Gỡ “nút thắt” học phí khi đại học tự chủ - Bài 3:

3 thách thức, 2 kiến nghị với đại học tự chủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ thẳng thắn về các vấn đề xoay quanh tự chủ ĐH mà các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam đang gặp phải hiện hay.

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Ba thách thức về tài chính 

. Phóng viên: Theo ông, ở Việt Nam, tự chủ ĐH là giải pháp trọng tâm để nâng chất lượng đào tạo nhưng thực tế triển khai còn nhiều hạn chế, vậy những khó khăn mà các cơ sở ĐH gặp phải là gì?

+ Ông Vũ Hải Quân: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để hiện thực hóa được đột phá chiến lược này thì bên cạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương đầu tư trọng điểm của Nhà nước thì tự chủ ĐH được xác định là giải pháp trọng tâm.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ ĐH ở Việt Nam đặt ra ba thách thức rất lớn liên quan đến tài chính ĐH, gồm: (1) không còn được đảm bảo nguồn chi từ ngân sách nhà nước; (2) chưa có chính sách tín dụng phù hợp cho sinh viên (SV) vay và (3) chưa đa dạng hóa được các nguồn thu.

. Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề thứ nhất liên quan đến việc không đảm bảo nguồn chi từ ngân sách khi các trường tự chủ cũng như các vấn đề có thể phát sinh?

+ Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH của chúng ta rất giới hạn. Nó chiếm tỉ lệ nhỏ so với chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2015, giáo dục ĐH ở Việt Nam chỉ nhận được khoảng 6,1% trong tổng chi ngân sách cho GD&ĐT, tương đương 0,33% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ trọng GDP của chi ngân sách cho giáo dục ĐH ở nhiều nước láng giềng, như Singapore (1%), Hàn Quốc (0,94%), Malaysia (1,3%)...

Khi các trường ĐH công lập nếu tự chủ hoàn toàn sẽ không còn được nhận kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư từ Nhà nước. Tuy nhiên, các trường sẽ được phép tự xác định học phí và thường cao hơn trước khi tự chủ.

Như ở ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế là đơn vị thành viên tự chủ rất sớm, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, học phí trung bình khoảng 50 triệu đồng/năm/SV. Thu nhập bình quân của giảng viên trường này năm 2020 khoảng 50 triệu đồng/tháng. Nhờ cơ chế tự chủ, trường đã thu hút được nhiều giảng viên giỏi, trong đó có nhiều giáo sư nước ngoài.

Ngược lại, Trường ĐH Khoa học tự nhiên là một đơn vị thành viên chưa tự chủ, lương giảng viên trung bình gần 20 triệu đồng/tháng. Điều này khiến nhiều giảng viên của trường xin chuyển công tác. Chỉ tính Khoa toán - tin học đã có 10 giảng viên giỏi chuyển qua các trường ĐH công tự chủ hoặc các trường tư thục.

Ngoài ra, mặt trái của việc tăng học phí trong các trường ĐH công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.

Học phí tăng gấp đôi
Học phí tăng gấp đôi
(PLO)- Ở nhiều cơ sở giáo dục đại học tự chủ hiện nay, học phí thấp nhất 18-20 triệu đồng/năm, cao nhất có thể lên tới 60-70 triệu đồng/năm.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang thảo luận,
học nhóm cùng nhau. Ảnh: NGUYỄN NGỌC

Năm bất cập của chính sách tín dụng cho sinh viên

. Một trong những giải pháp mà các nước trên thế giới thường áp dụng là chính sách tín dụng: Cho SV vay để học ĐH. Ông đánh giá về chính sách tín dụng này ở Việt Nam như thế nào?

+ Việt Nam đã bắt đầu áp dụng chính sách tín dụng đối với SV từ năm 1998 và hiện nay đang thực hiện theo Quyết định 1656/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù qua nhiều lần sửa đổi, các quy định về chính sách tín dụng cho SV nhìn chung vẫn mang tính chất bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục ĐH. Vì vậy, chính sách này vẫn có nhiều hạn chế, cụ thể:

(1) Đối tượng được vay khá hạn chế, chỉ có SV có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi, diện hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập thấp, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh...; (2) Mức cho vay khá thấp, 2,5 triệu đồng/tháng; (3) Thời hạn cho vay ngắn, SV phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học, thời hạn vay tối đa bằng hai lần thời hạn phát tiền vay. Trong khi nhiều quốc gia như Malaysia và Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm); (4) Thủ tục và phương thức vay phức tạp và còn phải thông qua hộ gia đình với người đứng tên vay là bố mẹ hoặc người giám hộ; (5) Lãi suất cho vay cao, như năm 2021 là 6,6% năm (trong khi cho vay trồng rừng 1,2%/năm, cho vay nhà ở 3%-4,8%/năm). Mức này chỉ hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước.

. Ông nói đến một thách thức nữa của các trường ĐH tự chủ là chưa đa dạng hóa nguồn thu. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

+ Ba nguồn thu chính tại các trường ĐH công lập gồm: Ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (chuyển giao công nghệ, các hoạt động dịch vụ, từ hiến tặng, hợp tác công tư...). Trong đó, lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là học phí. Khi các trường ĐH tự chủ, ngân sách nhà nước sẽ không còn. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác. Tuy nhiên, việc gia tăng các nguồn thu này phụ thuộc vào quy định của các văn bản pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài.

Đơn cử như việc chuyển giao công nghệ đối với các đề tài dự án nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện mới chỉ đang trình phương án giao cho đơn vị chủ trì nghiên cứu khoa học được quyền đăng ký sáng chế, tạo thuận lợi cho việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Bên cạnh đó, cơ chế định giá tài sản trí tuệ của các bên liên quan cũng còn vướng mắc.

Về hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục ĐH, các văn bản pháp lý đang được từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, để triển khai hợp tác đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục ĐH thì còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc định giá tài sản của các trường vì đất là thuộc sở hữu nhà nước; tương tự là vấn đề định giá thương hiệu cũng như xác định lợi thế khai thác các dịch vụ, chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác PPP cho các trường ĐH tự chủ.

Nguồn thu từ hiến tặng cũng rất hạn chế, một trong những nguyên nhân là chưa có chính sách pháp luật (ví dụ chính sách về miễn trừ thuế) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng trực tiếp cho trường ĐH.

. Xin cám ơn ông.

Hai kiến nghị cho giáo dục đại học

1. Kiến nghị về đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH

- Sớm xây dựng và ban hành chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam, trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của Nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường ĐH, trong đó có hai ĐH Quốc gia.

- Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người. Thực tế các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.

- Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường ĐH tự chủ phải theo lộ trình.

- Sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng…

2. Kiến nghị về chính sách tín dụng cho sinh viên vay

- Cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng SV.

- Điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho SV có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

- Giảm mức lãi suất cho vay đối với SV vay vốn là 3%-4%/năm
hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3%-4%/năm; sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.

- Điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp ba lần thời gian vay (ví dụ học bốn năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm; học bảy năm tối đa là 21 năm).

- Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm