Vụ ngân hàng 'bốc hơi' 2,4 tỉ: Lộ khâu kiểm đếm tiền lỏng lẻo

Sáng 23-9, phiên tòa xét xử sáu bị cáo trong vụ ngân hàng “bốc hơi” 2,4 tỉ đồng của TAND tỉnh Hưng Yên bước sang phần tranh luận. Mở đầu, đại diện VKS trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

Theo công tố viên, Nguyễn Thị Lệ (cựu thủ quỹ Quỹ nghiệp vụ phát hành) và Trịnh Anh Thuân (cựu kiểm ngân) liên đới chịu trách nhiệm về việc để mất hai bó tiền tương đương 200 triệu đồng. Ngoài ra, Lệ còn phải chịu trách nhiệm khi để mất hơn 1,7 tỉ đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và 92 triệu đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Lệ 5 năm 6 tháng đến 6 năm tù, Thuân 2 năm đến 2 năm sáu tháng cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Bốn bị cáo còn lại là các cựu lãnh đạo, cán bộ NHNN chi nhánh Hưng Yên bị đề nghị từ 9 tháng đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Thị Lệ (giữa) tại tòa ngày 23-9. Ảnh: TP

"Bị cáo chỉ kiểm bó, đếm thếp chứ không đếm từng tờ tiền"

Tự bào chữa, Lệ cho rằng quan điểm truy tố của VKS đối với mình là không đúng. Bị cáo nói nhiệm vụ của mình khi nhận tiền từ các ngân hàng thương mại là kiểm bó, đếm thếp chứ không kiểm đếm số tờ. Thực tế, việc thiếu hụt tiền là do thiếu số tờ chứ không phải thiếu bó hay thiếu thếp.

Trong 192 tỉ đồng tiền không đủ chuẩn, Lệ chỉ quản lý 23 tỉ đồng, số còn lại thuộc kho dự trữ do người khác làm thủ kho. Tuy nhiên, khi kiểm đếm và phát hiện bị thiếu hơn 500 triệu đồng, Lệ lại bị buộc chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền, điều này là rất vô lý.

Đối với 1.408 tỉ đồng tiền không đủ chuẩn mà NHNN Việt Nam chuyển trả NHNN chi nhánh Hưng Yên, Lệ cho rằng bản thân không liên quan gì đến việc thiếu hụt gần 1,4 tỉ đồng. Theo Lệ, bị cáo đã bàn giao cho kho dự trữ phát hành, sau đó tiền được chuyển đến Kho tiền Trung ương I.

“Bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm khi số tiền ở trong kho mà mình quản lý, nhưng ở đây tiền đã được bị cáo bàn giao cho quỹ dự trữ nghiệp vụ với đầy đủ số lượng, quy cách” – Lệ nói.

Nữ bị cáo cũng phủ nhận cáo buộc đối với mình về việc để tiền ở gian đệm mà không có giám sát, vì trên thực tế có hệ thống camera và một nhân viên an toàn kho theo dõi.

Về hai bó tiền không đủ chuẩn bị thiếu tương đương 200 triệu đồng, Lệ cho rằng đã bàn giao đúng, đủ cho người khác. Ngược lại, quá trình kiểm đếm đã làm không đúng quy định vì cắt đồng loạt 11 bao tiền thay vì cắt từng bao để có thể phát hiện bất thường nếu có, không trích xuất được camera…

Lệ còn đặt nghi ngờ bị làm giả chữ ký trên niêm phong, vì kết quả giám định cho thấy các chữ ký này không trùng khớp với chữ ký của mình.

Cựu thủ quỹ cũng khẳng định không yêu cầu các ngân hàng thương mại không được khò ni-lon, công văn số 1125 của NHNN chi nhánh Hưng Yên chỉ có tính chất khuyến khích chứ không bắt buộc…

"Qua nhiều khâu, khi mất lại quy trách nhiệm cho một khâu"

Bào chữa cho Lệ, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng chưa chứng minh được việc mất tiền xảy ra tại kho nghiệp vụ do bị cáo này quản lý, các căn cứ chỉ là suy đoán.

Luật sư nhấn mạnh tất cả các khâu bàn giao tiền đều được xác nhận “đúng, đủ, đẹp”, thế nhưng khi tiền bị thiếu hụt thì Lệ lại là người phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, khi tiền được ngân hàng thương mại chuyển cho kho nghiệp vụ, Lệ đã kiểm bó, đếm thếp, xác định đầy đủ nên đóng bao, niêm phong, kẹp chì. Tiếp đó, tiền được chuyển từ kho nghiệp vụ sang kho dự trữ rồi chuyển đến Kho tiền Trung ương; khi phát hiện có việc thiếu hụt, tiền được chuyển ngược từ Kho tiền Trung ương về kho dự trữ. Mỗi khâu giao nhận đều được kiểm bó, đếm thếp, không phát hiện bất thường.

“Nếu cho rằng mất tiền ở kho nghiệp vụ của Lệ thì tại sao khi bàn giao cho kho dự trữ, thậm chí cho cả Kho tiền Trung ương vẫn đều xác định không có bất thường. Rồi khi thiếu tiền, tại sao lại khẳng định không thể xảy ra ở các khâu khác mà chỉ ở kho nghiệp vụ?” – luật sư đặt vấn đề.

Cũng theo luật sư, tại tòa, đại diện NHNN Việt Nam khẳng định khi bàn giao 1.408 tỉ đồng cho kho dự trữ của NHNN chi nhánh Hưng Yên thì có kiểm bó, đếm thếp và không phát hiện bất thường. Thế nhưng, khi kiểm đếm lại có các bó tiền xộc xệch, sau đó xác định thiếu gần 1,4 tỉ đồng. Như vậy, quá trình lưu giữ tiền tại kho dự trữ cần được xem xét.

Ngoài ra, ở vụ án này, cơ quan điều tra không thể chứng minh có hành vi tham ô hay chiếm đoạt số tiền bị thiếu hụt, việc buộc Lệ chịu trách nhiệm cả về hình sự lẫn dân sự (bồi thường tiền bị mất) là không có căn cứ. Nguyên nhân mất tiền chỉ có thể do yếu tố khách quan, trách nhiệm thuộc về người có tên trên niêm phong bó tiền.

Đối với 200 triệu đồng bị thiếu, luật sư nêu ngày 26-11-2015, Lệ bị tạm đình chỉ nên đã bàn giao cho bị cáo Đặng Thị Hằng (cựu trưởng Phòng tiền tệ và kho quỹ). Mãi đến ngày 8-12, khi bị cáo Hằng bàn giao cho kho dự trữ thì mới phát hiện thiếu tiền. Như vậy, giữa hai mốc thời gian có một khoảng chênh lệch khá dài, tiền sau khi bàn giao cho bị cáo Hằng không còn thuộc quản lý của Lệ, nên bị cáo không có trách nhiệm liên quan…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm