“Bật mí” về đời võ sĩ

Một cuộc tỉ thí trên võ đài

Nhìn hai chú gà chọi tháp cựa thép nhọn lao vào nhau tung những đòn chí tử, người xem khó tránh khỏi cảm giác hào hứng. Nhưng khi tàn cuộc, nhìn chú gà thắng cuộc mình mẩy tả tơi, máu ròng ròng khắp mình và tệ hơn, chú gà thua cuộc nằm giãy đành đạch trên đất, chợt bùi ngùi… Gà chọi còn gây cho ta cám cảnh như vậy, huống chi võ đài với hai con người đấm đá túi bụi nhằm triệt hạ đối phương, hẳn còn gây nên nỗi cám cảnh đến nhường nào!

Trên đường lưu diễn…

Để trở thành một võ sĩ thực thụ, chưa nói đến việc nổi danh, không phải là chuyện một sớm một chiều và không hề dễ dàng chút nào. Họ được chọn từ khi còn là một cậu thanh niên kin kin mới lớn và phải trải qua nhiều năm luyện tập khá công phu, võ sĩ mới có cơ hội trở thành chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều võ sĩ chuyên nghiệp, trọng tài, thậm chí giám khảo… chẳng ai sống bằng nghề võ của mình. Người đi cắt tóc, kẻ chủ tiệm cơm, người tài xế xe tải đường dài, kẻ chủ sạp thịt ngoài chợ và có đôi khi là một chủ vườn tiêu khấm khá. Đó là hiện trạng của các “cao thủ” võ thuật miền Nam.

Hiếm hoi những võ sư thực thụ như võ sư Kim Tuấn đóng đinh bằng đầu, bàn tay trên bàn gỗ

Thực đơn ăn uống của một võ sĩ chuyên nghiệp ư? Tập luyện với bao cát từ sáng sớm, điểm tâm bằng cơm chiên tỏi và ít rau luộc. Bữa cơm trưa có ít cá biển kho mặn hơn muối hoặc trứng chiên và rau muống luộc. Chiều tiếp tục bữa cơm chẳng khác gì… buổi trưa ngày hôm trước. Còn thực đơn của võ sĩ nghiệp dư? Thực ra chẳng khác gì nhưng được dọn riêng cho có vẻ phân biệt “đẳng cấp”!

Việc tập luyện mới hài hước hơn khi đi lưu diễn ở các tỉnh. Chẳng rõ võ công trên… các bộ phim luyện tập kỳ công đến đâu, còn ở đây họ tập ít hơn ngồi cà phê tào lao tán gái. Chỉ có cánh nghiệp dư mới tập ra tập: Họ hùng hục tập luyện, khổ nỗi chẳng cha huấn luyện viên nào rảnh nên làm gì có bài tập, ngoại trừ việc lao vào bao cát đấm đá như… nông dân đập lúa!

Đi chung với đoàn trong một đợt thi đấu khắp các tỉnh mới cảm nhận cái “trưởng giả nửa mùa” của giới võ sĩ. Chẳng rõ võ công của cánh chuyên nghiệp có ghê gớm như Lý Liên Kiệt, Chung Tử Đơn hay không nhưng cách khinh khỉnh của họ khi cư xử với đàn em và các võ sĩ nghiệp dư thì chẳng khác gì Lý Tiểu Long trên phim. Họ thường vẽ vời về một viễn cảnh giàu sang của cao thủ thượng thừa trước cánh trẻ trai đang mơ thành võ sư tuyệt thế. Nhưng… hễ có cơ hội thì cánh võ sĩ chuyên nghiệp (đã bước vào thời quá vãng) ngay lập tức bỏ nghề không hối tiếc!

Màn lột dừa bằng chân của võ sư kim Tuấn trong lễ hội Xuân 2011 tại TPHCM

Sơn, sau một thời gian dài theo đoàn võ đài đánh đấm kiếm sống, đã chán nản. Khi đoàn về thi đấu ở xã Thanh Lương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, anh ở lại làm thuê cho các chủ vườn tiêu. Chỉ sau hai năm treo găng, Sơn trở thành một chủ vườn nho nhỏ và với uy tín của một võ sĩ thượng đài nòng cốt của Đoàn võ thuật Hoàng Tùng, anh được trọng dụng và trở thành phó công an xã. Anh ngán “đời võ sĩ” đến tận óc nhưng cũng nhờ cái mác võ sĩ cho anh một chỗ trú ẩn cuối đời nên chẳng dại gì… “vạch áo cho giang hồ xem thẹo”!

Hoàng Dương, một võ sĩ thượng đài nhanh như sóc và ít gặp đối thủ khi lưu diễn từ Nam ra Trung. Thế nhưng khi về đến Lộc Ninh, gặp một nữ chủ tiệm cơm “quá lứa lỡ thì”, anh bèn bỏ nghề và giờ đây đã trở thành một nhân vật khá nổi danh trong giới làm ăn ở xứ cao su gần biên giới này. Một võ sĩ khác, H. dừng chân ở Bình Long, chấp nhận lấy vợ là chủ một động mại dâm là D. để quên luôn “một thời võ sĩ”.

Nhiều võ sĩ có trình độ thực thụ của các đoàn võ thuật đã rơi rụng dần bởi những cuộc tình và những cơ hội đổi đời trên bước đường lưu diễn…

Đi làm “bao cát” kiếm sống

Đen, một võ sĩ mùa nào cũng đi lưu diễn, cười hềnh hệch cho biết lý do anh tham gia các cuộc đấu võ đài: “Hết mùa chặt mía, ở không làm gì, đi oánh võ đài kiếm tiền xài thôi…”. Khi được hỏi về trình độ võ công, Đen đảo mắt nhìn quanh xem có ai thuộc loại “cơ hữu” của đoàn không, rồi hạ giọng tiết lộ: “Tụi em nông dân ở Hậu Nghĩa, sức chặt mía cỡ nào anh biết rồi, vô tư! Còn võ, biết mẹ gì đâu anh!”. Thấy người nghe há hốc mồm ngạc nhiên, Đen giải thích luôn: “Cần biết võ làm chi, chủ yếu lên làm bao cho mấy cha võ sĩ kia dợt. Vậy là đủ lấy tiền rồi!”.

Trong năm trận đấu mỗi đêm, chỉ có hai trận then chốt, còn lại ba trận đấu cuội. Hóa ra tuyển mộ các “anh hùng” chặt mía chuyên nghiệp xem ra tốt hơn đi tìm võ sĩ không chuyên! Lựa chọn hàng đầu của các ông bầu đoàn võ đài là những anh chàng chặt mía, do chỉ cần có chút tiền còm sau một chuyến lưu diễn và hoàn toàn hài lòng với việc “làm bao cát” cho cánh võ sĩ có chút danh phận.

Thế nhưng thỉnh thoảng cũng gặp sự cố…

Một lần lưu diễn xuống miền Tây, Út Hiền, một chàng chặt mía mới 19 tuổi lần đầu theo đoàn, đã nổi khùng khi bị G.Hải - một võ sĩ chuyên nghiệp nện trúng mũi đổ máu cam. Út Hiền quên ngay việc mình đang làm bao cát để kiếm tiền, lao vào G.Hải để trả miếng! Mặc cho võ sĩ tung ra những cú đánh chỏ, phóng gối liên tục vào tấm lưng rộng bản của mình, Út Hiền hùng hục quơ tay đạp chân. Kết quả có thể đoán ra: Võ sĩ chuyên nghiệp G.Hải đo ván giữa hiệp 2 do bị Út Hiền lao đầu vào giữa mặt!

Sáng hôm sau, Út Hiền lãnh 500.000 đồng và thêm xuất xe ôm ra bến để “quy hồi cố quận”. Ra đến bến, suýt xảy ra cuộc chiến giữa cánh võ sĩ cơ hữu và cánh “chặt mía đi oánh võ đài kiếm cơm”. Mấy vị võ sĩ “tự phong đẳng cấp chuyên nghiệp” toan chặn đánh Út Hiền, nào ngờ cánh nông dân cũng đã lường trước với một lực lượng vượt trội và vũ khí tự trang bị của thời đại đồ đá. Thế là… “ba năm võ Tàu không bằng một chầu củ đậu”, phe võ sĩ chuyên nghiệp ngậm đắng nuốt cay nhìn Út Hiền lên xe với nụ cười nửa miệng!

Thượng đài theo kịch bản

BT, một võ sư gọi là có tên tuổi theo kiểu “ở xứ mù thằng chột làm vua” nơi vùng Lộc Ninh. Sau một thời gian mở võ đường với lèo tèo chưa đến chục học trò, nhân có đoàn võ đài về huyện lỵ, BT chợt nhận ra cơ hội! Với 5 triệu đồng đút túi cho trưởng đoàn và 5 triệu đồng cho võ sĩ Phi LS được coi là giỏi nhất đoàn, BT thiết kế xong xuôi một phi vụ nhằm tạo bệ phóng cho nghiệp võ sư của mình.

Mỗi đêm võ đài thường có năm trận, đấu thành ba hiệp, mỗi hiệp 10 phút nhưng sau này chỉ còn 5 phút vì với “thực đơn võ sĩ” như đã nói ở trên, kéo dài trận đấu sẽ chỉ là bộ phim hài chiếu chậm. Ba trận đầu, như chúng ta đã biết là “cuội” với một võ sĩ chuyên nghiệp và một “bao cát biết nói”. Người thắng sẽ hưởng 1 triệu đồng (thời giá hiện nay) và kẻ thua (được chỉ định trước) được hưởng 400.000 đồng gọi là tiền chịu đòn. Đến trận thứ tư, nhằm mục đích bán vé, sẽ do hai võ sĩ cơ hữu của đoàn thượng đài. Chỉ ăn và tập theo từng cặp đôi quá quen thuộc nên mọi động tác ra đòn, đổi đòn, thậm chí trúng đòn của những “cặp đôi … hoàn cảnh này” đều đẹp như phim võ thuật Hong Kong. Giá của họ đồng hạng cả thua lẫn thắng, vì còn xoay vòng thua thắng - thắng thua là 1.200.000 đồng!

Đến trận then chốt, theo như lời giới thiệu, thường sẽ là một võ sĩ địa phương giao đấu cùng võ sĩ của đoàn. Đa phần các trận đều được mua trước. Nhưng thỉnh thoảng có những võ sĩ địa phương uống mật gấu, quyết định dùng thực học để “ấn chứng võ công”. Thế là một võ sĩ dữ dằn nhất sẽ được tung vào cuộc, với lời nhắn nhe từ trưởng đoàn: “Không hạ đo ván thằng đó thì bỏ đoàn, bỏ nghề đi”. Bằng võ thuật thì ít mà kinh nghiệm thượng đài thì nhiều, với những thủ thuật khó lường, ít có võ sĩ cơ hữu nào của đoàn không hoàn thành mục tiêu là hạ đo ván thằng võ sĩ địa phương không biết điều.

Trở lại với BT, chỉ sau vài chiêu thăm dò, anh tấn công tới tấp Phi LS và chàng võ sĩ này chống đỡ khá đẹp mắt dù hết sức chật vật. Đến giữa hiệp 3, bằng cú đá giò lái trên không trúng vào cằm đối phương, BT hạ knock out. Cả võ đài ở sân vận động như vỡ òa ra vì dân Lộc Ninh quá sung sướng. Không sướng sao được: Dân tỉnh lẻ mà hạ gục võ sĩ khét tiếng miền Nam!

Sau khi đoàn rời ra miền Trung tiếp tục những đêm võ đài nảy lửa, BT trương bảng mở võ đường. Tiền đầu tư cho trận đấu “cuội” xem ra không uổng. Võ đường tấp nập võ sinh đến ghi danh. BT phải liên hệ để thuê thêm nhà văn hóa huyện và một phần sân vận động để đủ chỗ dạy học trò phương pháp “làm thế nào để chiến thắng một võ sĩ lừng danh”. Khi Hoàng Dương bỗng dưng rời bỏ đoàn ở lại huyện lỵ để trở thành ông chủ tiệm cơm, BT suốt ngày lui tới và cưng Hoàng Dương như trứng mỏng. Đơn giản vì chỉ có Hoàng Dương, thành viên kỳ cựu của đoàn, mới biết rõ BT đã dùng “chiêu thức” gì giành thắng lợi trước võ sĩ Phi LS danh nổi như cồn!

Thay lời kết

Tình cờ gặp lại Đen lẫn Út Hiền trong một công trường xây dựng ở Bình Dương, tôi không khỏi ngạc nhiên. Khi được hỏi về “đời võ sĩ”, Đen và Út Hiền đều phá lên cười. Chỉ tay vào công trình đang xây dựng, Đen nói với giọng… khôn ra thấy rõ: “Thằng Út Hiền lương thợ 200.000-300.000 đồng mỗi ngày, dở như em phụ hồ cũng hơn trăm… Ngu sao đi làm bao cát nữa hả anh?”.

Rồi Đen xuống giọng nói nhỏ: “Bà xã em mà nghe vụ oánh võ đài hồi đó của em, dám bả xỉu lắm à!”. Út Hiền kể thêm: “Anh nhớ thằng cha võ sĩ oánh với em đợt đó không? Giờ là anh rể em đó!”.

Đời võ sĩ mà đoạn kết không còn dính líu gì tới võ thuật, dân trong nghề lại cho rằng như thế mới là kết thúc có hậu! Vậy đấy…

THANH TRÌ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm