Cậu bé viết bằng chân mơ xây nhà cho mẹ

Cậu bé đó là Nguyễn Văn Tài, đang học lớp 2 Trường Tiểu học Vị Thắng 2 (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang). Tài là con út trong gia đình có ba chị em nhưng từ khi lọt lòng mẹ, Tài đã gặp bất hạnh khi cơ thể có nhiều khiếm khuyết.

Ba năm trầy trật tập cầm bút... bằng chân

Chị Nguyễn Thị Vy (mẹ của Tài) cho biết Tài bị dị tật bẩm sinh. Từ khi mới sinh ra em đã không có cánh tay trái, còn bàn tay phải thì chỉ có ba ngón, lại dính vào nhau như cục thịt thừa. “Lúc biết con bị khiếm khuyết như thế, vợ chồng tôi buồn lắm. Nhưng biết làm sao được, dù có như thế nào thì đó cũng là con mình nên vợ chồng phải nén nỗi đau cố gắng nuôi dạy con lớn khôn” - chị Vy tâm sự.

Chị Vy còn cho biết lúc nhỏ Tài rất khó nuôi, thường xuyên ốm đau. Do vậy, chị phải đặc biệt chăm sóc Tài hơn hai người chị của Tài. Đến lúc Tài tập đứng, tập đi thì chị càng vất vả đỡ đần cho con. Vì không có tay nên Tài không thể giữ thăng bằng, cứ đi vài bước là té. Cho đến bây giờ dù Tài đã tám tuổi nhưng cũng không tránh khỏi những cú ngã u đầu.

Thấy con thua thiệt so với những đứa trẻ khác về mặt thể chất nên vợ chồng chị Vy quyết tâm nuôi con nên người, học hành đến nơi đến chốn. “Mình không thể cho con một cơ thể lành lặn như bạn bè thì phải cố gắng bù đắp lại cho con cái khác. Chỉ có đi học mới có thể giúp con thay đổi số phận, có được nghề nghiệp để nuôi sống bản thân mình nên dù có khó khăn đến cỡ nào vợ chồng tôi cũng cố gắng lo cho con ăn học”.

Nghĩ thế nên vợ chồng chị Vy quyết tâm tập cho Tài viết chữ. Khi Tài ba tuổi, đi học mẫu giáo, chị Vy đã bắt đầu học chữ cùng con. Ban đầu chị Vy tập cho con viết bằng tay nhưng do bàn tay cậu nhóc chỉ có ba ngón, không có lực nên không thể giữ được cây viết. Chị buộc phải chuyển sang tập cho con viết bằng chân. Dĩ nhiên đó là việc không hề đơn giản.

Thời gian đầu do không quen, Tài thường xuyên khóc, không chịu viết vì chân bị tê mỏi. Những lúc này chị Vy chỉ có thể kiên trì động viên con. Phải mất ba năm mẫu giáo Tài mới có thể kẹp được cây viết bằng chân và vẽ được những nét cơ bản.

Không chỉ viết được mà Tài còn sử dụng được tất cả dụng cụ khác như thước, compa… khiến thầy cô, bạn bè ai cũng trầm trồ, thán phục. Ảnh: H.DƯƠNG

Chỗ ngồi đặc biệt của Tài trong lớp học. Ảnh: H.DƯƠNG

Chỗ ngồi đặc biệt và ước mơ kỹ sư

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên với đứa con trai kém may mắn đã hoàn thành, đến tuổi con vào lớp 1, chị lại tất bật đi lo giấy tờ xin cho con vào học tại Trường Tiểu học Vị Thắng 2. Ban đầu bị bạn bè trêu chọc “thằng Tài không tay” nên Tài tự ái, mặc cảm không chịu đi học. “Mỗi khi bị bạn chọc, Tài lại về hỏi tại sao mẹ và các bạn ai cũng có hai bàn tay, 10 ngón tay mà con chỉ có ba ngón vậy rồi không chịu đi học nữa. Những lúc như vậy tôi chỉ biết ôm con vào lòng, cố gắng động viên, an ủi con. Bây giờ thì Tài lại thích đi học, không chịu nghỉ bữa nào dù bị bệnh, đi chích thuốc về kịp thời gian là thằng bé vẫn đòi mẹ mau đưa đi học” - chị Vy kể.

Đi học, Tài được bạn bè và thầy cô yêu quý bởi em rất chăm chỉ và ngoan ngoãn. Là học sinh đặc biệt nên chỗ ngồi của Tài cũng rất đặc biệt: Ở ngay trên sàn lớp học. Ở đó được trang bị một cái nệm nhỏ. Tất cả dụng cụ học tập như tập, sách, viết… được bày ra gói gọn trên chiếc nệm. Tài nhỏ nhắn ngồi phía dưới giữa hai dãy bàn, chăm chú nghe cô giảng bài.

Lúc biết Tài bị khiếm khuyết không tay, nhà trường cũng lo nhưng qua kiểm tra phát hiện em rất sáng dạ và thông minh. Từ đó, trường và cô giáo tạo mọi điều kiện hướng dẫn Tài nhiều cách tập viết. Tài viết rất đẹp, năm nay trường dự định sẽ đưa Tài vào lớp năng khiếu để luyện viết chữ đẹp.

Thầy PHẠM VĂN THẮNG,  Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vị Thắng 2

Ở lớp, Tài rất năng động, chủ động học tập, hễ cô giáo đặt câu hỏi là Tài giơ cánh tay “chim cánh cụt” của mình xung phong trả lời. Cô bảo cả lớp chép bài, Tài cũng nhanh nhẹn lấy tập, viết ra. Cúi gập người sát xuống mặt giấy, Tài kẹp cây viết vào bàn chân trái, lấy bàn tay ba ngón của mình kềm cây viết nhẹ nhàng đưa đẩy từng nét chữ. Dù viết chậm hơn các bạn khác nhưng nét chữ của Tài rõ ràng, đẹp. Không chỉ viết được mà Tài còn sử dụng được tất cả dụng cụ khác như thước, compa… khiến thầy cô, bạn bè ai cũng trầm trồ thán phục. Ngoài ra, Tài còn rất thích tô màu, hễ rảnh là cậu bé lại lấy tập ra tô màu.

Mặc dù bị khiếm khuyết ở tay nhưng Tài vẫn cố gắng làm mọi việc từ học tập đến sinh hoạt cá nhân để mẹ đỡ vất vả vì mình. Chị Vy cho biết có lần Tài nói tương lai muốn trở thành một kỹ sư xây dựng, có nhiều tiền để thiết kế và xây dựng cho cha mẹ một căn nhà thật đẹp.

“Tôi tự hào về Tài”

Trong cuộc đời làm giáo viên, bé Tài là trường hợp lạ lùng đầu tiên tôi gặp. Lúc nhận Tài vào lớp, tôi nghĩ Tài không thể nào học được nhưng từ từ tôi phát hiện ra Tài là một người ham học và rất có chí cầu tiến. Ban đầu thầy hiệu trưởng và tôi thử dạy Tài viết bằng tay nhưng tay Tài quá yếu, không có sức cầm viết nên chúng tôi thử cho em học theo thầy Ký (thầy Nguyễn Ngọc Ký - PV) viết bằng chân nhưng vẫn không được. Lúc này tôi cũng nản lắm, muốn từ bỏ nhưng thấy Tài ham học, thông minh nên tôi quyết định thử thêm lần nữa là kèm cho Tài viết bằng một chân và một tay. Sau một tháng kiên trì, cô trò đã thành công, quan trọng nhất là nhờ ý chí cầu tiến của Tài. Mặc dù Tài thua bạn về mặt thể chất nhưng học tập thì em không hề thua kém các bạn. Tôi tự hào về Tài.

TRẦN THỊ DIỆU HIỀN,
giáo viên chủ nhiệm năm lớp 1 của Tài

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm