WHO phát động chương trình cung cấp thuốc trị COVID-19 giá 10 USD/liệu trình

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát động chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) nhằm mục tiêu cung cấp thuốc trị COVID-19 giá 10 USD/liệu trình.

Hy vọng về nguồn cung thuốc trị COVID-19 giá rẻ

ACT-A ra đời để bảo đảm các nước nghèo được tiếp cận vaccine, công cụ xét nghiệm và thuốc điều trị COVID-19 một cách công bằng. 

Nội dung trên nằm trong dự thảo hoạt động của chương trình. ACT-A hy vọng có thể trả 10 USD/liệu trình cho "loại thuốc kháng virus dạng uống mới" dành cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình.

Ngoài ra, theo dự thảo của ACT-A, 4,3 triệu liệu trình các loại thuốc khác (thuốc được phát minh để điều trị các bệnh khác, được tận dụng để điều trị COVID-19 trong khi chưa có thuốc đặc trị) đang được dùng trong điều trị COVID-19 với các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch dự kiến sẽ được chương trình mua và sau đó phân phối với giá 28 USD/liệu trình.

ACT-A cũng dự định cung cấp đủ lượng oxy thiết yếu cho 6-8 triệu bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy kịch cho tới tháng 9-2022.

ACT-A đang đặt mục tiêu bảo đảm cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ có thể tiếp cận được thuốc điều trị với giá thấp nhất là 10 USD/liệu trình. Ảnh: REUTERS

Việc có thể cung cấp thuốc điều trị COVID-19 giá rẻ là một trong những mục tiêu chính của ACT-A từ giờ đến tháng 9-2022, bên cạnh kế hoạch cung cấp một tỉ bộ kit xét nghiệm trên toàn thế giới trong 12 tháng tới.

Để đạt được các mục tiêu này, ACT-A đang tìm kiếm thêm 22,8 tỉ USD từ các nhà tài trợ cho các mục tiêu trên. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp 18,5 tỉ USD cho ACT-A.

Bản dự thảo cũng sẽ được gửi đến các nhà lãnh đạo trên thế giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại Ý vào cuối tháng này. 

Dự thảo trên cho thấy WHO đang muốn tăng cường nguồn cung thuốc điều trị và bộ kit xét nghiệm với mức giá tương đối thấp sau khi họ thất bại trong cuộc đua về nguồn cung vaccine với các nước giàu.

Thuốc Molnupiravir của hãng Merck & Co (Mỹ) có thể sẽ nằm trong số những loại thuốc điều trị COVID-19 giá rẻ này. Ảnh: REUTERS

Ứng viên là Molnupiravir của Merck

Theo hãng tin Reuters, thuốc Molnupiravir của hãng Merck & Co (Mỹ) có thể sẽ nằm trong số những loại thuốc điều trị COVID-19 giá rẻ này, bên cạnh các loại thuốc khác đang được phát triển.

Dù dự thảo không công khai tên bất kỳ loại thuốc nào, song hiện chỉ mới có Molnupiravir cho kết quả tích cực trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối.

Con số chương trình ACT-A đưa ra thấp hơn nhiều so với mức 700 USD/liệu trình mà chính phủ Mỹ đã đồng ý chi khi đặt mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir.

Một cuộc nghiên cứu của Trường ĐH Harvard ước tính thuốc Molnupiravir có giá khoảng 20 USD/liệu trình nếu được các hãng thuốc generic (thuốc phiên bản) sản xuất. 

ACT-A hiện đang thương thảo với Merck và các nhà sản xuất thuốc phiên bản khác về việc mua loại thuốc này và hy vọng đạt được thỏa thuận vào cuối tháng tới, Reuters đưa tin. 

WHO đang muốn tăng cường nguồn cung thuốc điều trị với mức giá thấp sau khi họ thất bại trong cuộc đua về nguồn cung vaccine với các nước giàu. Ảnh: REUTERS

Trong năm nay, Merck có kế hoạch sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir (uống hai lần/ngày trong năm ngày) trong năm nay và 20 triệu liệu trình trong năm tới.

Ngoài ra, hãng này cho phép tám nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ bào chế các loại thuốc phiên bản của Molnupiravir để cung cấp cho 109 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. 

Dù vậy, các tổ chức sức khỏe quốc tế nhận định những diễn biến trên có thể chưa giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được thuốc Molnupiravir với số lượng đủ lớn.

Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP), một tổ chức quốc tế được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn và có trụ sở ở TP Geneva, Thụy Sĩ, cho biết đã có 24 công ty sẵn sàng sản xuất thuốc nếu được Merck bật đèn xanh. 

Ông Peter Maybarduk, một thành viên của MPP, cảnh báo về nguy cơ giá thuốc quá cao và tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận liệu pháp điều trị COVID-19 nếu nguồn cung bị hạn chế. 

Một cuộc nghiên cứu của Trường ĐH Harvard ước tính thuốc Molnupiravir có giá khoảng 20 USD/liệu trình. Ảnh: REUTERS

Ngoài Mỹ, các quốc gia khác như Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia đều đã đạt thỏa thuận hoặc đang đàm phán mua Molnupiravir. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc mua loại thuốc này sau khi Merck xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại châu Âu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm