Body shaming hay thói quen nhục mạ cơ thể

Đây là một comment điển hình cho thói quen chế giễu, nhục mạ đặc điểm hình thức của người khác (body shaming). Mọi người cứ nghĩ mấy cái comment kiểu: Sao ốm thế? Sao béo thế? Ôi, con nhỏ đó là "tivi màn hình phẳng"! Thằng đấy xấu xúc phạm người nhìn... là vui. 

Thật sự chúng rất kinh khủng với người nhận comment. Rất độc ác và tàn nhẫn với họ. Trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn trong hành vi tập luyện thể thao, tự ti, tự cô lập bản thân là những hậu quả đã được xác định vì body shaming.

Chính vì vậy, các trường học ở Anh nghiêm cấm và xử lý rất mạnh với những hành vi này. Đương nhiên, với tuổi teen thì cũng không triệt để nổi nhưng họ ý thức rất rõ chuyện này để kiểm soát tốt nhất có thể.

Các hãng quần áo cũng hay bị dư luận các nước chỉ trích vì chính họ làm cho con người bị ám ảnh nhiều hơn về cơ thể họ khi so sánh với người mẫu. Trong khi đó, họ không biết rằng gần như 100% những hình ảnh trong các lookbook (ảnh mẫu quảng cáo quần áo tham khảo phong cách ăn mặc, phối đồ - NV) đó là người không thật, đều đã được chỉnh sửa, mông má chán chê.

Năm trước có đề tài đã đoạt giải nhất kỳ thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Đó chính là đề tài về body shaming. Các em ấy dùng nguyên thuật ngữ này từ nước ngoài. Điều này chứng tỏ body shaming đã là vấn đề của chính học sinh ở VN chứ không còn là chuyện ở nước ngoài. Nó đang ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các em mà các trường học cần nâng cao ý thức về nó.

Không phải tới dậy thì mới bị ảnh hưởng bởi comment kiểu đó.

Cháu nhà tôi lúc 2,5 tuổi, đi học về đòi bác mua cà chua cho ăn. Hỏi ra mới biết do các cô ở trường trêu Bún béo và bảo mua cà chua ăn cho ốm bớt. Một con bé 2,5 tuổi đã lo ngại về hình thể do chế giễu của người khác rồi đấy!

Body shaming còn một dạng khác chính là cá nhân tự nhục mạ, chê bai cơ thể của mình. Body shaming cá nhân nhiều khi do sự chê bai của người khác, riết rồi cá nhân cũng tự thấy mình xấu.

Đương nhiên kể cả hoa hậu thì cũng có điểm không hài lòng về hình thức của bản thân nhưng sự không hài lòng tới mức ám ảnh và ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân thì mọi người cần hỗ trợ cá nhân đó để điều chỉnh lại.

Tôi cũng từng là nạn nhân của body shaming của cả người ngoài và chính mình trong suốt thời kỳ dậy thì kéo dài tới khi hết ĐH, đi làm ba năm vẫn phải chịu đựng rất nhiều thói body shaming của người khác.

Tôi bây giờ ít nhận comment dạng đó là nhờ phản ứng "tỉnh như không" của tôi. Chính bốn năm ở Anh, nơi mà chẳng ai comment về nước da, cân nặng, vòng 1, vòng 2, vòng 3, cách ăn mặc của mình mà tôi đã đơn giản hóa bản thân đi rất nhiều.

Lúc trước, 100% khi ra đường là tôi trang điểm. Hiện tại dễ thấy là tôi đi dạy cũng chỉ có kem chống nắng, dưỡng ẩm và chút son nhạt. Mấy người comment về vết thâm do mụn trên da hay bảo da sạm thế, sao gầy thế... thì tôi đều phớt lờ.

Tôi thấy rằng mỗi người chúng ta cần phải thay đổi một số thói quen của chính mình. Một trong số đó chính là vô tư bình luận về hình thể của người khác.

Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý về điều này, nếu thấy con quá thường xuyên chê bai bản thân mình hay người khác thì hãy can thiệp ngay.

Thực chất chẳng có tiêu chuẩn cái đẹp nào là duy nhất hết. Đẹp còn tùy vào mắt người nhìn. Chưa kể, dù đẹp hay không đẹp thì cơ thể của ai là thuộc về chính họ, không ai được phép nhục mạ cả.

Để cải thiện sự ám ảnh vì body shaming thì hãy tự tránh xa những người ưa chê bai hình thể của mình, thiếu gì bạn để chơi, tại sao phải chơi với người làm mình tổn thương! Thay vào đó hãy gần gũi với người trân trọng mình, bất kể mình xấu hay đẹp! Nhìn Adele với Ed Sheeran đi, đầy người chê hình thể của họ mà họ vẫn thành công và hạnh phúc đấy thôi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm