Vụ chi 6 tỉ chống hạn, “bay” 5,2 tỉ: Đụng đâu giả đó!

 Báo Pháp Luật TP.HCMngày 13-4 có bài “Đường dây chống hạn… trên giấy” phản ánh vụ thất thoát kinh hoàng tại Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Nam Khánh Hòa. Đơn cử trong 6 tỉ đồng ngân sách chi cho việc nạo vét, tu sửa các công trình thủy lợi phục vụ chống hạn thì các cá nhân, tổ chức liên quan đã làm thất thoát đến 5,2 tỉ đồng. Hiện công an đã khởi tố vụ án tham ô tài sản tại công ty này. Nguyên giám đốc Đỗ Hồng Hải đã bị bắt giam.

Nhiều ý kiến thắc mắc vì sao tiền ngân sách bị rút dễ dàng như vậy? Các cá nhân, tổ chức đã câu kết với nhau bằng chiêu thức nào?

Lập hồ sơ giả từ thiết kế, thi công đến nghiệm thu

Kết quả thanh tra của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho thấy để rút ngân sách nhà nước, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đã làm giả hầu hết hồ sơ, giấy tờ liên quan với sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức.

Thật khó tin khi trong 24 công trình thủy lợi do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa lập hồ sơ nạo vét, tu sửa trong hai năm 2014-2015 gần như không có công trình nào có hồ sơ đúng quy định. Hầu hết tài liệu, giấy tờ của các công trình này đều bị làm giả từ khâu khảo sát, lập thiết kế dự toán, phê duyệt thiết kế dự toán đến thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán...

Lợi dụng tình hình khô hạn kéo dài trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong các vụ đông xuân, hè thu hai năm 2014-2015, ông Đỗ Hồng Hải, khi đó đang là giám đốc Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa, chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ thực hiện nạo vét, tu sửa bằng nguồn vốn khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Một số công trình vừa được thanh quyết toán lại tiếp tục lập hồ sơ tu bổ và được tỉnh thanh toán. Chẳng hạn, công trình gia cố bờ cản ngăn sông Cái, trạm bơm Cầu Đôi được thanh quyết toán 300 triệu đồng ngày 24-12-2014. Chỉ một tuần sau, ngày 31-12-2014, giám đốc Hải chỉ đạo tiếp tục lập hồ sơ gia cố và được thanh toán gần 280 triệu đồng từ nguồn kinh phí chống hạn đầu năm 2015.

Tất cả công trình đều không khảo sát thực tế mà chỉ lập hồ sơ thiết kế, tính toán khối lượng theo sự chỉ đạo của giám đốc Đỗ Hồng Hải. Để qua mặt thanh tra, lãnh đạo Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa chỉ đạo cấp dưới làm lại các hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, đoàn thanh tra phát hiện bảy công trình có hai bộ thiết kế khác nhau, đều làm giả, trong đó một bộ cung cấp cho đoàn thanh tra và một bộ cung cấp cho Sở Tài chính thẩm tra quyết toán trước đó.

Công trình thủy lợi do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa quản lý bị hỏng nặng chưa được sửa chữa, trong khi công ty này lập khống hồ sơ để rút tiền Nhà nước. Ảnh: QĐ

Cũng theo kết quả thanh tra của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, trong 24 công trình trên chỉ một công trình thực hiện với chi phí 100% giá trị thanh quyết toán. Còn lại có đến 10 công trình không hề thực hiện, 13 công trình chỉ làm 13%.

Kết quả xác minh cho thấy toàn bộ danh sách thi công thủ công, bảng thanh toán tiền nhân công đều lập khống. Phần nạo vét cơ giới, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa chỉ ký hợp đồng với Công ty TNHH TMXD TKQ, Công ty TNHH MTV TMDV LP một công trình.

Chuyển tiền khống, đua nhau bỏ túi

Kết luận thanh tra xác định hầu hết các công trình trên đều không nghiệm thu ngoài thực địa và toàn bộ chứng từ, hóa đơn thanh toán đều lập khống. Từ đó, ngân sách nhà nước đã phải chuyển đến gần 3,5 tỉ đồng cho ba doanh nghiệp. Trong đó, thanh toán cho Công ty TNHH TMXD TKQ gần 3 tỉ đồng, Công ty TNHH VTTM LH 258 triệu đồng, Công ty TNHH MTV TMDV LP 250 triệu đồng.

Cũng theo cơ quan thanh tra, lợi dụng chủ trương hỗ trợ dầu chống hạn, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đã lập hồ sơ giả, kê khai nhiều hơn thực tế số dầu trị giá gần 900 triệu đồng. Tiếp đó, ông Hải ký ủy nhiệm chi để chuyển khoản khống 856 triệu đồng cho hai doanh nghiệp gồm Công ty Xăng dầu PK 448 triệu đồng, Công ty TNHH LB 408 triệu đồng.

Ngoài số tiền chuyển khống cho các doanh nghiệp, ngân sách nhà nước còn bị thất thoát nhiều tỉ đồng khi một số cán bộ của Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đua nhau nhận tiền mặt bỏ túi riêng.

Kết luận thanh tra xác định phó giám đốc Đoàn Phi Dũng trực tiếp nhận trên 1,8 tỉ đồng rồi đưa hơn 1,7 tỉ đồng cho giám đốc Đỗ Hồng Hải sử dụng vào mục đích cá nhân. Chưa hết, ông Dũng còn nhận 320 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ dầu chống hạn rồi cũng giao cho giám đốc. Ngoài ra, hàng loạt cán bộ khác của Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đua nhau ký nhận, bỏ túi từ vài chục đến gần 200 triệu đồng.

Nguồn tin từ Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết bước đầu cơ quan điều tra xác định ông Hải chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng. Hiện cơ quan công an đang làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền Nhà nước của các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa thừa nhận việc quyết toán các công trình thủy lợi trên đều do sở này thẩm tra, phê duyệt. Với các công trình có hợp đồng với doanh nghiệp, kinh phí thanh toán được chuyển khoản trực tiếp đến các doanh nghiệp này.

Cũng theo vị lãnh đạo Sở Tài chính, cơ quan căn cứ hồ sơ quyết toán do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa lập. “Theo quy định của Bộ Tài chính, cơ quan thẩm tra quyết toán, cán bộ trực tiếp thẩm tra quyết toán không chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng do chủ đầu tư và nhà thầu đã nghiệm thu đưa vào báo cáo quyết toán; không chịu trách nhiệm về đơn giá dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đơn giá trúng thầu đã được người quyết định trúng thầu quyết định, chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất ghi trong hợp đồng. Qua kiểm tra hồ sơ quyết toán tại Sở Tài chính, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đã thực hiện hồ sơ, thủ tục và Sở Tài chính thẩm tra theo đúng quy định”.

Trước đó, ngày 23-11-2016, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ trì cuộc họp nghe lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo kết quả thanh tra. Sau cuộc họp, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết các thành viên dự họp thống nhất không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra với lý do “ghi nhận nỗ lực khắc phục hậu quả của ông Hải”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm