6 năm, giải cứu hơn 3.300 người bị bán sang Trung Quốc

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 9/2013/NĐ-CP ngày 11-1-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống mua bán người diễn ra tại TP.HCM sáng 29-11, bà Khuất Thị Huyền, Trưởng phòng Chính sách hỗ trợ nạn nhân và tuyên truyền, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đã đưa ra thông tin trên.

Theo báo cáo, trong sáu năm (2013-2019), Bộ Công an đã điều tra hơn 1.200 vụ mua bán người, xác định được hơn 3.400 nạn nhân bị mua bán. 80% số nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh khó khăn, hơn 70% làm ruộng hoặc không có việc làm, hoàn cảnh gia đình, tình cảm éo le, học vấn thấp hoặc không biết chữ.

Nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc (chiếm trên 98%), đa số là phụ nữ. Họ bị cưỡng ép kết hôn, làm vợ người bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%). 48,11% trong số họ trở về bằng cách tự tìm về, về qua giải cứu hoặc trao trả song phương chiếm 51,88%.

Cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai tuyên truyền người dân cảnh giác trước việc mua bán người. Ảnh: AL

Theo Thượng tá Lê Văn Nhãn, Phó Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), thủ đoạn của bọn buôn người thường là lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, tục lễ cưới xin của đồng bào dân tộc ít người ở miền núi phía bắc.

Qua mạng xã hội, các đối tượng giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân. Sau đó giả vờ yêu đương, hứa hẹn đám cưới, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán họ ra nước ngoài. Ở phía nam thì các đối tượng này giả vờ làm quen, yêu đương, kết bạn qua mạng nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép.

Ngoài ra, các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam cấu kết với cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi đến nước sở tại, chúng giữ giấy tờ tùy thân và bán nạn nhân để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Tại hội nghị, các đại biểu nêu ra nhiều giải pháp của Nhà nước nhằm hỗ trợ nạn nhân mua bán người được thực hiện trong thời gian qua như cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý. Cạnh đó hỗ trợ học văn hóa, học nghề, vay vốn sản xuất…

Hiện cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập. Từ năm 2013 đến tháng 6-2019, ngành LĐ-TB&XH các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ hơn 2.900 nạn nhân, trong đó hơn 2.800 phụ nữ, hơn 500 người dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quy định cơ quan, tổ chức thực hiện việc trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ y tế, học văn hóa, học nghề cho nạn nhân. Do đó cần phải thiết lập cơ chế phối hợp, hỗ trợ giữa các ban, ngành trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người, tránh đùn đẩy giữa các đơn vị. Một số bộ, ngành và địa phương vẫn xem nhẹ công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, chưa thấy được nguy cơ do tội phạm mua bán người gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm