Bão bất ngờ chuyển hướng, nhắm đến đồng bằng Bắc Bộ

Tại cuộc họp khẩn sáng nay, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, bão Conson đang diễn biến phức tạp. Thay vì đi thẳng vào khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc như dự báo hôm qua, cơn bão đã dịch chuyển xuống phía Nam, hướng thẳng vào các tỉnh ven biển phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

Với hướng đi này, cơn bão chỉ chạm vào rìa đảo Hải Nam (Trung Quốc) nên sự ma sát với mặt đệm là không đáng kể, cường độ cấp 11 hiện tại của bão sẽ gần như không đổi. Theo ông Tăng, với tốc độ 20 km mỗi giờ, sáng mai bão sẽ vào đến vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 10, giật cấp 12-13, bán kính vùng gió mạnh nguy hiểm lên tới 300 km.

Bão bất ngờ chuyển hướng, nhắm đến đồng bằng Bắc Bộ ảnh 1

Cơn bão đang dịch chuyển dần xuống phía Nam, hướng thẳng vào đồng bằng Bắc Bộ và gây ảnh hưởng trên khu vực ven biển phía Bắc. Ảnh: Unso.

"Khoảng 10-16h ngày mai (17/7), tâm bão vào khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Tuy nhiên, toàn bộ vùng biển từ Quảng Ninh tới Quảng Trị sẽ có gió mạnh, sóng biển kết hợp với triều lên cao 2-4 m", ông Tăng nói.

Ngoài ra, với ảnh hưởng của cơn bão, bắt đầu từ sáng mai, Bắc Bộ có mưa lớn, sau đó là các tỉnh khu 4 cũ. Lượng mưa có thể đạt 100-200 mm trong vòng vài giờ. Tổng lượng mưa tính từ tối nay cho tới khi bão tan vào ngày 19/7 lên tới 300 mm, một số nơi ở miền Bắc có thể đạt mức 400 mm.

Theo báo cáo của lực lượng biên phòng, trong số 33 tàu không liên lạc được ngày hôm qua tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, 16 tàu đã về, 17 tàu đang tránh bão tại đây. Tuy nhiên, có 5 tàu hiện không liên lạc được.

Tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), toàn bộ tàu đã vào neo ven bờ tránh trú. Từ đêm qua, bộ đội biên phòng đã bắn pháo hiệu tại hàng chục điểm cố định và di động để thông báo tình huống khẩn cấp cho tàu bè.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã sơ tán kiểm đếm được hơn 52.000 tàu, hiện chỉ còn 17 tàu với 237 lao động còn mắc kẹt tại khu vực đảo Hoàng Sa. Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, đã yêu cầu sơ tán toàn bộ người nuôi cá lồng bè lên bờ, sơ tán khách du lịch để tránh tai nạn.

"Với dự báo mưa cấp tập, dài ngày nên tình hình sẽ rất phức tạp. Cần lưu ý lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, kể cả ở đồng bằng và thành phố", tướng Khuê nói.

Với diện ảnh hưởng rộng của cơn bão, các quân khu 2, 3, 4 và một phần quân khu 5 phải tập trung chống bão.

Vừa thị sát thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phương án ứng phó với cơn bão của người dân cũng như bộ máy các cấp. "Tôi đi kiểm tra hôm qua về thấy bà con đều nghĩ rằng bão sẽ vào Trung Quốc. Tâm lý chuẩn bị như vậy là chưa đúng, chưa đánh giá được vấn đề", ông Phát nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp nhắc nhở các địa phương quan tâm đến việc neo đậu tàu thuyền vì kinh nghiệm các năm cho thấy, tàu chìm trên biển thì ít mà chìm ở các âu tàu, nơi neo đậu thì nhiều. Việc di dân, đặc biệt ở các khu vực ngoài đê cần được chú ý. "Không loại trừ mưa bão gây lũ lên ở một số sông, nên phải hộ đê. Trong hôm nay, các địa phương có bão đi qua cần xem xét khả năng cấm biển", ông Phát yêu cầu.

Ông Phát cũng đề nghị các địa phương kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, các công trình xây dựng một cách cẩn thận. Riêng đối với thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu thành phố sẵn sàng phương án tiêu úng cho khu vực nội đô. Ngành điện lực cũng cần lưu ý, tránh để xảy ra rò điện hay lặp lại tình huống nguy hiểm như lần ngập lụt năm 2008, trạm biến áp Hà Đông bị ngập sâu.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, Conson là cơn bão mạnh, trên đường đi đã gây thiệt hại lớn ở Philippines, lại đến vào lúc vào thời điểm khô hạn nên cần hết sức cảnh giác.

"Xác suất cơn bão đổ bộ lớn nhất vào vùng biển Quảng Ninh - Nam Định nhưng ảnh hưởng tới tận Thanh Hóa. Đây là khu vực đông dân ven biển, không thể chủ quan", Phó thủ tướng nói.

Đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Nông nghiệp, Phó thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa căn cứ vào tình hình thực tiễn để đưa ra lệnh cấm biển.

Với bài học từ trận mưa lớn gây hậu quả nghiêm trọng hôm 13/7, Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội kiểm tra lại hệ thống tiêu thoát, các hầm đường bộ. "Có chỗ mưa không ngập nhưng nước trào lên từ cống thành ra ngập, chứng tỏ không thoát đi đâu được. Hà Nội và các đô thị Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa cần tính đến khả năng chống ngập", ông Hải nói.

Chốt lại cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao cần liên hệ với Trung Quốc để làm rõ về các tàu cá chưa được vào tránh bão và 5 tàu mất liên lạc. Hôm nay, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp tiếp tục đi kiểm tra ở Quảng Ninh, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn về các tỉnh ven biển Nam Định, Thanh Hóa.

Theo Nguyễn Hưng (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm