Bảo trì đường bộ: Xe mới đóng phí, xe cũ được “tha”?

Ngày 28-4, Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề án Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo đó, đơn vị này kiến nghị lựa chọn hình thức thu phí lưu hành phương tiện qua đăng ký và đăng kiểm.

Phí lưu hành có thể tới 2,4 triệu đồng/xe

Theo ban soạn thảo, việc lựa chọn phương án thu phí qua đăng ký, đăng kiểm sẽ phù hợp hơn so với phương án thu qua xăng dầu. Trước đây, ở nước ta đã từng thu lệ phí giao thông qua giá xăng dầu. Điều này khiến cả nhiên liệu sử dụng cho thiết bị phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp; vận hành máy móc công nghiệp, xây dựng... tuy không tham gia giao thông cũng phải chịu phí. Do đó, Chính phủ đã chuyển loại phí này thành phí xăng dầu và tập trung toàn bộ cho ngân sách trung ương quản lý. Nay nếu thu phí qua xăng dầu sẽ dễ dẫn đến việc tăng giá xăng, còn nếu chỉ trích 50% tiền phí xăng dầu sang cho Quỹ Bảo trì đường bộ thì cũng chỉ là chuyển từ quỹ này sang quỹ kia của nhà nước.

Bởi thế, ban soạn thảo kiến nghị lựa chọn phương án thu qua đăng ký và đăng kiểm. Theo đó, xe ôtô thì thu qua kiểm định phương tiện, mức thu từ 1,2 triệu đến 2,4 triệu đồng/năm (tùy loại xe). Riêng với xe máy, do không phải kiểm định theo chu kỳ nên sẽ thu qua đăng ký phương tiện, mức thu từ 300.000 đến 1,5 triệu đồng/xe (tùy vào dung tích xylanh). Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu chỉ thực hiện việc thu phí đối với những xe máy đăng ký mới, còn xe cũ thì chưa thu.

Bảo trì đường bộ: Xe mới đóng phí, xe cũ được “tha”? ảnh 1

Nếu thu theo đăng ký, xe máy cũ sẽ không phải đóng phí lưu hành. Ảnh: THÀNH VĂN

Không đồng tình phương án này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đặt vấn đề: Tại sao xe máy mới thì phải đóng còn xe cũ lại không? Lượng xe máy cũ có phần nhiều hơn xe máy mới, xe cũ chở hàng hóa có mức phá đường nhiều hơn. Ngoài ra, nếu thu theo đăng kiểm thì ôtô nằm trong bãi cả ngày cũng phải chịu mức phí như taxi suốt ngày chạy trên đường. “Theo tôi, xe đi nhiều sẽ phải đóng phí nhiều nên việc thu phí qua xăng dầu sẽ bảo đảm sự công bằng. Với những vướng mắc về việc các loại hình không tham gia giao thông nhưng vẫn phải đóng phí, Bộ GTVT nên làm việc với Bộ Tài chính để tìm biện pháp tháo gỡ” - ông Hùng nói.

Đừng để phí chồng phí

Cũng theo ông Hùng, việc đưa ra đề án thu phí phương tiện cho Quỹ Bảo trì đường bộ nhưng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của các trạm thu phí là không ổn. Vì thật ra cả hai hình thức thu này đều là để lấy tiền cho hoạt động bảo trì đường bộ. “Việc thu cả hai sẽ khiến phương tiện phải “cõng” cùng lúc hai loại phí, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải. Nếu đã thu phí lưu hành thì phải xóa bỏ ngay các trạm thu phí đường bộ” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo một thành viên ban soạn thảo, đây là vấn đề đã được nghiên cứu và thảo luận kỹ càng. Hiện cả nước mới chỉ có 47 trạm thu phí. Trong khi đó theo quy định, mỗi trạm thu phí được áp dụng đối với đoạn tuyến khoảng 70-80 km nên thực tế mới chỉ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 27% chiều dài các quốc lộ, còn 73% chiều dài và gần như toàn bộ hệ thống đường địa phương chưa thu phí. Vì vậy, việc tổ chức thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện lưu thông trên đường bộ là phù hợp thực tế.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho rằng những nội dung trong đề án thực tế mới chỉ là đề xuất của đơn vị. Do đó, trong tháng 5, Bộ GTVT sẽ công khai toàn bộ nội dung dự thảo nghị định về quỹ bảo trì đường bộ trên trang web của Bộ (địa chỉ: www.mt.gov.vn) để lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm