Vụ đánh bom ở Boston (Mỹ): Bảy nghi vấn còn bỏ ngỏ

Ngày 21-4 (giờ địa phương), người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney thông báo nghi can Dzhokhar Tsarnaev không được xem như “kẻ thù tham chiến” và sẽ được đưa ra xét xử bình thường. Ông nhấn mạnh theo luật pháp của Mỹ, công dân Mỹ không thể bị xét xử trước tòa án quân sự.

Đổ tội hết cho anh trai Tamerlan Tsarnaev

Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ đã ký quyết định khởi tố nghi can Dzhokhar Tsarnaev về hai tội danh gồm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và phá hoại tài sản gây chết người liên quan đến vụ đánh bom ở Boston ngày 15-4. Mỗi tội danh có khung hình phạt đến tử hình.

Theo báo New York Times, quyết định khởi tố dài 10 trang được tống đạt ngay tại giường bệnh của Dzhokhar Tsarnaev trong BV Beth Israel Deaconess ở Boston (bang Massachusetts).

Trước một thư ký tòa, hai công tố viên liên bang và ba luật sư cộng đồng bảo vệ quyền lợi cho Dzhokhar Tsarnaev, thẩm phán Tòa sơ thẩm liên bang Marianne Bowler đã đọc quyết định khởi tố, sau đó đọc các quyền như những lời nói của Dzhokhar Tsarnaev có thể được dùng để chống lại y và y được quyền giữ im lặng.

Do bị thương nơi cổ họng, Dzhokhar Tsarnaev chỉ gật đầu đồng ý và lắc đầu khi thẩm phán hỏi y cần thuê luật sư riêng hay không. Vấn đề nào cần giải thích y viết ra giấy.

Vụ đánh bom ở Boston (Mỹ): Bảy nghi vấn còn bỏ ngỏ ảnh 1

Chiều 18-4, FBI tổ chức họp báo công bố hình ảnh hai anh em nhà Tsarnaev. Sau đó tất cả các kênh truyền hình đều phát hình ảnh này. Ảnh: AP

Cuối cùng thẩm phán kết luận Dzhokhar Tsarnaev tỉnh táo, minh mẫn và nhận thức được tiến trình tố tụng. Thẩm phán quyết định sẽ mở phiên tòa sơ thẩm ngày 30-5 tới với sự đồng ý của Dzhokhar Tsarnaev.

Trả lời thẩm vấn về bom tự tạo nổ trên đường chạy ở Boston và bom sử dụng ném vào cảnh sát trên đường đào tẩu, Dzhokhar Tsarnaev cho biết y học chế tạo bom một mình qua mạng Internet.

Trả lời câu hỏi có đồng bọn nào khác hay đồng bọn ở nước ngoài hay không, y khẳng định hai anh em của y hành động một mình. Y cho biết anh của y Tamerlan Tsarnaev (đã bị bắn chết) căm thù nước Mỹ và cuộc chiến chống Hồi giáo ở Iraq và Afghanistan mà anh của y cho rằng bất công.

FBI công bố báo cáo điều tra

Báo Boston Herald đưa tin FBI đã bác bỏ thông tin kênh truyền hình Channel 4 (Anh) nói FBI có tiếp xúc với tên Tamerlan Tsarnaev ngay sau khi xảy ra đánh bom ở Boston. Ngày 21-4, FBI cũng đã chính thức công bố báo cáo về vụ bắt giữ Dzhokhar Tsarnaev. Báo cáo nêu các điểm chính:

● Ngày 15-4, lúc 14 giờ 38, một máy ghi hình giám sát trên đường Boylston ghi được hình ảnh đầu tiên về hai anh em nhà Tsarnaev (đang mang ba lô). 11 phút trước khi quả bom đầu tiên phát nổ, chúng đi về hướng đích đến. Lúc 14 giờ 49, hai quả bom phát nổ cách nhau vài giây.

● Nửa đêm 18-4, một người đàn ông dùng súng đe dọa người lái một chiếc xe đậu trên đường ở Cambridge (bang Massachusetts) và nói: “Mày có nghe nói vụ nổ ở Boston không? Chính tao làm đó…”. Tên này buộc người lái xe chạy tới một nơi tên thứ hai chờ sẵn. Tên thứ hai lên xe. Hai tên nói chuyện với nhau bằng tiếng nước ngoài. Chúng lấy thẻ tín dụng, mật khẩu của người lái xe và đến máy rút tiền rồi đến trạm xăng. Lúc này người lái xe bỏ chạy.

● Ít lâu sau, cảnh sát định vị xe trên đường Dexter ở Watertown. Hai tên trên xe ném hai quả bom tự tạo. Đấu súng diễn ra. Một tên bị thương nặng. Tên còn lại bỏ đồng bọn lái xe chạy trốn. Sau đó cảnh sát tìm thấy xe với chất nổ trong xe. Chất nổ tương tự chất nổ trong vụ đánh bom ở Boston. Tên bị thương chết sau đó. Đó là Tamerlan Tsarnaev. Đối chiếu hình ảnh trên máy ghi hình trong cuộc chạy marathon và hình ảnh lưu trên máy rút tiền, cảnh sát xác định đó là Dzhokhar Tsarnaev, em của tên đã chết.

● Ngày 19-4, cảnh sát xác định một người đàn ông nấp trong chiếc thuyền phủ bạt trên đường Franklin ở Watertown. Sau khi chạm súng, cảnh sát bắt giữ tên này. Kiểm tra giấy tờ thì đó là Dzhokhar Tsarnaev… Hai ngày sau, FBI khám xét phòng của Dzhokhar Tsarnaev và tìm thấy chất nổ, một áo khoác màu đen và một mũ màu trắng giống với áo và mũ Dzhokhar Tsarnaev mặc hôm 15-4.

Có âm mưu từ bên ngoài không?

Kênh truyền hình NBC News của Mỹ ngày 22-4 nhận định đến nay vẫn còn lơ lửng bảy nghi vấn.

1. Ngoài vụ đánh bom ở Boston, anh em nhà Tsarnaev có âm mưu nào nữa không? Cảnh sát đã tịch thu thêm nhiều vũ khí như bom nồi áp suất, lựu đạn, ba khẩu súng và hàng trăm viên đạn.

2. Khủng bố nước ngoài có hậu thuẫn không? Từ tháng 1-2012, Tamerlan Tsarnaev đi Nga sáu tháng. Cha mẹ y cho biết ban đầu Tamerlan Tsarnaev đến Moscow (Nga), sau đó sang Dagestan và Chechnya.

3. Có tổ chức phiến quân Hồi giáo nào liên quan không? Vẫn chưa rõ Tamerlan Tsarnaev có liên lạc với tổ chức phiến quân Hồi giáo nào ở Bắc Caucasus (Nga).

4. Hai anh em nhà Tsarnaev tự chế tạo bom hay còn ai khác giúp đỡ? Nói chung bom có thiết kế đơn giản nhưng lại có các thành phần tinh vi gồm hệ thống kích nổ điện tử có khả năng kích hoạt bằng điện thoại di động. Cơ quan điều tra nhận định hai anh em nhà Tsarnaev phải thử nghiệm vài lần mới có thể kích nổ thành công bom làm bằng nồi áp suất. Họ cũng đang làm rõ hai tên này mua súng ở đâu.

5. Tại sao mục tiêu đánh bom là giải Boston Marathon?

6. Tại sao hai anh em nhà Tsarnaev không chạy trốn sau vụ đánh bom? Dzhokhar Tsarnaev quay trở lại ký túc xá ĐH Massachusetts-Dartmouth và tiếp tục sinh hoạt bình thường. Tamerlan Tsarnaev quay về nhà ở Cambridge trước khi bị truy đuổi.

7. Tamerlan Tsarnaev chết như thế nào? Theo báo cáo của FBI thì Tamerlan Tsarnaev chết sau khi đấu súng dữ dội với cảnh sát nhưng chưa rõ nguyên nhân cái chết bởi biên bản giám định pháp y chưa được công bố.

Quy chế “kẻ thù tham chiến” là gì?

Sau ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố 11-9-2001, Quốc hội Mỹ thông qua luật chống khủng bố (tên đầy đủ là Luật đoàn kết và củng cố nước Mỹ bằng cách cung cấp các công cụ thích đáng để phát hiện và ngăn chặn khủng bố). Trong luật có khái niệm “chiến sĩ bất hợp pháp”, “kẻ thù tham chiến” hay “kẻ thù tham chiến bất hợp pháp”. Mỹ từng áp dụng khái niệm này để gọi các tù nhân Guantanamo hoặc các tù nhân bị giam giữ trong các trại giam của Mỹ ở Afghanistan và Iraq.

Điều 5 Công ước Genève quy định trong trường hợp tình nghi, chỉ tòa án mới có quyền xác định một cá nhân hội đủ các tiêu chuẩn là tù binh chiến tranh hay không và cá nhân đó phải được bảo vệ cho đến khi tòa phán quyết. Công ước Genève cũng quy định không thể thẩm vấn tù binh chiến tranh và tù binh chiến tranh phải được trả tự do sau khi chiến tranh kết thúc.

Chính phủ Mỹ sử dụng khái niệm “kẻ thù tham chiến” để tránh Công ước Genève vì cho rằng khủng bố không phải là quân đội chính quy. Các nghi can khủng bố được giam giữ tại các nhà tù ngoài nước Mỹ, do đó Mỹ lập luận các tù nhân này cũng không thuộc quyền tài phán của hiến pháp Mỹ. Tháng 3-2009, chính phủ của Tổng thống Obama đã quyết định bỏ khái niệm “kẻ thù tham chiến” đối với các nghi can khủng bố bị giam giữ ở Guantanamo (Cuba).

HOÀNG DUY - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm