Ai đã tác động vào kiểm soát thuốc lá thế hệ mới?

Thông qua việc tài trợ, các tổ chức này đã vượt qua quyền hạn của một tổ chức phi chính phủ, can thiệp soạn thảo cương mục quản lý, đề xuất các chính sách cấm thương mại và bỏ qua các bước trưng cầu dân ý công khai và độc lập. Điều này đã dấy lên làn sóng phản đối của các nhà làm chính sách trên toàn cầu và câu hỏi được đặt ra liệu những chính sách được đưa ra đối với thuốc lá thế hệ mới tại những nước này có thật sự minh bạch.

Tài trợ từ thiện hay can thiệp chính sách?

Đến nay dư luận của Philippines, Ấn Độ, và Mexico, đặc biệt những người hút thuốc lá vẫn còn đang bất bình vì tiếng nói của họ đã không được lắng nghe đúng mực.

Tuần trước, tại Mexico một vụ việc được tiết lộ rằng một viên luật sư của tổ chức Chiến dịch Vì Trẻ em Không Sử dụng các Sản phẩm Thuốc lá (Campaign for Tobacco-Free Kids), một tổ chức kiểm soát thuốc lá toàn cầu lớn nhất do Quỹ Bloomberg tài trợ), đã soạn thảo một văn bản luật hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động nhập khẩu và kinh doanh các thiết bị thuốc lá điện tử. Carmen Medel, Chủ tịch Ủy ban Y tế của Hạ viện Mexico, bị cáo buộc đã ký thỏa thuận với một tổ chức từ thiện để “cố vấn” về mặt pháp luật, song cuối cùng lại đệ trình một dự thảo luật vẫn có tên của luật sư thuộc tổ chức phi lợi nhuận này, chính là người đã tiến hành soạn thảo luật.

Trường hợp này cũng đã được xem xét trong những cuộc điều tra đang được tiến hành về tác động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (trực thuộc Quỹ Bloomberg) đối với các chính sách tương tự tại Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Quỹ Bloomberg sau khi các cơ quan tình báo trong nước bày tỏ quan ngại về sự chi phối của Quỹ Bloomberg lên chính sách của quốc gia. Tại Philippines, một cuộc điều tra liên bang cho thấy các cơ quan quản lý y tế nước này đã nhận được hàng trăm nghìn USD từ một tổ chức từ thiện của Quỹ Bloomberg để vận động hành lang các nhà lập pháp.

Điểm chung của các văn bản luật do các quỹ từ thiện biên soạn đều đề xuất cấm hoặc hạn chế kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vì cho rằng những sản phẩm này độc hại tương tự như thuốc lá điếu. Lập luận này hiện đang hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà chính phủ các nước đang sở hữu nền khoa học tiên tiến như Anh, New Zealand, Nhật, Mỹ, Đức, đã tiến hành nghiên cứu độc lập và công nhận.

Tương tự, thông qua dữ liệu kiểm chứng khoa học công khai, minh bạch của FDA (Hoa Kỳ), Bộ Y tế Nhật Bản, Cơ quan Y tế Công cộng Anh…, chính phủ các nước này đều đi đến kết luận chung rằng: dù các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử) đều không phải hoàn toàn vô hại nhưng các sản phẩm này khác biệt hoàn toàn so với thuốc lá điếu và giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại (đối với các sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học) so với thuốc lá điếu.     

Quyền được lắng nghe, kể cả người hút thuốc

Thực tế cho thấy, tổ chức từ thiện trực thuộc hoặc nhận tài trợ từ Quỹ Bloomberg đã và đang làm thay vai trò của chính phủ trong việc lập hành lang pháp lý đối với thuốc thế hệ mới. Lẽ ra, các tổ chức từ thiện chỉ nên dừng ở nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá và đưa ra các cảnh báo dựa trên khoa học. Việc can thiệp sâu của các tổ chức từ thiện dẫn đến tình trạng một số nước có tỷ lệ hút thuốc lá điếu và buôn lậu thuốc lá cao, trong đó có Việt Nam dù nhiều biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá đã được thực hiện trong nhiều năm qua.

Một hội thảo về quản lý thuốc lá thế hệ mới do HealthBridge Canada tham gia tài trợ

PGS. TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ngay cả trong trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán đã mắc ung thư phổi, họ vẫn tiếp tục hút thuốc dù được bác sĩ tư vấn rất kỹ và bản thân họ cũng hiểu rõ thuốc lá độc hại như thế nào.

Đồng quan điểm, BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học gia đình (Bệnh viện FV) cũng nhận xét, khoảng 90% những người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc lá nhưng bỏ không được. “Lý do của việc không cai bỏ được hoặc tái nghiện thuốc lá là do hai yếu tố, bao gồm nghiện nicotin và nghiện hành vi (hay động tác hút thuốc). Chính vì điều này mà các liệu pháp thay thế nicotin trong dược phẩm (như miếng dán, kẹo ngậm, chai xịt nicotin…) vẫn thất bại”, BS. Phương giải thích.      

Đến nay, các chuyên gia y tế thế giới và Việt Nam đều cho cho rằng, bên cạnh việc kêu gọi cai thuốc lá thì cách tốt nhất là cần bắt đầu nghĩ tới việc tìm giải pháp giúp giảm thiểu tác hại hút thuốc lá. Bởi lẽ, Việt Nam hiện là một trong 15 nước tiêu thụ thuốc lá cao nhất trên thế giới.

“Bây giờ không phải là giai đoạn tuyên truyền về nhận thức và giáo dục tác hại của thuốc lá nữa, mà cần phải có chế tài hoặc tìm ra những biện pháp nhằm giảm nhẹ nguy hại cho người sử dụng thuốc lá. Đứng dưới góc độ chính sách đối với cộng đồng, cách tiếp cận đó là phù hợp”, BS. Lê Đình Phương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm