Vụ ngân hàng 'bốc hơi' 2,4 tỉ: Bị cáo Lệ bị phạt 5,5 năm tù

Ngày 25-9, sau khi nghị án kéo dài, TAND tỉnh Hưng Yên tuyên án đối với sáu bị cáo trong vụ ngân hàng “bốc hơ” 2,4 tỉ đồng.

Tòa phạt Nguyễn Thị Lệ (cựu thủ quỹ Quỹ nghiệp vụ phát hành, NHNN chi nhánh Hưng Yên) 5 năm 6 tháng tù, Trịnh Anh Thuân (cựu kiểm ngân) 2 năm cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Ngoài ra, tòa buộc bị cáo Lệ phải bồi thường hơn 2,1 tỉ đồng, Thuân bồi thường 100 triệu đồng.

Các bị cáo còn lại là cựu lãnh đạo, cán bộ NHNN chi nhánh Hưng Yên lãnh án từ 9 đến 21 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo trong vụ ngân hàng "bốc hơi" 2,4 tỉ đồng. Ảnh: TP

Đối với hơn 1,9 tỉ đồng tiền không đủ chuẩn và hơn 360 triệu đồng tiền đủ chuẩn bị mất, HĐXX cho rằng việc thiếu hụt tiền xảy ra tại kho nghiệp vụ do Lệ làm thủ quỹ, chứ không thể do kho dự trữ hay Kho tiền Trung ương.

Theo HĐXX, khi nhận tiền từ các ngân hàng thương mại, Lệ sẽ kiểm bó, đếm thếp, khi đủ bao niêm phong, kẹp chì rồi chuyển sang kho dự trữ. Tiền chuyển từ kho nghiệp vụ sang kho dự trữ dưới hình thức chuyển nguyên bao chứ không chyển bó lẻ.

Nhận định này của HĐXX khác với lời khai của Lệ tại tòa. Theo đó, việc giao nhận tiền giữa kho nghiệp vụ và kho dự trữ có kiểm bó, đếm thếp rồi mới niêm phong bao, kẹp chì, chứ không phải chuyển nguyên bao.

HĐXX cũng viện dẫn báo cáo kiểm toán năm 2012 của NHNN Việt Nam, trong đó nêu két sắt tại quầy giao dịch thủ quỹ chỉ sử dụng mã số mà không sử dụng chìa khóa, khiến việc bảo quản tài sản trong thời gian nghỉ trưa không bảo đảm an toàn, để quy trách nhiệm cho Lệ.

Lệ bị cáo buộc làm trái chỉ đạo công văn 1125 của NHNN chi nhánh Hưng Yên, không đảm bảo an toàn tiền mặt tại quỹ, sơ hở trong quản lý, bảo quản tiền mặt dẫn đến bị rút tiền trong nhiều bó...

Đối với hai bó tiền không đủ chuẩn (tương đương 200 triệu đồng) bị mất, cũng giống như VKS, HĐXX vẫn dựa vào chữ ký của Lệ trên niêm phong bao tiền để buộc tội, dù tại tòa bị cáo này không thừa nhận chữ ký đó là của mình.

Theo HĐXX, mặc dù kết luận giám định không đủ cơ sở để kết luận chữ ký trên niêm phong và chữ ký của Lệ là do cùng một người ký ra, nhưng ở giai đoạn điều tra ban đầu Lệ cùng một số bị cáo và cán bộ NHNN chi nhánh Hưng Yên đều khẳng định chữ ký trên bao tiền là của Lệ.

Bị cáo Nguyễn Thị Lệ cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo bản án của TAND tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TP

Trước đó, tại phần tranh luận, Lệ khẳng định thời điểm năm 2012 mình chưa làm thủ quỹ nên không chịu trách nhiệm về số tiền bị mất ở giai đoạn này. Lệ cũng nghi ngờ chữ ký trên niêm phong bao tiền là giả.

Theo Lệ, khi nhận tiền từ các ngân hàng thương mại, nhiệm vụ của bị cáo chỉ là kiểm bó, đếm thếp chứ không kiểm đếm số tờ. Thực tế, việc thiếu hụt tiền là do thiếu số tờ chứ không phải thiếu bó hay thiếu thếp.

Lệ nói bản thân không liên quan gì đến số tiền bị thiếu hụt trong 1.408 tỉ đồng mà NHNN Việt Nam chuyển trả, vì bị cáo đã bàn giao cho kho dự trữ, tiền sau đó được chuyển đến Kho tiền Trung ương. Cựu thủ quỹ cũng khẳng định không yêu cầu các ngân hàng thương mại không được khò ni-lon, công văn số 1125 của NHNN chi nhánh Hưng Yên chỉ có tính chất khuyến khích chứ không bắt buộc…

Bào chữa cho Lệ, các luật sư nhấn mạnh tất cả các khâu bàn giao tiền đều được xác nhận “đúng, đủ, đẹp”, thế nhưng khi tiền bị thiếu hụt thì Lệ lại là người phải chịu trách nhiệm.

“Nếu cho rằng mất tiền ở kho nghiệp vụ của Lệ thì tại sao khi bàn giao cho kho dự trữ, thậm chí cho cả Kho tiền Trung ương vẫn đều xác định không có bất thường?” – luật sư đặt vấn đề.

Luật sư còn cho rằng “có vấn đề” ở khâu đóng bó tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại các ngân hàng thương mại. Hồ sơ vụ án có rất nhiều bút lục thể hiện nhiều ngân hàng thương mại từng có văn bản phản hồi tới NHNN chi nhánh Hưng Yên về việc thiếu hụt tiền. Trong các văn bản này, phía ngân hàng thương mại thừa nhận có một số thiếu sót khi đóng bó tiền…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm