Dù có ưu điểm về các từ khóa liên quan đến địa điểm nhưng nhiều người vẫn cho rằng, việc Cốc Cốc qua mặt Google ở thị trường Việt Nam vẫn chỉ là "giấc mơ"?
Đầu tư nhiều nhưng "sớm nở, chóng tàn"
Vào khoảng những năm 2006 - 2008, thị trường Internet Việt Nam đã bùng nổ trào lưu web tìm kiếm với sự ra đời của khoảng 20 sản phẩm do các công ty trong nước xây dựng. Trong đó, nhiều sản phẩm được các quỹ đầu tư "bơm vốn" và tự tin tuyên bố có thể qua mặt được Google, Yahoo về khả năng xử lý tiếng Việt. Tiêu biểu có thể kể đến trang web Timnhanh.com của Công ty cổ phần mạng trực tuyến Việt Nam (VON), người khơi mào trào lưu tìm kiếm ở Việt Nam vào năm 2006 và từng được quỹ DFJ Vinacapital đầu tư 2 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay, Timnhanh.com đã lặng lẽ rút khỏi thị trường web tìm kiếm và hoạt động giống như một cổng tổng hợp thông tin từ báo chí.
Cuối năm 2007, sự ra đời ầm ĩ của website tìm kiếm tiếng Việt Monava.vn cùng tuyên bố sẽ lấy 2 triệu khách hàng của Google và được Nguyễn Hoàng Group hứa đầu tư tới 500.000 USD cũng gây ra không ít tiếng vang. Nhưng sau những cáo buộc Monava chỉ là trang tìm kiếm sử dụng lại kết quả từ Google, đến tháng 3/2008, Nguyễn Hoàng Group tuyên bố ngừng đầu tư vào Monava. Hiện tên miền này đã hết hạn sử dụng và không được đăng ký lại.
Xalo.vn và socbay.com cũng là 2 gương mặt đình đám trong trào lưu web tìm kiếm Việt tuyên bố cạnh tranh trực diện với Google khi được ra mắt vào năm 2008. Thời gian đầu ra mắt, cả hai trang này đều cung cấp lựa chọn tìm kiếm web và coi đó là dịch vụ cốt lõi. Tại thời điểm đó, đại diện Tinh Vân khẳng định đã chi 2 triệu USD cho bản thử nghiệm công cụ tìm kiếm xalo.vn để cạnh tranh với đối thủ chính là "người khổng lồ" Google. Tinh Vân sẽ đi theo cả hai hướng, đối chọi trực diện với Google ở lĩnh vực tìm kiếm tiếng Việt trên Internet và phát triển những dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt bám sát nội dung thông tin tiếng Việt. Mục tiêu của Tinh Vân là đưa xalo.vn trở thành sự lựa chọn thay thế Google trong một số trường hợp, nhất là với những tìm kiếm tiếng Việt.
Nhưng hiện giờ, trong khi xalo.vn không còn duy trì dịch vụ tìm kiếm web chung và trở thành cổng thông tin điện tử, game, từ điển trực tuyến thì Socbay chỉ có một số dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt gồm tìm kiếm tin tức, nhạc và từ điển.
Như vậy, "công thức chung" của đa phần trang web tìm kiếm Việt "nở rộ" từ năm 2006 - 2008 đều là tạo tiếng vang với tuyên bố qua mặt, cạnh tranh với Google ở việc xử lý ngôn ngữ tiếng Việt nhưng sau một thời gian đều không thể trụ lại được hoặc phải chuyển sang tìm kiếm tin tức, âm nhạc hay tìm kiếm trên di động
Vẫn tiếp tục "nuôi" giấc mơ qua mặt Google?
Tưởng chừng như trào lưu web tìm kiếm sẽ không có “đất sống” khi Google đã chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị trường website tìm kiếm ở Việt Nam - thay vì ở mức khoảng 80% thị phần vào thời điểm năm 2008; thì đến tháng 4/2013, trang web tìm kiếm Việt mới tại địa chỉ coccoc.com đã chính thức ra mắt với tham vọng đối chọi Google trong lĩnh vực tìm kiếm bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Lý do khiến Cốc Cốc (coccoc.com) tin rằng họ sẽ vượt qua được Google giống như Yandex đã vượt qua Google tại Nga, Baidu vượt qua Google tại Trung Quốc, Naver tại Hàn quốc là bởi họ có nguồn lực tài chính dồi dào và đội ngũ kỹ sư công nghệ đã chiến thắng Google tại những thị trường trên.
Trong thông cáo báo chí của mình, Cốc Cốc khẳng định họ sở hữu khả năng search về địa điểm tốt nhất Việt Nam với cơ sở dữ liệu hơn nửa triệu địa điểm tại 171 thành phố và thị xã, lượng index các trang web đuôi .vn gấp đôi Google. Sau khi đã đầu tư 15 triệu USD trong 2 năm qua, dự kiến tới năm 2017, coccoc.com sẽ đầu tư thêm khoảng 100 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng) để thực hiện tham vọng của mình tại Việt Nam cũng như một số quốc gia khác khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, tháng 11/2012, một mạng xã hội “ngoại” khác cũng ra mắt - đó là Wada.vn do Công ty cổ phần Mạng tầm nhìn mới (NHI) đến từ Nga giới thiệu. Tại thời điểm ra mắt, NHI tuyên bố đầu tư 200 tỷ đồng vào dự án này và sẽ đầu tư gấp đôi vào những năm tới nhưng không đối đầu trực tiếp với Google. Mặc dù vậy, trong những tuyên bố sau đó, bà Aigerim Zhangozina - Giám đốc Công ty NHI cho rằng, các thử nghiệm của NHI cho thấy Wada gần như có thể cạnh tranh với Google về chất lượng tìm kiếm, song vì người dùng đã quen thuộc với Google từ nhiều năm trước nên NHI cần thêm thời gian để chứng minh về những điều thú vị “made in Vietnam” và Wada sẽ sớm trở thành một công cụ tìm kiếm quen thuộc của người Việt. Mặc dù vậy, trong suốt cả quý 1/2013, Wada gần như "mất tích" trên các phương tiện truyền thông.
Rõ ràng, với thông điệp đối đầu Google “cũ rích” mà Cốc Cốc đưa ra, dù có ưu thế về tài chính và con người, doanh nghiệp này đang có quá nhiều thử thách trước mặt để khẳng định mình, nếu không muốn tiếp tục dẫm vào “vết xe đổ” của timnhanh, xalo, monava…
Theo TP (ICTnews)