Vụ đào tạo tiến sĩ: Bộ GD&ĐT bị đòi hơn 50 tỉ đồng

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán về Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (thường gọi là Đề án 911) cho thấy hàng loạt mục tiêu của đề án do Bộ GD&ĐT làm chủ đã không đạt được.

Kết quả kiểm toán nêu rõ: Mục tiêu chung của đề án là tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ TS trong các trường đại học, cao đẳng của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020 bổ sung được ít nhất 20.000 TS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Tuy nhiên, tính đến năm 2016 kết quả đạt được rất thấp. Tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển thực nhập học các hệ đào tạo là 4.024 người, đạt 31,4% so với chỉ tiêu của đề án tính đến năm 2016 và chưa đạt được 20% so với mục tiêu chung của toàn bộ đề án.

Điểm bất cập được Kiểm toán Nhà nước nêu ra là các nghiên cứu sinh đào tạo ở nước ngoài không về nước sẽ khó có khả năng thu hồi kinh phí bồi hoàn ngân sách nhà nước do thiếu chế tài thực hiện. Thống kê cho thấy có một số bỏ học hoặc không quay về cơ sở cử đi học với số tiền bồi hoàn tương đối lớn. Cạnh đó, các trung tâm đào tạo tiền TS được thành lập, đầu tư theo đề án phê duyệt nhưng một số trung tâm này hoạt động không hiệu quả, không đúng chức năng, gây lãng phí.

Nguyên nhân được cho là cách xây dựng đề án quá cao, thiếu cơ sở khảo sát, đánh giá không sát thực tế. Việc phối hợp với các bộ, ngành không tốt, thực hiện chế độ tài chính chậm… Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ GD&ĐT thiếu quyết liệt, thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ triển khai nhiệm vụ với các đơn vị liên quan đến đề án. Vì vậy, các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT không triển khai nhiệm vụ được phân công theo quy định về phê duyệt kế hoạch triển khai đề án.

Cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá, tháo gỡ khó khăn của Bộ GD&ĐT chưa thường xuyên để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đề án kịp thời. Mức kinh phí hỗ trợ của đề án thấp, chưa thu hút các ứng viên tham gia.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD&ĐT, thu hồi nộp ngân sách nhà nước gồm: Học phí của nghiên cứu sinh tại Cục Hợp tác quốc tế (từ năm 2012 đến 30-7-2017) hơn 50 tỉ đồng; các khoản chi sai chế độ, không đúng quy định hơn 424 triệu đồng; thu hồi kinh phí do nghiên cứu sinh bỏ học hơn 207 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỉ đồng và giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng. Đối với các bộ, ngành kiểm tra, đối chiếu tổng số xử lý tài chính là hơn 6,3 tỉ đồng.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương và các đơn vị thuộc Bộ được kiểm toán nhanh chóng thực hiện điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính năm 2016 theo kết quả kiểm toán và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện việc thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản do Kiểm toán Nhà nước xác định. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các kiến nghị bao gồm chấn chỉnh công tác quản lý tiền và tài sản nhà nước; xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Lấy ý kiến tư vấn về các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý ngân sách tiền và tài sản nhà nước tại báo cáo kiểm toán của đơn vị... và báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm