Vụ 'đình chỉ học... giả': Có thiếu sót, nhưng làm thế mới thấm!

. Bà có thể giải thích rõ hơn về quyết định đình chỉ học mà trường vừa đưa ra đối với em Tuyết Linh?

+ Đó không phải là quyết định giả mà là biện pháp nhà trường đưa ra để giáo dục đạo đức cho HS, nhất là những HS cá biệt, từng bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Sau đó giáo viên chủ nhiệm, giám thị sẽ giữ quyết định này và mời phụ huynh đến làm việc. Các bên sẽ trao đổi, hợp tác để giúp em HS này nhận ra khuyết điểm và khắc phục trong thời gian tới. Đây không phải là quyết định mang tính văn bản hành chính, cũng không dùng để đánh giá HS trong học bạ.

. Như vậy có nghĩa là em Linh đã nhiều lần vi phạm?

+ Trong trường hợp của em Linh, em Linh đã hai lần bị giáo viên nhắc nhở vì bỏ diễn văn nghệ trong khi em là múa chính, làm giáo viên rất mệt mỏi và ảnh hưởng đến lớp cũng như buổi lễ. Trước ngày sơ kết, em Linh cũng được nhà trường mời đến để giải thích, em Linh đã xin lỗi cô giáo và hứa sẽ có mặt nhưng đến hôm sau vẫn không thấy đâu. Mặt khác, tôi khẳng định đây không phải là kỷ luật HS vì không tham gia văn nghệ mà là vắng mặt không lý do ở lễ sơ kết, không tuân thủ quy định của nhà trường, như vậy là vô kỷ luật.

Hiện nhà trường đã làm việc với gia đình và em Linh đã trở về lớp học lại bình thường. Tuy nhiên, em Linh vẫn phải làm một bản cam kết không tái phạm, phải tuân thủ các quy định của nhà trường.

. Bà có nghĩ ra một quyết định như vậy sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý HS và phụ huynh không?

+ Chắc chắn là em sẽ bị tác động tâm lý rồi nhưng như thế thì em mới thấm và biện pháp mới có hiệu quả, mới nhận ra khuyết điểm của mình để sửa sai. Vì thế trong quyết định đình chỉ học tôi không chốt ngày, tôi để trống là để cho em nhận ra khuyết điểm, xin lỗi lớp và xin lỗi cô giáo là xong. Chúng tôi đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại. Chúng tôi cũng cho em đọc trước lớp để em và cả lớp phải thấy sự nghiêm túc của vấn đề.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thiếu sót là nếu khi vừa ra quyết định, nhà trường làm việc ngay với phụ huynh thì đã không xảy ra sự hiểu nhầm về tính pháp lý và gây rối ren lên như vậy. Đây cũng là kinh nghiệm của các thầy cô trong việc áp dụng các biện pháp kỷ luật HS, làm sao phải áp dụng một cách mềm dẻo để uốn nắn HS.

. Trường đã ra quyết định như thế này đối với HS nào trong nhà trường từ trước đến nay chưa?

+ Trường đã áp dụng biện pháp này suốt 18 năm nay với rất nhiều HS cá biệt và đã thành công. Nhiều em từ đây đã ý thức học tập và trở thành học trò rất ngoan, được thầy yêu, bạn mến.

. Nhiều ý kiến trái cho rằng cách làm của trường như vậy là phản giáo dục, chỉ để đe dọa làm ảnh hưởng tâm lý HS. Bà nghĩ thế nào?

+ Trường có năm đối tượng HS: Giỏi, khá, trung bình, yếu và kém. Trường có khoảng 50% HS cá biệt, hiếu động đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nếu trường ngoài công lập mà không đề ra những biện pháp như vậy thì không thể răn đe, giáo dục các em được. Quan trọng là nhà trường và giáo viên phải áp dụng khéo léo, mềm dẻo mới thành công được.

Chúng tôi kỷ luật các em nhưng dìu dắt các em thành người chứ không phải kỷ luật giả rồi để đó. Phương châm của nhà trường là “dạy và dỗ”, giáo viên phải có trách nhiệm rèn luyện các em cá biệt để các em tốt hơn. Ở trường này, giáo viên không được kêu than vì HS yếu, HS cá biệt hay hư… vì HS hư, yếu hay chưa ngoan thì mới cần đến các thầy cô dạy dỗ.

. Xin cám ơn bà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm