QUỸ DOANH NHÂN VỚI AN NINH TRẬT TỰ TỈNH ĐỒNG NAI

450 người được vay vốn, không ai tái phạm

Dưới đây là những trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch quỹ.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa tái phạm

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (ảnh) cho biết:

“Hiện nay, Đồng Nai có hơn 16.000 người từ trường cai nghiện, người tù tha về. Số lượng người về lớn quá nhưng việc giải quyết cho họ có công ăn việc làm, tái hòa nhập với cộng đồng là không cơ bản, khả năng tái phạm rất cao. Hiểu được khó khăn của họ, từ năm 2010 chúng tôi thành lập Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự để giúp họ vay vốn để làm những ngành nghề đơn giản…”.

. Những nghề học được trong quá trình cải tạo không giúp được họ có việc làm sau khi ra tù sao, thưa ông?

+ Trong tù có đào tạo việc làm nhưng chỉ đào tạo việc rất đơn giản. Ví dụ như thợ mộc cũng chỉ là đục đẽo đơn giản, làm cây cảnh thì chỉ là cắt tỉa cây nên không trở thành cái nghề mà khi ra tù có thể kiếm sống.

Hầu hết người ra tù đều không vốn liếng, không có nghề nghiệp trừ một số ít có nghề từ trước. Thậm chí có người bị vợ con bỏ rơi, khi ra tù họ không nơi nương tựa. Trong khi đó, thái độ của xã hội đối với họ chưa thân thiện, hiếm có doanh nghiệp nào nhận người mới ra tù vào làm việc. Có quá nhiều khó khăn để họ hòa nhập cộng đồng, khả năng phạm tội của họ trở lại rất cao. Nhất là những người nghiện, xin việc làm không được, không vốn liếng để mưu sinh, khi bất mãn chán đời gặp đối tượng mua bán ma túy cho hút vài ngày thì họ bị ép tham gia vào đường dây phân phối ma túy rồi lại rơi vào vòng pháp luật. Quỹ ra đời với mục đích giúp cho họ vay một số vốn để làm ăn.

. Ý tưởng và việc thành lập quỹ được đón nhận thế nào, thưa ông?

+ Lúc đầu không phải ai cũng ủng hộ. Lúc đầu có người sợ trách nhiệm không làm, lỡ có gì thì bị kỷ luật. Có một trưởng công an huyện, địa bàn huyện có mấy ngàn người tù tha về mà bảo không có. Tôi siết lại, đưa vào chỉ tiêu thi đua thì mới làm.


Công an phường Tân Phong đến hỏi thăm, động viên Thăng, người được vay 20 triệu đồng để mở tiệm cửa sắt. Ảnh: Trung Dung 

Trách nhiệm với số tiền vay

. Quy trình để một người tù tha về được vay vốn như thế nào, thưa ông?

+ Trước đây, tôi giao cho công an địa phương chỉ đạo cho công an cấp phường, xã nắm rõ những người trong trường trại, người tù mới tha về có hoàn cảnh khó khăn. Tùy theo điều kiện từng người, chúng tôi xem xét cho vay từ 5 triệu đến 30 triệu đồng để họ mở tiệm tạp hóa, tiệm sửa xe hay mở quán hủ tiếu để kiếm sống. Còn hiện nay, chúng tôi nắm ngay từ trong trại giam chứ không đợi họ về đến nhà mới lập danh sách.

Ví dụ năm 2013, Bộ Công an thông báo đợt đặc xá Đồng Nai có khoảng 70 người được đặc xá, chúng tôi nắm rõ và phân loại ra từ trong trại để biết ai có gia đình, ai có nghề, ai không có nghề để xác định ngay người nào thuộc nhóm được xét vay vốn. Khi họ về đến nhà thì công an phường, xã đó chịu trách nhiệm lập danh sách báo lên huyện để tập hợp lên văn phòng quỹ căn cứ các tiêu chuẩn quy định sẽ xem xét cho vay.

. Khi vay ngân hàng thì khách hàng phải đến trụ sở, còn ở đây quỹ chủ động tìm người để cho vay?

+ Đúng, chúng tôi chủ động hoàn toàn, không đợi họ la lên: “Tôi nghèo khổ quá giúp tôi với”. Thậm chí chúng tôi xem xét cho vay từ trong trại nếu họ không có địa chỉ, nơi cư trú ổn định.

. Có ý kiến rằng với điều kiện việc thu hồi vốn vay rất khó, tại sao không hỗ trợ hẳn một số vốn, thưa ông?

+ Hiện chúng tôi cho vay từ một đến hai năm, với lãi suất gần như bằng 0. Đến thời hạn thì phải trả lại, người nào làm ăn tốt, đến hạn nhưng có nhu cầu vay tiếp thì chúng tôi sẽ xem xét. Chúng tôi muốn họ phải có trách nhiệm với đồng vốn chứ cho người ta thì họ sẽ hỏng ngay, họ sẽ sử dụng không đúng mục đích. Thậm chí những người nghiện sử dụng tiền đó vào việc mua bán, hút chích ma túy…Trách nhiệm với đồng vốn không phải chỉ từ họ mà từ hệ thống chính trị từ cơ sở, cụ thể là công an.

Không ai tái phạm

. Hơn ba năm triển khai, ông đánh giá hiệu ứng của việc thành lập quỹ?

+ Tổng số quỹ hiện nay hơn 12 tỉ đồng đã giải ngân 10 tỉ đồng cho 450 người vay vốn và khả năng thu hồi vốn rất cao. Hầu hết người vay vốn của quỹ đều sử dụng đúng mục đích để mở các ngành nghề đơn giản, phù hợp với khả năng. Họ đã sống được, cho đến nay không có ai được vay vốn tái phạm trở lại. Chỉ có một trường hợp được vay vốn để mở cửa tiệm nhưng sau đó không mở, sợ tiêu hết tiền vay nên trả lại. Rõ ràng, họ có công việc làm ăn ổn định, không tái phạm trở lại góp phần kéo giảm tội phạm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực.

. Hướng của quỹ trong thời gian sắp đến như thế nào, thưa ông?

+ Số người được vay trên tổng số 16.000 người tù tha về còn ít, quỹ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp cho quỹ để nhiều người được vay hơn.Vừa rồi hội đồng quỹ mới họp lại và thống nhất sẽ mở rộng đối tượng cho vay. Ngoài người tù tha về, chúng tôi sẽ xem xét những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quỹ mới duyệt cho vay một trường hợp ở huyện Nhơn Trạch. Tôi nghe anh em báo người này không có gia đình, nhà cửa gì hết. Hằng ngày cứ ra ruộng bắt cua, mò ốc đem ra chợ bán để lấy tiền mua đồ ăn, tối ngủ lang thang.

Hiệu ứng tích cực nhất không chỉ là số tiền mà người tha tù được vay, mà đó là sự chia sẻ, cảm thông của công an địa phương, đó là điểm tựa ngày về giúp họ xóa đi mặc cảm, có niềm tin ở cuộc sống, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG DUNG

Gia đình tôi rất vui khi được công an địa phương quan tâm, xem xét cho Thăng được vay 20 triệu đồng để mua đồ nghề mở tiệm sửa cửa sắt. Số tiền vay không phải quá lớn nhưng đó là chia sẻ, động viên Thăng trở thành công dân tốt. Từ khi mở tiệm, Thăng kiếm được 4-6 triệu đồng/tháng để phụ giúp gia đình.

Cha của anh Hoàng Văn Thăng, người được vay 20 triệu đồng

Khi vừa ra tù, tôi được Công an phường Tân Vạn, TP Biên Hòa thông báo thuộc diện xem xét cho vay 20 triệu đồng. Tôi dùng số tiền đó để vợ tôi mở quán bán hủ tiếu ở gần nhà, tôi làm tài xế xe tải. Cả hai vợ chồng thu nhập từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/ tháng đủ trang trải kinh tế gia đình và nuôi các con ăn học. Đến hạn, tôi thanh toán đủ số tiền vay để đồng tiền đó đến những người khác có hoàn cảnh khó khăn được vay.

Anh Trần Ngọc Hùng, được vay 20 triệu đồng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm