9 lần mổ, chỉ mỗi mẹ bên con

Phòng hậu phẫu, khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi đồng 2, TP.HCM thỉnh thoảng lại vang lên tiếng khóc của trẻ con. Có lẽ do quá mệt vì vết thương mới chồng vết thương cũ nên cậu bé Quách Ngọc Long, 15 tháng tuổi, thường ngày vốn hiếu động, hay cười vẫn thiêm thiếp ngủ.

Vào viện là lần cuối gặp gia đình chồng

Nhìn đứa con thơ dại còn nhỏ mà đã chịu bao tổn thương là quả ngọt của một cuộc hôn nhân còn hạnh phúc mới đây, lòng người mẹ trẻ Quách Thị Trúc Hà, ngụ ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, TP Trà Vinh, 24 tuổi, như chợt quặn lại. Thương phận mình thì ít, thương con thì nhiều, chị Hà trải lòng về mối lương duyên không dự cảm được tương lai.

Năm 21 tuổi, cô gái thanh xuân lên xe hoa với người chồng hơn tám tuổi. Sở dĩ nhiều người theo đuổi nhưng Hà chỉ động lòng với anh chàng này vì phục anh tính kiên trì, hay lui tới thăm hỏi cha mẹ mình. Ai cũng chúc phúc cho cặp vợ chồng trẻ. Hôn nhân thuở ban đầu không tránh khỏi va chạm. Khi mang thai con được sáu tháng, Hà về nhà mẹ đẻ chờ sinh con vì giận chồng.

Đứa con như chất keo hàn gắn tình cảm khi chồng Hà thường lui tới và lái xe chở vợ đi sinh. Bé Long ra đời cũng bụ bẫm như bao đứa trẻ khác nhưng đến sáu tháng thì ho kéo dài, quấy khóc. Nghi ngờ bé bệnh nặng nên bác sĩ ở tỉnh chuyển đến BV Nhi đồng 2 khám. Ai ngờ ngày con đi bệnh viện, đối mặt với thập tử nhất sinh vì căn bệnh não úng thủy cũng là lúc cha và gia đình nhà nội cũng dần lạnh nhạt.

“Do chồng bận việc nên ông nội đã thuê xe cho hai mẹ con lên TP và cho 2 triệu đồng. Sau khi thăm khám cho bé xong, bác sĩ thông báo con bị não úng thủy, chi phí khá tốn kém, gia đình chuẩn bị kinh phí điều trị thì ông nội của bé lẳng lặng đi về. Tôi không ngờ đó cũng chính là lần cuối hai mẹ con tôi còn gặp gia đình chồng. Lúc đó bé được sáu tháng, nay đã được 15 tháng” - chị Hà nghẹn ngào nhớ lại.

Bé Quách Ngọc Long và mẹ tại bệnh viện. Ảnh: GN

Bé Long cần thay ống dẫn tủy

Mất đi chỗ dựa là gia đình chồng, chị Hà chỉ còn cách cậy nhờ cha mẹ ruột. Trong lúc mẹ chị Hà tất tả bỏ việc đồng áng lên phụ chăm cháu thì cha chị Hà ở nhà chạy vạy để có tiền đi lại chữa bệnh cho cháu. “Ngày con mổ lần đầu tiên, tôi cũng có báo cho cha chồng nhưng ông nói bận không lên được. Gọi cho chồng thì không lần nào bắt máy. Có lúc bệnh bé ổn, được về nhà, tôi cũng báo cho nhà chồng qua thăm nhưng không ai đến cả” - chị Hà kể lại.

Mỗi lần đặt bút ký giấy mổ cho con, hễ nghe ai nhắc đến cha bé Long là nước mắt chị Hà lại chảy dài nên mọi người ở bệnh viện cũng dần biết hoàn cảnh éo le của hai mẹ con. Những giọt nước mắt dần vơi đi khi con trải qua chín lần mổ mà chỉ còn mỗi chị bên con.

Hiện giờ bé Long cần phải thay ống dẫn tủy nhưng với đường ống nối đơn thuần mà bệnh viện có thì khả năng thành công không cao.

Một số mạnh thường quân vào bệnh viện để giúp đỡ trường hợp khác tình cờ biết đến trường hợp mẹ con chị Hà đã tìm cách kêu gọi để đưa bé qua Singapore chữa bệnh. Nhưng được biết số tiền kêu gọi đến hiện tại khá ít ỏi. Chưa kể thời gian qua, chị Hà đã phải vay nợ hơn 70 triệu đồng. Với việc không có thu nhập hiện tại thì chị Hà nghĩ chẳng biết bao giờ mới có tiền trả hết số nợ ấy.

Bé Long đã tỉnh, người mẹ trẻ nhét vào tay con mẩu bánh mì là món ăn ưa thích của con. Khó nhọc lắm cậu nhóc mới đưa được mẩu bánh mì đến sát miệng. Hôm nay mệt, cậu bé không buồn cười, ánh mắt vẫn trong veo hồn nhiên…

Bệnh viện không có ống nối chạc ba

Bé Long đã được mổ nhiều lần để đặt ống dẫn lưu dịch não tủy từ não thất xuống tim và ổ bụng. Tuy nhiên, do bé có cơ địa đặc biệt, khả năng chấp nhận với ống kém, màng bụng hấp thu kém nên thường bị tắc và nhiễm trùng. Hiện tại, chúng tôi chuẩn bị mổ để rút dịch từ não thất xuống ổ bụng cho bé một lần nữa, nếu cơ thể bé không đáp ứng nữa thì có lẽ là hết cách. Vì não thất bé có nhiều nang dịch nên cần có hệ thống ống nối chạc ba để giảm sang chấn, cục mổ gọn hơn và ít nhiễm trùng. Bệnh viện không có ống nối chạc ba này, chỉ có ống nối đơn thuần. Nếu gia đình có điều kiện thì có thể đưa bé ra nước ngoài để đặt ống nối chạc ba thì khả năng thành công cao hơn.

Bác sĩ điều trị LÊ TRÒN VUÔNG

Khi được hỏi về hoàn cảnh hai mẹ con chị Hà, ông Thái Thanh Điền, trưởng ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, TP Trà Vinh, thở dài xót xa: “Từ ngày con nhỏ bệnh, không thấy chồng hay ai bên nhà chồng tới nhà cha mẹ Hà thăm con cháu. Cha mẹ nó phụ thì phụ thôi chứ không lo nổi vì khổ muốn chết, nhà chỉ có chưa đầy ba công ruộng. Thấy nó khổ tội nghiệp, tôi cũng kêu gọi chút đỉnh chứ sao mà có nhiều được”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm