BHXH đề xuất điều chỉnh lương hưu cho nữ trong 5 năm

Trao đổi với báo chí, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nêu ý kiến về đề xuất điểu chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động nữ theo lộ trình.

Theo ông Sơn, quy định cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 01/01/2018 trở đi không phải là quy định mới. Chúng ta đã áp dụng quy định này từ năm 1995 đến hết năm 2002 theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ. 

Từ năm 2003, khi Chính phủ sửa đổi Điều lệ bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ mới thay đổi theo công thức: 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45%; mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tiếp theo được tính thêm 3%; tối đa là 75%. 

Việc điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là đưa công thức tính mức lương hưu đối với lao động nữ quay trở lại trước đây, chứ không phải là chính sách mới. Còn đối với lao động nam, từ năm 1995 đến nay để đạt được hưởng lương hưu ở mức cao tối đa 75% thì đều phải có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội (từ năm 2003 đến nay số năm lao động nam đóng BHXH luôn cao hơn lao động nữ 5 năm). 

"Theo tôi, quan điểm cho rằng cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi đối với lao động nữ là bất bình đẳng giới là chưa thấu đáo. Bởi lẽ, khi kết thúc lộ trình thay đổi cách tính lương hưu, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa thì số năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam vẫn luôn cao hơn lao động nữ là 5 năm. Vấn đề là đối với lao động nữ thì áp dụng ngay nên tâm lý hụt hẫng, tác động mạnh hơn", ông Sơn nói. 

BHXH đề xuất điều chỉnh lương hưu cho nữ trong 5 năm ảnh 1Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Cũng theo ông Sơn, việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi không chỉ tác động đến lao động nữ mà có tác động chung đến tất cả người lao động. Tuy nhiên, tác động đến lao động nam là từng bước theo lộ trình, còn với lao động nữ thì không có lộ trình.

Trong tháng 10 vừa qua, tại cuộc họp với Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) bàn các phương án xử lý chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ theo lộ trình trong 5 năm.

15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội vẫn tính bằng 45%, sau đó nghỉ hưu năm 2018 thì 8 năm tiếp the mỗi năm tính thêm 3%, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%; nghỉ hưu năm 2019 thì 6 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.

Nghỉ hưu năm 2020 thì 4 năm tiếp theo mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%; nghỉ hưu năm 2021: 2 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%; nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: Các năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.


Theo phương án này, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng bảo hiểm xã hội; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm. 

"Như vậy, phương án này hoàn toàn tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu như đối với lao động nam; nghĩa là khi kết thúc lộ trình vào năm 2022, để đạt được tỷ lệ hưởng 75% thì cả lao động nam và nữ đều phải có số năm đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm 5 năm (mỗi năm tăng thêm 1 năm đóng); đồng thời, đảm bảo tính hài hòa trong quá trình cải cách chính sách.

Tuy nhiên, để đưa ra được quyết định dừng hay thực hiện theo lộ trình khoản 2, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội thì theo quy trình chung, sau khi Chính phủ thống nhất phương án sẽ báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ quyết định", ông Sơn nói.  
Ngày 3/11, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng vẫn thực hiện như quy định cũ của Luật BHXH năm 2006. 

Ngày 4/11, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã trình Chính phủ phương án giãn lộ trình điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm