70 động vật quý hiếm 'kêu cứu' vì vướng... Luật Tố tụng hình sự

Động vật quý hiếm kêu cứu

Trước đó, như báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, 64 cá thể tê tê Java (Manis javanica), trong đó có hai cá thể tê tê vàng - là loài rất khó tìm thấy ở Việt Nam và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng được Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (Tổ chức Save Vietnam’s Wildlife) phối hợp với Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương tiếp nhận, cứu hộ.

 Nhiều cá thể tê tê nếu nuôi nhốt lâu sẽ suy giảm sức khỏe, khó hòa nhập tự nhiên

Hiện tại, số lượng tê tê đang được chăm sóc tại trung tâm ở Vườn quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là 70 cá thể. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn sức khỏe để được tái thả về tự nhiên. Tuy nhiên, cơ quan công an và Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình không đồng ý tái thả cho đến khi vụ việc được xử lý và có quyết định xử lý tịch thu với tang vật vụ án.

70 cá thể tê tê vì thế vẫn còn phải nương nhờ ở 28 chuồng tại trung tâm cứu hộ, trong khi điều kiện vật chất ở đây không đáp ứng cho lượng lớn các cá thể. 

Bên cạnh đó, tê tê là loài sống đơn lẻ, khi nhốt nhiều hơn một cá thể trong một chuồng sẽ gây hiện tượng ức chế, căng thẳng, suy giảm sức khỏe dẫn đến chết rất nhanh. Nếu các cá thể có sức khỏe tốt nhưng bị nuôi nhốt lâu cũng khó hòa nhập với môi trường sau khi được tái thả.

 Tê tê là loài động vật nguy cấp, quý hiếm xếp ngang hàng với hổ

Theo ông Nguyễn Văn Thái (Giám đốc Save Vietnam’s Wildlife đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn tê tê thế giới IUCN) cho biết tê tê là loài động vật cực kỳ khó nuôi và sinh sản chậm. "Những cá thể tê tê sau khi tịch thu cần được thả về tự nhiên trong thời gian nhanh nhất. Đó cũng là biện pháp xử lý tê tê sau khi bị tịch thu với tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ trong đó có việc xử lý hình sự đối với hoạt động săn bắt, buôn bán những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mặc dù vậy chúng ta cần có những thay đổi chính sách pháp luật để các cá thể động vật quý hiếm đó được thả về tự nhiên" - ông Thái nói.

Tê tê đang được cứu hộ tại trung tâm cứu hộ 

Trước đây, tê tê không phải nằm trong nhóm động vật có mức độ đe dọa nguy cấp (EN), cho đến khi danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ được ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ. Theo đó, các vi phạm liên quan đến loài này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là bảy năm tù.

Trung tâm cứu hộ "kêu cứu hộ"

Ông Trần Quang Phương (cán bộ quản lý Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê) cho biết đặc thù hai loài tê tê tại Việt Nam chỉ ăn mối và kiến. Nên chi phí thức ăn rất cao, mỗi cá thể tê tê ăn hết 1.410.000 đồng/tháng; 70 cá thể sẽ tiêu tốn lượng thức ăn lên đến cả trăm triệu. Đây thực sự là điều khó khăn và khó nói của trung tâm. "Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm có hạn không thể nuôi số lượng lớn động vật trong một thời gian dài. Nếu như tiếp tục nhận cứu hộ, chúng tôi không đủ chi phí mua thức ăn cũng như tiến hành tiếp nhận cứu hộ những đợt tiếp theo do không đủ chuồng trại" - ông Phương cho hay.

Trong các cá thể được cứu hộ có cả cá thể tê tê vàng, đặc biệt quý hiếm 

Theo ông Nguyễn Văn Thái thì khi bắt giữ, vận chuyển hoặc tiêu thụ động vật hoang dã mà đối tượng vi phạm không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của động vật, khi khởi tố, cơ quan điều tra chỉ cần có đầy đủ thông tin về loài, số lượng cá thể, trọng lượng và lưu giữ lại hình ảnh để tiến hành khởi tố vụ án mà không cần thiết phải lưu giữ vật chứng là động vật hoang dã còn sống cho đến khi kết thúc vụ án.

 Tê tê được săn tìm để làm thuốc, Trung Quốc và Việt Nam được cho là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm được chế biến từ loại động vật này

Ông Thái nói: "Đây không chỉ là vấn đề riêng với tê tê, mà là vấn đề chung cho tất cả các loài động vật hoang dã sau khi bị bắt giữ từ buôn bán, săn bán trái phép. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cá nhân và cơ quan chịu trách nhiệm sửa đổi bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự để các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được thả lại tự nhiên sớm nhất sau khi bị bắt giữ từ buôn bán và vận chuyển trái phép".

 Nếu chậm trễ trong việc tái thả tê tê sẽ suy giảm về sức khỏe và gây tốn kém cho trung tâm cứu hộ

 Cả hai loài tê tê Java (Manis javanica) và tê tê Vàng (Manis  pentadactyla) đều nằm trong danh sách những loài động vật được bảo vệ cao nhất trên thế giới, chúng cũng được liệt vào nhóm loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tê tê bị săn bắt nhằm thỏa mãn nhu cầu về thịt và vẩy cho một bộ phận những người giàu ở Việt Nam hoặc bán đi Trung Quốc.
Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003: Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do tòa án hoặc HĐXX quyết định ở giai đoạn xét xử. Điều này đồng nghĩa với việc động vật hoang dã sau khi tịch thu là vật chứng của vụ án và chỉ có quyết định tịch thu và xử lý sau khi vụ án kết thúc. Do đó, động vật chỉ được thả lại tự nhiên sau khi vụ án được xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.