Anh ơi, muốn ăn gì vậy chị?

Đó là chia sẻ của rất nhiều người chuyển giới nữ (viết tắt là TGW) trong buổi hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới nữ ở TP.HCM”chiều 5-12, tại TP.HCM do Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) tổ chức.

Dự án này do Quỹ sáng kiến địa phương (CFLI) của Canada tài trợ tại TP.HCM từ tháng 10-2017 đến tháng 2-2018 dành cho hai đối tượng chính là: TGW và nhân viên y tế. Mục tiêu của dự án là giảm kỳ thị và phân biệt đối với TGW, tăng nhạy cảm giới và bình đẳng giới trong việc cung cấp dịch vụ y tế và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y cho TGW.

Góp ý tại buổi hội thảo, chị Mia (một người chuyển giới nữ) chia sẻ, chị có làm thủ tục để nhận một người con nuôi. Khi đến bệnh viện để khám sức khỏe bổ sung vào giấy tờ thì vấp phải tình huống khiến chị và cả nhân viên y tế đều ngại ngần với nhau.

Anh ơi, muốn ăn gì vậy chị? ảnh 1
Chị Mia mong rằng nhân viên y tế và mọi người sẽ hiểu thêm về TGW thông qua dự án này. Ảnh: LA HIÊN

“Mình cũng không trách các cô y tá hay bác sĩ vì đây là vấn đề rất nhạy cảm. Khi Mia đến khám, nhân viên y tế không biết là nên gọi mình là anh hay chị do trên giấy tờ của mình ngày xưa tên là Nguyễn Công Đức nhưng hiện tại mình đã chuyển giới. Nhìn mình, anh bác sĩ không dám gọi cái tên đó, rất là ngại. Ảnh cũng không biết nói chuyện với mình bằng danh xưng gì, nói như thế nào...” - chị Mia chia sẻ.

BS Đỗ Tấn Thủ, người đã trực tiếp giảng dạy trong một lớp tập huấn cho TGW cũng nói thêm rằng không chỉ mỗi chị Mia mà nhiều bạn khác cũng đã tâm sự cùng ông như vậy.

“Nhiều bạn gửi gắm rằng cộng đồng TGW muốn có được một danh xưng phù hợp. Xưng hô anh hay chị đều theo thể hiện giới từ vẻ bên ngoài. Khi nhìn mà chưa thấy rõ là nam hay nữ thì hãy hỏi người đó nên xưng anh hay xưng chị. Đó là sự tìm hiểu lẫn nhau chứ không phải kỳ thị. Chưa biết, chưa hiểu thì hãy hỏi họ muốn xưng hô theo danh xưng nào” - BS Thủ nói.

BS Thủ nêu dẫn chứng, BS tự thấy 70% trong con người anh là nam, 30% còn lại là nữ. Người ngoài nhìn vào thấy anh là nam thì xưng là anh, còn họ nghĩ anh là nữ rồi xưng chị, anh vẫn thấy bình thường. “Nhưng mà đừng có như một đứa em của tôi nó hỏi tôi vậy: Anh ơi, anh muốn ăn gì vậy chị?... Khổ lắm. Gọi anh hay chị nếu cái gọi đó xuất phát từ sự tôn trọng thì sẽ được TGW đón nhận” - BS Thủ hài hước.

Anh ơi, muốn ăn gì vậy chị? ảnh 2
BS Đỗ Tấn thủ (cầm micro) kể về những câu chuyện được các bạn TGW tâm sự về cách xưng hô với mình. Ảnh: LA HIÊN

BS Thủ cũng nói thêm rằng sự lúng túng trong cách xưng hô của nhân viên y tế đa phần đến từ việc chưa hiểu rõ về TGW chứ không phải là thái độ kỳ thị. Anh cũng hy vọng dự án này khởi động sẽ giúp nhân viên y tế có thể hiểu sâu hơn về TGW.

Tại TP.HCM, dự án này được phối hợp thực hiện tại phòng khám Glant với nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho chính TGW trước, sau đó là nhân viên y tế và nhiều người hơn nữa. Đặc biệt, vấn đề tư vấn tâm lý cho TGW sẽ được chú trọng vì hiện nay chính bản thân TGW vẫn còn mặc cảm và kỳ thị chính bản thân mình. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ thuận tiện hơn cho TGW cũng sẽ được chú ý nhiều hơn.

Theo BS Hà Thị Xuân Lan, sở dĩ phải thực hiện thật tốt và hiệu quả dự án này dù chỉ trong thời gian năm tháng bởi người chuyển giới nữ (TGW) tại TP.HCM là nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao. “Trung bình một ngày tại phòng khám cứ 10 người TGW tới thì có hết bốn người nhiễm HIV” - BS Lan thông tin.

Theo một nghiên cứu, năm 2015 nhóm chuyển giới nữ tại TP.HCM có tỉ lệ nhiễm HIV rất cao (18%); nhiều chuyển giới nữ không biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Sở dĩ như vậy vì tại TP.HCM, người TGW có mạng lưới bạn tình đa dạng, quan hệ không dùng bao cao su, không có việc làm, bị bạo hành, trao đổi tình dục, trầm cảm và có ý định tự sát, sử dụng ma túy hoặc rượu bia nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm