Lê Lợi. Ảnh: NGUYỄN DO

Theo ông Phan Thiên Định, định hướng phát triển của tỉnh là toàn bộ trục đường Lê Lợi từ cầu Trường Tiền - cầu Phú Xuân, khu sát bờ sông sẽ trở thành khu bảo tàng, quảng trường sinh hoạt chung cho khách du lịch. Còn phía đường đối diện sẽ phát triển dịch vụ nên thời gian tới các trụ sở cơ quan nhà nước lâu dài sẽ chuyển về trung tâm hành chính.

"Trong phạm vi đó có nhà 26-28 Lê Lợi, theo quan điểm của sở là giá trị của khu vực đó gồm 3 phần: nếu xem đây là một trụ sở của một hội thì có thể di dời chỗ khác cho phù hợp với việc phát triển của thành phố; xét về giá trị tinh thần, ý nghĩa lịch sử của khu vực này thì cũng cần phải quan tâm bởi đây cũng là nơi sinh hoạt của nhiều văn nghệ sĩ lớn tại Huế. Ở góc độ này cũng có thể có nhiều cách thức khác như tạo ra một không gian, tiếp tục là nơi quy tụ của các văn nghệ sĩ lớn hoặc trưng bày những cái mà mọi người có thể đến đây sinh hoạt; về công trình kiến trúc thì phải có đánh giá khoa học về công trình này", ông Phan Thiên Định nói.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình để có ý tưởng phát triển tốt thì tỉnh sẽ cho các doanh nghiệp nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu thì sẽ lấy ý kiến, đánh giá của các cơ quan chức năng, trong đó phải lấy ý kiến của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nhưng việc đánh giá phải dựa trên khoa học chứ không phải bằng cảm tính.

Khi PV đặt vấn đề lo ngại về vẻ cổ kính của thành phố Huế sẽ bị mai một khi những công trình kiến trúc cổ được xây dựng theo kiến trúc Pháp trước nguy cơ bị xóa sổ. Cụ thể là vào năm 2017, một tòa biệt thự cổ tại số 5 Lý Thường Kiệt mà báo Pháp Luật TP.HCM từng thông tin đã bị phá bỏ, đến nay lại có thêm thông tin khu đất 26 Lê Lợi được giao cho doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư?

Ông Phan Thiên Định cho biết không phải cái gì cũ cũng quý và đáng giá. Tất nhiên nói về giá trị lịch sử thì những công trình như thế này rất có giá trị, nhưng có đáng để chúng ta giữ lại hay thay vào một cái khác hay không thì phải có những đánh giá khoa học về vấn đề này.

Trước đó, tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế, vào ngày 28-10-2017, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26 và 28 đường Lê Lợi theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Nội dung công văn nêu rõ: đề nghị Công ty CP Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện các thủ tục nghiên cứu, lập dự án đầu tư, báo cáo UBND tỉnh. Hiện nay, tại các khu đất nêu trên đang có một số doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư, do đó sau khi các doanh nghiệp có phương án đề xuất cụ thể, UBND tỉnh sẽ xem xét, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, phương án đầu tư phù hợp với vị trí khu đất, định hướng của tỉnh và theo quy định của pháp luật.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, trước những thông tin khu đất này được giao cho doanh nghiệp đầu tư làm khu phức hợp khách sạn, dịch vụ và thương mại đã khiến nhiều văn nghệ sĩ ở Huế cảm thấy rất lo lắng. Vì đây là ngôi biệt thự cổ, có giá trị lớn về mặt mỹ thuật và là nơi họ đã gắn bó với nhiều tên tuổi của các văn nghệ sĩ lớn.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết gần đây tỉnh đã có ý tưởng xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành khu phố du lịch gắn với bảo tàng và các thiết chế văn hóa nghệ thuật. Vì vậy việc tỉnh có chủ trương thu hồi khu đất để chuyển đổi mục đích cho đầu tư phát triển là hợp lý, bởi sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, ngôi nhà 26 Lê Lợi cần được giữ lại theo hướng bảo tồn thích nghi. Bởi theo ông, về giá trị vật thể, ngôi nhà này quá đẹp, nằm trong số những biệt thự kiến trúc Pháp có giá trị di sản. Đồng thời là trụ sở hội, là di sản trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không chỉ ở TP Huế mà còn trên cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm