Xã hội nào, y đức ấy

Phải thay đổi từ gốc, phải xây dựng lại được chuẩn mực xã hội thì mới tạo ra được môi trường tốt tác động trở lại mỗi người.

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội - Viện Xã hội học, sự biến dạng của y đức cũng có một phần từ hệ quả của quá trình đào tạo con người bắt đầu từ bậc phổ thông, đến bậc đại học. Trong khi cơ chế thị trường với sự chi phối của đồng tiền và tính vị kỷ bản thân đã khiến những thầy thuốc sa ngã, thậm chí phạm tội.

Ngành y: Một cơ thể rệu rã

. Phóng viên: Những sự việc gần đây liên quan đến ngành y đang gây phẫn nộ đối với dư luận. Cá nhân ông đón nhận những thông tin đó như thế nào?

+ PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Theo logic bình thường, người ta có thể đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhưng với những ai đã theo dõi ngành y tế thì người ta không còn thấy ngạc nhiên nữa, mặc dù đó là những sự kiện hết sức đau lòng. Đừng ai đổ lỗi là do bị săm soi quá nhiều, mà chẳng qua nó diễn ra với mật độ khá dày và cái gì khi người ta càng quan tâm thì càng dễ bị phanh phui mà thôi.

Xã hội nào, y đức ấy ảnh 1

. Sau những sự kiện đau lòng như thế, vấn đề y đức lại được nhắc đến. Ông nghĩ thế nào về điều này?

+ Rõ ràng cái quan trọng nhất vẫn là khâu đạo đức y tế, đạo đức nghề nghiệp mà cao hơn nữa phải bàn đến y nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cộng đồng vẫn nhầm lẫn giữa thái độ với y đức của thầy thuốc.

. Ông có thể nói rõ hơn về sự nhầm lẫn ở đây?

+ Trong ngành y, đặc thù nghề nghiệp buộc người ta sống quen trong tiếng rên xiết của bệnh tật. Điều này khiến họ có những biểu hiện ra bên ngoài như lời nói, ánh mắt, cử chỉ… Chúng ta đừng nhầm lẫn người thầy thuốc ăn nói cộc lốc, thái độ bề trên, mang ơn là thiếu y đức. Theo tôi, y đức xét cho đến cùng là hiệu quả, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, kiên quyết đấu tranh vì sự sống và sức khỏe của người bệnh. Nhưng điều này khó lắm vì ngành y bây giờ đang mặc một tấm áo quá chật, một thân thể rệu rã, xộc xệch… cơ thể của chính anh còn không chăm lo được, làm sao chăm lo được cho sức khỏe của nhân dân. Ở đây đặt ra vấn đề họ hoàn toàn biết cơ thể ấy rệu rã, xộc xệch, không đáp ứng được yêu cầu nhưng vì sao vẫn để thực tế ấy tồn tại, tất cả đều xoay quanh đồng tiền.

. Ông từng tham gia vào một đề tài về mối quan hệ xã hội ở bệnh viện?

+ Cách đây 7-8 năm, tôi đã làm đề tài cấp bộ trong khuôn khổ một dự án về quan hệ xã hội ở bệnh viện. Trong đó những quan hệ như thầy thuốc với thầy thuốc, quan hệ thầy thuốc với bệnh nhân, những quan hệ ngoài y lý nhưng tác động vào chất lượng… Muốn có kết quả chính xác, phải có một nghiên cứu độc lập hơn từ bên ngoài. Chính vì thế, tôi nghĩ kết quả của đề án đó không giải quyết được gì.

Không thể nâng cấp một cơ sở khi cả nền y tế chưa thay đổi

. ý kiến cho rằng sự xuống cấp của y đức cũng là hệ quả của xã hội?

+ Quan điểm đó không sai. Xã hội thế nào thì y đức thế ấy. Chúng ta đang nói đạo đức xã hội xuống cấp, xuống cấp bởi lối sống, làm việc chủ nghĩa xã hội tập thể kiểu cũ đã ăn sâu vào tiềm thức, cha chung không ai khóc. Thành tích thì người đứng đầu nhận, khi có chuyện gì thì cộng đồng cùng chia sẻ. Điều này góp phần làm giáo dục của ta, y tế của ta xuống cấp. Trong một bức tranh chung nó cũng không thể khác nhiều được.

. Ông có thể lấy một ví dụ cụ thể cho điều này?

+ Ví dụ như chúng ta không chữa khỏi cho một người mắc căn bệnh lao hay bệnh truyền nhiễm nào đó. Nhưng sau đó chúng ta lại tiếp tục để người ấy sống trong môi trường đầy rẫy những người bệnh khác chưa được chữa trị hoặc đầy rẫy vi khuẩn, vi trùng của căn bệnh ấy chưa được tẩy trừ thì bệnh tật có thể trầm trọng hơn. Cách nhìn về hệ thống y tế cũng thế. Chúng ta không thể đòi hỏi nâng cấp một cơ sở trong khi cả nền chung chưa thay đổi đồng bộ.

. Vậy tác động của môi trường làm việc đến đạo đức cá thể của người thầy thuốc thế nào, thưa ông?

+ Không thể phủ nhận vai trò của môi trường làm việc. Tôi dám chắc với mặt bằng chung xã hội thì ngành y thu nhập cao. Tuy nhiên, ngành này có đặc thù là thời gian đào tạo nhiều, người học được trang bị kiến thức của nhiều lĩnh vực, ngành nghề được xã hội coi trọng. Trong quá trình hành nghề thì có tính độc lập với các thiết chế khác. Cụ thể như một người thầy thuốc về mặt chuyên môn chỉ có thể bị phán xét bởi một người khác có tính chuyên môn chứ không thể để phán xét bởi cộng đồng không có chuyên môn. Đặc điểm khác, người ta có quyền đặt giá cho kết quả, sản phẩm của họ, đặc biệt ở các quốc gia tư sản, phát triển.

Vinh quang giả tạo khiến đạo đức xuống cấp

. Thực tế đó, liên hệ với hành vi của bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông, ông thấy nổi lên điều gì?

+ Ở trường hợp của BS Tường, trước đó anh ta đã từng tu nghiệp ở chỗ này chỗ kia, kinh qua nhiều môi trường bệnh viện, đấy không phải người kém về chuyên môn. Anh ta cũng không phải là người không có tiền mà muốn có nhiều tiền hơn nữa. Y đức bộc lộ ở chỗ đã không trung thực, vì sự an toàn của mình, vì tính vị kỷ mà khi mắc sai lầm lại tìm cách che giấu. Nhưng tôi tin rằng không khí u ám như thế nhưng rồi sẽ phải thay đổi, nó tích tụ sẽ tạo ra áp lực để người ta nhìn nhận nó một cách nghiêm túc hơn, soi xét từng vị trí, bộ phận một.

. Theo ông, ngành y cần phải làm gì để nhanh chóng thoát khỏi sự u ám này?

+ Phải quay lại vấn đề y đức. Y đức bao gồm cả chuyện tôn vinh giá trị nghề nghiệp cũng như nghiêm trị và xử phạt công khai, loại trừ vĩnh viễn ra khỏi giới nghiệp ấy những người không đủ phẩm chất. Y đức còn là chuyện truyền thông, giáo dục cho cộng đồng để nhìn thấy những vấn đề đó hoặc không nhầm lẫn thái độ với y đức như đã nói ở trên. Cuối cùng, nó nằm ở thực tế xã hội, thói làm giả ăn thật, vinh quang giả tạo.

. Xin cảm ơn ông.

Xã hội nào, y đức ấy ảnh 2
Xã hội nào, y đức ấy ảnh 3
Xã hội nào, y đức ấy ảnh 4

VIẾT THỊNH thực hiện 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm