“Bếp ăn O đồng” của thầy cô ở Đà Nẵng

Những ngày tháng 6, Đà Nẵng nắng như đổ lửa. Hơn 9 giờ sáng, bà Đỗ Thị Hồng (quê Quảng Nam) đẩy chiếc xe chứa ve chai đến cổng Trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) rồi ngồi dưới bóng cây tránh nắng trong lúc chờ nhận cơm. “Thời tiết mấy bữa ni hãi quá. Tui phải tranh thủ đi làm từ sớm rồi về, chứ nắng nóng ri chịu không nổi” - ngả chiếc nón ra làm quạt, bà cho hay.

“Bữa ni để dành được 15.000 nên tui vui lắm!”

Năm nay 68 tuổi, bà Hồng từng bị tai nạn, sức khỏe kém nên không làm được việc nặng nhọc. Hằng ngày, bà miệt mài đẩy xe quanh TP nhặt ve chai để mưu sinh. Có những hôm đi bộ tới 10 km nhưng thu nhập của bà cũng chỉ vài chục ngàn đến 100.000 đồng. “Mấy bữa ni dịch bệnh liên miên nên cuộc sống thêm khó khăn, đôi khi chỉ mong ăn đủ no chứ đâu mơ ăn ngon. Từ khi biết thầy cô nhà trường hỗ trợ cơm trưa, tui đều tranh thủ đẩy xe qua nhận, bữa thì mì Quảng, bánh ướt, bữa thì cơm nóng, rồi có thêm hộp sữa nữa. Những suất ăn ni không chỉ giúp tui no bụng mà còn động viên tinh thần tui rất nhiều” - bà tâm sự.

Khoảng 20 phút sau, một nhóm giáo viên (GV) trẻ cùng nhau khiêng chiếc bàn lớn đựng hàng trăm suất ăn đã được gói chỉn chu ra phía trước cổng trường. Bên cạnh là tấm biển với lời nhắn: “Ai cần thì nhận một phần. Ai thấy ổn xin nhường người khác!”. Sau đó lần lượt bác xe ôm, cô bán vé số, anh thợ hồ, chị bán hàng rong… hối hả đến nhận những suất ăn nóng hổi. Vài em nhỏ cũng hăng hái phụ người lớn đưa cơm.

Bà Hồng xúc động đón nhận suất ăn từ thầy giáo Trương Vĩnh Đặng.
Ảnh: T.AN

Chị Nguyễn Thị Út (quê Quảng Ngãi) có hai con nhỏ, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ học lớp 2. Hai vợ chồng quanh năm đồng áng vẫn không đủ sống, chị rời quê ra Đà Nẵng bán vé số để có tiền cho các con đến trường. Thương chị Út vất vả, chủ đại lý bán vé số cho chị ở trọ miễn phí. Đi bộ rạc chân mỗi ngày nhưng thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng, chị gần như không dám ăn tiêu mà dành gửi hết về cho gia đình. “Trưa ni có cơm miễn phí, tui để dành được thêm 15.000 nên mừng lắm! Chồng và các con ở quê còn khó khăn nên phải chắt chiu từng chút. Nhận được sự giúp đỡ ở nơi đất khách quê người thế này, dù ít dù nhiều, tui vẫn rất biết ơn” - chị Út cười.

Cô Thanh Bình, GV môn mỹ thuật Trường Tiểu học Tây Hồ, cho biết từ hơn một năm nay, đều đặn mỗi tháng một lần, GV nhà trường lại cùng nhau góp tiền rồi bỏ công sức nấu khoảng 200 suất ăn miễn phí cho người lao động nghèo, bất kể nắng hay mưa.

“GV thì tiền cũng không có nhiều, mỗi người góp một chút thôi, chủ yếu là tấm lòng. Trong lúc TP ứng phó với đại dịch thì mọi người đều mong muốn làm được điều gì đó để tiếp sức cho những người lao động khó khăn. Bởi vậy, khi thầy Đặng kêu gọi bếp ăn miễn phí thì các thầy cô trong trường đều vui vẻ hưởng ứng ngay. Mình hy vọng bếp ăn của trường sẽ lan tỏa mạnh mẽ, tụi mình có mệt hơn cũng không sao, miễn là có thêm nhiều suất ăn hơn nữa hỗ trợ bà con lao động nghèo” - cô Bình nói.

Lan tỏa bài học về sự chia sẻ

Điểm phát cơm miễn phí của Trường Tiểu học Tây Hồ. Ảnh: T.AN

Người khởi xướng “bếp ăn 0 đồng” của Trường Tiểu học Tây Hồ là thầy giáo trẻ Trương Vĩnh Đặng. Từ lâu, thầy Đặng cũng là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là các chiến dịch quyên góp, hỗ trợ y, bác sĩ và người lao động khó khăn trong thời điểm TP oằn mình ứng phó với đại dịch.

“Mô hình này mình đã thực hiện nhiều ngoài xã hội rồi. Lần này mình quyết định phát động trong môi trường giáo dục, vì GV là những người dạy học, cũng chính là những người sẽ gieo mầm yêu thương, lan tỏa bài học về lòng tốt, sự chia sẻ đến với học sinh. Mình vui vì nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của GV trong trường. Các thầy cô cũng thường cho học sinh cùng tham gia để các em học bài học về sự cho đi trong cuộc sống hằng ngày” - thầy Đặng tâm sự.

Vốn ban đầu của bếp ăn vỏn vẹn khoảng 3 triệu đồng do GV tự nguyện đóng góp, thầy đã phải bán những cây bonsai tự tay chăm bẵm để có thêm kinh phí duy trì hoạt động. Về sau, nhóm có thêm sự đồng hành của Ban giám hiệu nhà trường và một số phụ huynh nên kinh phí dành cho hoạt động này được nâng lên 5 triệu đồng/tháng. Những suất ăn nhờ thế mà phong phú, đầy đặn hơn.

“Mình hy vọng hoạt động này sẽ được nhân rộng trong nhiều trường học ở Đà Nẵng để chúng ta giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa” - thầy Đặng cho hay.

Nhiều phụ huynh sẵn lòng tham gia

Ban đầu, bếp ăn do thầy Đặng khởi xướng với sự tham gia của một số GV. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn do hoạt động mang lại, chi bộ nhà trường đã chọn mô hình này để đăng ký là việc làm tiêu biểu về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, GV nhà trường được chia sẻ, tiếp sức cho bà con lao động nghèo, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhà trường tạo mọi điều kiện về bếp, các vật dụng nấu nướng để nhóm có không gian chuẩn bị 200 suất ăn mỗi tháng. Về kinh phí thì cái chính là mỗi người tự nguyện đóng góp, nếu không đủ, chúng tôi sẽ vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ. Nhiều phụ huynh thấy phong trào hay và ý nghĩa nên cũng rất sẵn lòng tham gia cùng với nhà trường.

Cô TRƯƠNG THỊ HỒNG THANH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm