Bão số 1 vừa qua, áp thấp mới đã đến

Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương sáng sớm 18-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao sự phản ứng mau lẹ, quyết liệt của các tỉnh trong việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm.

27 ngư dân Quảng Ngãi bặt tin

Bộ trưởng bày tỏ sự đáng tiếc đối với những trường hợp gặp nạn. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, bão số 1 làm 11 người ở Quảng Ngãi, Quảng Ninh và Thanh Hóa mất tích. Ông đã chỉ đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tích cực tìm kiếm các công dân mất tích trong bão…

Tại Quảng Ngãi, đến chiều 18-7, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm nhưng sáu ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) mất tích tại quần đảo Hoàng Sa do tàu chìm hôm 16-7 vẫn bặt tin. Qua máy Icom, tàu Hải quân vùng 3 thông báo đang tiếp tế nhiên liệu cho tàu cá ngư dân tham gia cứu nạn để tiếp tục việc tìm kiếm. Hai tàu cứu hộ khác của Hải quân vùng 3 cũng chia làm hai mũi phối hợp với các tàu cá tìm kiếm tung tích các ngư dân.

Bão số 1 vừa qua, áp thấp mới đã đến ảnh 1

Dọn dẹp cây gãy trên đường Trường Chinh, quận Kiến An, Hải Phòng. Ảnh: KIM LINH

Đến 19 giờ tối 18-7, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết có 27 ngư dân mất tích tại Hoàng Sa trong cơn bão số 1 chứ không phải sáu ngư dân của thôn Châu Thuận, xã Bình Châu như số liệu ban đầu. Trong đó có thêm 10 ngư dân trên tàu cá QNg 95904 của ông Nguyễn Văn Trung, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu mất tích (ba người xã Bình Châu và bảy người của tỉnh Khánh Hòa) và 11 ngư dân trên tàu QNg 96354 của ông Dương Thành, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Phía Đại sứ quán Trung Quốc cũng thông báo hải quân của họ đã cứu được 16 lao động đi trên tàu của ông Phạm Thơ, số hiệu QNg 90028, thôn Định Tân, xã Bình Châu. Họ cũng đang cấp cứu cho hai ngư dân của Việt Nam trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Đến cuối giờ tối, thông tin về 27 ngư dân này vẫn biệt vô âm tín.

Theo Quảng Ninh online, bốn thuyền viên trên tàu vận tải bị chìm ở khu vực hòn Gà Chọi lúc 16 giờ chiều 17-7 được xác định mất tích đã được cứu sống vào 8 giờ sáng 18-7. Riêng ông Lương Văn Quang đi trên tàu bị sóng đánh trôi ở khu vực đảo Cống Đỏ cũng đã được tìm thấy.

Hải Phòng: Khẩn trương giải cứu cầu Bính

Ngay sau khi bão tan, từ sáng 18-7, những cây xanh gãy, cột điện đổ trên các tuyến đường ở Hải Phóng đã được dọn dẹp, chuyển đi.

Bão số 1 đã gây thiệt hại nặng nề nhất tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. Trung tá Phạm Khắc Lương, Phó Trưởng đồn biên phòng 58, cho biết thiệt hại do bão số 1 gây ra đến 15 giờ ngày 18-7, tại huyện đảo Bạch Long Vĩ có hai tàu cung cấp xăng dầu loại nhỏ bị đắm, hai trục cẩu tại âu cảng bị bẻ gãy, hàng chục trụ sở cơ quan bị tốc mái. Một cột phát sóng BTS, nhiều thiết bị thông tin cùng 19 cột điện, nhiều cây xanh bị gió bão quật gãy. Ngoài ra, hơn 20 m kè đường giao thông cũng bị sóng đánh sạt. Con số này chưa phải là con số cuối cùng.

Bão số 1 vừa qua, áp thấp mới đã đến ảnh 2

Tàu container Vinashin Orient vẫn mắc kẹt tại gầm cầu Bính. Ảnh: KIM LINH

Ngay sau khi bão tan, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã triển khai lực lượng dọn dẹp, sửa chữa những thiết bị công trình bị thiệt hại. Đặc biệt, hai tàu bán xăng dầu bị đắm đã được đồn biên phòng 58 kéo vào bờ. Mọi hoạt động trên đảo đã trở lại bình thường.

Hầu hết các tuyến phố tại TP Hải Phòng, quận Đồ Sơn đều có cây xanh gãy, đổ chắn ngang đường nhưng đã được dọn dẹp, trả lại lòng đường.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết trong ngày 18-7, các thuyền viên của ba tàu du lịch (Bái Tử Long, Ánh Dương, Hoàn Cầu) bị đắm tại bến Gia Luận đã tìm lại các tài sản trong tàu. Tuy nhiên, việc trục vớt các tàu này sớm nhất cũng phải năm ngày nữa mới có thể làm được.

Sáng 18-7, UBND TP Hải Phòng đã họp tìm cách giải cứu cầu Bính vì chiếc tàu container Vinashin Orient vẫn đang “đội” cây cầu này. UBND TP yêu cầu Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng phải cho cắt ngay cabin tàu Vinashin Orient để kéo tàu ra, đảm bảo an toàn cho cầu Bính. Việc kéo tàu này ra khỏi gầm cầu Bính sẽ hoàn thành trong một, hai ngày tới.

Đêm 17-7, gió bão đã giật đứt dây neo, kéo ba chiếc tàu biển đang neo đậu tại cầu tàu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng (Vinashin) đâm sầm vào cầu Bính. Cú va mạnh liên tiếp của ba con tàu đã làm cho cầu Bính bị hư hỏng nặng.

Năm tàu lai dắt đã được đưa tới hiện trường giải cứu. Hiện tại hai tàu Shinsung Accord và Vinashin Express 01 đã được kéo về bến của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng. Riêng tàu Vinashin Orient do nóc cabin quá cao kích vào dầm cầu nên vẫn đang kẹt cứng. Biện pháp khắc phục là với thanh dầm cầu, sau khi kéo tàu ra sẽ đổ thêm một thanh trụ đỡ ở vị trí bị tông. Với dây văng, phải chờ nhà thầu tư vấn, thiết kế xem xét lại để quyết định có thay mới hay không. Nếu thay dây văng, nhanh nhất cũng phải mất sáu tháng. Hiện TP Hải Phòng đã tạm thời dừng mọi phương tiện qua cầu. Thời gian tới cũng chỉ cho người đi bộ và xe thô sơ lưu thông qua cầu bằng một làn đường…

Bỏ lệnh cấm qua cầu Bãi Cháy

Từ 0 giờ 30 ngày 18-7, lệnh tạm dừng người đi bộ và xe hai bánh qua cầu Bãi Cháy đã được dỡ bỏ. Đến trưa cùng ngày, Quảng Ninh cũng thống kê thiệt hại về tài sản, ước tính thiệt hại trên 4,5 tỉ đồng.

Hiện bão đã không còn đe dọa tỉnh Quảng Ninh và sinh hoạt của người dân đang dần trở lại bình thường. Dự kiến ngày 19-7, cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy sẽ cấp lệnh trở lại cho tàu chở khách đi tham quan vịnh Hạ Long. Các công ty môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương thu dọn cây cối bị quật ngã trong bão, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường. Nhiều người dân đã ra bờ biển để trục vớt tàu thuyền, mảng… bị sóng biển đánh chìm.

Điện lực Quảng Ninh đang khẩn trương khắc phục để sớm cấp điện trở lại cho người dân.

Áp thấp mới có thể mạnh thành bão

Ngày 18-7 đã có một đợt áp thấp nhiệt đới mới có tâm ở trên vùng bờ biển phía đông đảo LuZong, Philippines. Dự báo ngày 19-7, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (từ 50 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Vùng biển phía đông biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương thông báo về đợt áp thấp nhiệt đới mới nói trên và yêu cầu triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa thích hợp...

H.VÂN - T.NHƯ

EVN đã khắc phục các sự cố do bão gây ra

Ngay sau khi bão số 1 tan, các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tập trung khắc phục sự cố. Đến cuối giờ chiều 18-7, hầu hết các sự cố đã được khắc phục để cung cấp điện ổn định trở lại cho khách hàng.

Bão số 1 đổ bộ vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ, gây gió và mưa lớn ở các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Theo đánh giá của EVN, các hồ chứa thủy điện đều vận hành bình thường, không xả lũ.

Lưới điện 500 kV vận hành bình thường, không bị ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, hồi 17 giờ 45 ngày 17-7, máy biến áp AT2 của Trạm biến áp 220 kV Hoành Bồ (Quảng Ninh) bị sự cố do bão lớn làm đứt một pha dây dẫn vào chống sét, đến 19 giờ 45 cùng ngày sự cố trên đã được khắc phục. Một số đường dây 110 kV trong vùng cũng bị ảnh hưởng do bão.

Ngoài ra, các đơn vị đã khẩn trương khắc phục sự cố đường dây 110 kV Đồng Hòa-Vĩnh Bảo, đường dây 110 kV Đình Vũ-Đồng Hòa; đường dây 110 kV Hoành Bồ-Mông Dương.

Theo thông báo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, có 172 sự cố trên lưới điện trung áp, trong đó Hải Phòng bị sự cố ở 87 đường dây, Quảng Ninh 35 đường dây, Thái Bình 30 đường dây, Nam Định 12 đường dây, Ninh Bình năm đường dây, Thanh Hóa hai đường dây và Lạng Sơn sự cố ở một đường dây.

TP Hải Phòng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của cơn bão số 1 với 93 đường dây bị sự cố. Tính đến 12 giờ ngày 18-7, Công ty Điện lực Hải Phòng đã xử lý xong hầu hết các sự cố, trong đó đường dây vượt biển cấp điện cho đảo Cát Bà đã được khôi phục cấp điện trở lại.

(Theo TTXVN)

NHÓM PV VÀ CTV-TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm