40 ngày vượt 2.000 km vận động hiến tạng

Ngày 19-5, An Khương kết thúc chuyến hành trình của mình tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, BV Việt Đức (Hà Nội). Ngày 20-5, BV Việt Đức đã tổ chức gặp gỡ Khương.

Bạn chết vì không có nguồn tạng

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Khương cho biết ý tưởng đạp xe vận động hiến tạng bắt đầu từ một câu chuyện buồn cách đây ba năm khi một người bạn của anh bị suy thận rất nặng, mất lúc 24 tuổi. Lúc đó, cơ hội duy nhất để cứu sống người bạn là thay thận. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không có nguồn tạng để ghép nên bạn anh không thể ở lại cuộc đời này.

Vì vậy mục đích cuộc hành trình dài gần 2.000 km bằng xe đạp của Khương nhằm giúp cộng đồng thay đổi nhận thức và hiểu được ý nghĩa, cũng như tầm quan trọng của việc tham gia hiến tạng để cứu người.

“Em phải làm gì đó để tuyên truyền cho người dân hiểu về mục đích và ý nghĩa nhân văn của việc hiến mô tạng, để nhiều người không phải chết vì thiếu nguồn tạng như bạn em” - Khương thật thà nói.

Khương cũng cho biết: “Rất may ý tưởng này được cha mẹ đồng ý, bạn gái ủng hộ, động viên”.

Gần 40 ngày Khương đạp xe qua 27 tỉnh, thành để vận động hiến tạng. Ảnh: GIANG LINH

40 ngày và 3,7 triệu đồng

Sau một hành trình dài gần 40 ngày từ ngày 12-4, mặc dù bị sụt gần 5 kg (nay Khương chỉ còn 38 kg) nhưng khi kể về chuyến hành trình, Khương hài hước cho biết: “Ơn trời, em và chiếc xe không ốm”.

Chiếc xe Khương mua với giá 2,3 triệu đồng ở quê. Hành trang trên suốt chuyến hành trình ngoài mấy bộ quần áo, chiếc chai đựng nước… còn có một chiếc túi phía sau xe, bên ngoài có ghi những dòng chữ “Chia sẻ yêu thương, cho đi là còn mãi”, “Bạn có biết bạn có thể cứu người khác khi bạn ra đi”.

Dừng chân ở chỗ nào Khương cũng phổ biến những kiến thức mình biết được cho người dân những nơi đó. Anh đưa cho người dân những tờ rơi, rồi nói chuyện với họ bằng cách cởi mở, chân tình. Nhiều người cho rằng anh bị khùng nhưng cũng không ít người hiểu, đồng cảm, động viên.

Khương kể, anh đã chi hết 3,7/5 triệu đồng mang theo trong cả chuyến đi. Anh cũng rất tiết kiệm bởi mỗi ngày chỉ tiêu hết 100.000 đồng để uống nước mía, nhai bánh mì, mì tôm.

Trước đó, tháng 4-2013, chàng trai này từng đăng ký hiến xác cho khoa học ở ĐH Y Dược TP.HCM. Tháng 9-2015, anh tiếp tục đăng ký hiến đa tạng. Kết thúc chuyến đi xuyên Việt, Khương tự nguyện điền vào đơn đăng ký hiến tạng khi còn sống.

GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết ông rất cảm động trước việc làm đầy ý nghĩa của Khương. Theo ông Sơn, ở BV Việt Đức bình quân có 1-2 người chết não. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng cho tạng khi chết não.

Hiện nay ngành y tế có 16 trung tâm ghép tạng với đầy đủ điều kiện phương tiện kỹ thuật, đủ điều kiện kết nối bốn khâu của hiến tạng, duy nhất còn thiếu người cho thôi. Chúng ta phải làm sao để người dân hiểu rằng hiến tạng là hành động cứu người vô cùng có ý nghĩa. Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm cũ. Bạn đạp xe xuyên Việt đến đây là một hiện tượng.

Thống kê năm năm gần đây nhất cho thấy chỉ tính riêng các bệnh viện Hà Nội đã có tới 1.500 ca bệnh có nhu cầu ghép gan, cả nước khoảng 4.000-5.000 ca. Hiện tại con số này lớn hơn. Về ghép giác mạc, chỉ tính riêng năm 2014 đã có hơn 1.400 người. Con số này với thận là 6.000. Trong khi đó, khái niệm hiến tạng vẫn còn rất xa lạ với nhiều người khiến nguồn cho thiếu trầm trọng.

GS-TS TRỊNH HỒNG SƠN, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

Trên hành trình đi qua 27 tỉnh, thành, em đã gặp không ít những ánh mắt dò xét của người đi đường. Có người nói em khùng nhưng cũng có người  nói họ sẽ suy nghĩ việc hiến tạng và động viên em cố gắng đi tiếp. Em chỉ mong muốn có thật nhiều người biết để hành động giống mình...

Trần Nguyễn An Khương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm