Kế đó, Trí nói dối mẹ là xe cầm đến 300 triệu đồng nên mẹ Trí đưa 309 triệu đồng (9 triệu đồng tiền lãi) để Trí đi chuộc lại. Nhờ vậy Trí “lãi” được 200 triệu đồng. Sau đó, Trí lại mang chiếc xe này đi cầm lần hai với giá 25.000 USD để lấy tiền tiêu xài. Với những hành vi này, VKSND tỉnh Bình Phước truy tố Trí hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, TAND tỉnh Bình Phước lại có quan điểm chỉ xử Trí về tội lạm dụng tín nhiệm…
Theo tôi, việc xác định Trí phạm một tội hay hai tội phải căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành của từng tội, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xem xét.
Theo diễn biến sự việc thì Trí thực hiện hành vi ở hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn thứ nhất, Trí đem xe đi cầm lấy 100 triệu đồng nhưng lại nói với mẹ là 300 triệu đồng. Để chuộc được xe, mẹ của Trí đã phải chi 309 triệu đồng. Nếu sự việc dừng lại ở đây thì việc xác định tài sản bị chiếm đoạt cũng phải xác định 200 triệu đồng hay 309 triệu đồng? Nếu xác định số tiền bị chiếm đoạt là 200 triệu đồng thì hành vi của Trí và Lê Minh Thành (đồng phạm) có dấu hiệu của tội lừa đảo, vì Trí và Thành bàn bạc nói dối với mẹ Trí là cầm xe 300 triệu đồng để chiếm đoạt 200 triệu đồng chênh lệch. Nhưng nếu xác định số tiền bị chiếm đoạt là 309 triệu đồng thì hành vi của Trí và Thành còn có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm, vì Trí được gia đình giao xe để chở khách, Trí đã đem xe đi cầm lấy 100 triệu đồng. Như vậy trong giai đoạn thứ nhất, hành vi của Trí và Thành đã có dấu hiệu của hai tội lừa đảo và lạm dụng (lừa đảo chiếm đoạt 200 triệu đồng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 100 triệu đồng).
Giai đoạn thứ hai, sau khi chiếm đoạt được 300 triệu đồng, ngày 7-3-2011, Trí tiếp tục lấy xe của gia đình mang đi cầm để lấy 25.000 USD, tương đương 550 triệu đồng để đánh bạc rồi bỏ trốn. Giai đoạn này chỉ có một mình Trí thực hiện. Hành vi này của Trí có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm, vì Trí đã lợi dụng lòng tin của gia đình giao xe để chở khách nhưng lại mang đi cầm. Trường hợp này phải xác định tài sản bị chiếm đoạt là chiếc xe chứ không phải 25.000 USD.
Tuy nhiên, trong vụ án này Trí làm tài xế lái xe ô tô cho nhà mình nên cần xác định vị trí pháp lý của Trí trong gia đình như thế nào chứ không chỉ đơn thuần xem xét mối quan hệ giữa người làm thuê với chủ sở hữu. Trí được gia đình giao xe để kinh doanh, lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu hay Trí được trả lương như người làm thuê? Gia đình của Trí có ý kiến như thế nào về khoản tiền 309 triệu đồng? Mẹ của Trí chỉ tố cáo khi biết Trí đã cầm xe lần hai. Cơ quan điều tra có thu hồi được chiếc xe không? Tại sao mẹ của Trí cho rằng chiếc xe có một nửa thuộc sở hữu của Trí lại không được VKS chấp nhận? Đây là tình tiết rất quan trọng, nếu điều tra lại đúng như mẹ của Trí khai thì trách nhiệm hình sự đối với Trí hoàn toàn bị thay đổi, thậm chí loại trừ trách nhiệm hình sự đối với Trí. Bởi lẽ một khi tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất thì các đồng sở hữu đều có quyền về tài sản đó như nhau.
ThS ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao