TAND tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên bố vô hiệu đối với các văn bản công chứng (VBCC) liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất 18 Bạch Đằng (TP Nha Trang) của cụ Lê Thị Háo (82 tuổi).
Bị lừa bán nhà
Tháng 8-2016, Pháp Luật TP.HCM có loạt bài phản ánh việc cụ Háo tố cáo người giúp việc lừa bán căn nhà ba tầng của mình. Người thân của cụ phát hiện căn nhà đã âm thầm được sang tên cho ông Nguyễn Hoàng Trung (cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Khánh Hòa).
Sau đó, bà Lê Thị Thái Hằng và ông Lê Cao Thái Dương (hai người cháu của cụ Háo, ngụ ở Mỹ) có đơn yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên bố vô hiệu đối với các VBCC liên quan đến việc chuyển nhượng căn nhà. Theo trình bày của họ, năm 2006 bà Hằng, ông Dương được cụ Háo và cụ Lê Thị Chỉnh (hai người cô ruột) cùng lập di chúc chuyển giao toàn bộ nhà đất ở 18 Bạch Đằng. Năm 2012, khi cụ Chỉnh mất, nội dung di chúc đã có hiệu lực, căn nhà trên thuộc quyền sở hữu chung của cụ Háo, bà Hằng và ông Dương.
Tuy nhiên, tháng 7-2016, không hiểu sao Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Huệ - Phạm Tuấn (TP Nha Trang) lại công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế với nội dung cụ Chỉnh để lại thừa kế duy nhất cho cụ Háo. Căn cứ vào văn bản này, ngày 28-7-2016, UBND TP Nha Trang đã cấp giấy tờ nhà đất cho cụ Háo. Ngay trong ngày, VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa cụ Háo và ông Trung.
Trước mặt cụ Háo cùng nhiều người dân địa phương, người giúp việc Trương Thị Tín (53 tuổi, quê Quảng Nam) thừa nhận đã lén đem giấy tờ nhà đất của cụ Háo đi thế chấp chỉ để lấy 150 triệu đồng. Còn việc làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất có một số người khác hỗ trợ…
Hai người cháu từ Mỹ về thăm cụ Háo. Ảnh: T. LỘC
Các văn bản công chứng đều vô hiệu
Tại phiên họp sơ thẩm mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa nhận định: Văn bản khai nhận di sản thừa kế cùng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất do VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn công chứng đã xâm phạm quyền lợi hợp pháp của bà Hằng, ông Dương. Việc bà Hằng, ông Dương yêu cầu tuyên bố hai VBCC trên vô hiệu là có căn cứ. Yêu cầu này được các bên liên quan đồng ý, gồm cụ Háo, ông Trung và VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn cùng công chứng viên Hoàng Thị Huệ.
Theo biên bản lấy lời khai của TAND tỉnh Khánh Hòa, cụ Háo cho rằng việc cụ đến VPCC ký giấy tờ gì thì cụ không biết. Cụ cũng xác định không có ý định bán nhà cho ai, chỉ để cho hai người cháu là bà Hằng và ông Dương. Trong khi đó, người nhận chuyển nhượng là ông Trung thừa nhận có ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất do VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn chứng thực. Tuy nhiên, ông Trung không yêu cầu giải quyết vấn đề gì liên quan đến việc tuyên bố vô hiệu.
Theo giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại Nha Trang, căn cứ vào các VBCC trên, chi nhánh này đã chỉnh lý biến động của giấy chứng nhận đất cùng ngôi nhà 18 Bạch Đằng sang tên cho ông Trung. Sau khi có tố cáo của cụ Háo cho rằng bị lừa lấy nhà, chi nhánh đã ra thông báo dừng mọi thủ tục chuyển dịch đất cùng căn nhà trên.
Từ đó, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên bố văn bản khai nhận di sản thừa kế cùng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của cụ Háo do VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn công chứng là vô hiệu.
“Chúng tôi mừng lắm!” Từ khi giấy tờ nhà đất bỗng mất sạch, rồi nhà bị sang tên người khác, sức khỏe cụ Háo suy sụp hẳn, mấy tháng nay chỉ nằm một chỗ. “Tôi vốn thương chị giúp việc ấy lắm! Hồi đó, chị ấy đưa tôi ra taxi nói là đưa đi khám bệnh nhưng lại đưa tôi đến một văn phòng nào đó rồi đưa giấy tờ bảo tôi ký. Tôi không mang kính nên không đọc được, không biết họ viết gì trong đó. Tôi nghĩ mình già vầy, không ai nỡ lừa gạt mình nên ký cho xong để ra khỏi phòng chứ tôi không chịu nổi máy lạnh. Không ngờ họ gạt tôi. Tiền bạc các cháu gửi về cho tôi đầy đủ mà tôi cũng đâu cần tiền nên bán nhà làm chi!” - cụ Háo nói. Nghe tin tòa tuyên vô hiệu các giấy tờ cụ đã ký, cụ Háo tươi tỉnh hẳn lên, bảo người thân gọi điện thoại cho các cháu biết. “Nguyện vọng lớn nhất cuối đời của tôi là lấy lại giấy tờ nhà đất cho các cháu. Giờ thành rồi, tôi mừng lắm! Tôi chỉ mong được sống đến cuối đời trong căn nhà của mình rồi để lại cho các cháu” - cụ Háo chia sẻ. Liên lạc qua email với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Thái Hằng cho biết rất hài lòng với quyết định của tòa. “Mấy tháng nay, o Háo rất khổ tâm về chuyện đã xảy ra nên chúng tôi rất lo cho sức khỏe của o. Nay tòa tuyên vô hiệu các giấy tờ chuyển nhượng, trả lại tình trạng ban đầu, gia đình tôi như đã tìm thấy công lý. Điều đó sẽ giúp o Háo sống lâu hơn với chúng tôi. Khi nghe tin o Háo bị họ lừa lấy mất nhà, chị em chúng tôi buồn, lo lắm. Thật sự chúng tôi cũng không hiểu rõ lắm luật pháp Việt Nam. May mà báo Pháp Luật TP.HCM đã góp phần giúp gia đình tôi lấy lại căn nhà của mình. Gia đình tôi hết sức cảm ơn báo!’ - bà Hằng viết. Hiện cụ Háo đã có đơn yêu cầu UBND TP Nha Trang, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Nha Trang thu hồi giấy tờ nhà đất đã sang tên ông Trung. Cụ cũng yêu cầu được hoàn trả bản chính giấy chứng nhận. Chờ công an kết luận Ngày 15-8-2016, Pháp Luật TP.HCM bắt đầu đăng liên tục nhiều bài báo phản ánh vụ việc. Sau đó Công an TP Nha Trang đã vào cuộc xác minh. Ngày 19-8-2016, người nhận chuyển nhượng nhà đất là ông Trung xuất hiện. Ông Trung nói sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, dù đang công tác tại Đồng Nai nhưng ông quyết định trở về làm việc với luật sư và người thân của cụ Háo để cùng trao đổi, giải quyết vụ việc. Ngay tại buổi làm việc đầu tiên, ông Trung đã trả lại toàn bộ giấy tờ tùy thân của cụ Háo như sổ hộ khẩu, giấy CMND mà ông giữ từ khi ông trực tiếp đi làm giấy tờ căn nhà. Hôm sau, ông đã giao giấy tờ nhà đất lại cho luật sư trợ giúp pháp lý của cụ Háo. Sau đó, các bên thống nhất yêu cầu tòa tuyên bố các văn bản công chứng vô hiệu. Cuối tháng 8-2016, Ban Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công an TP Nha Trang chuyển hồ sơ vụ cụ Háo tố cáo cho Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) tiếp tục điều tra. Đến nay, công an tỉnh chưa có kết luận về vụ việc. |