Chén bò viên tuổi thơ

Một buổi sáng vui nhất khi đi học là có rủng rẻng một, hai đồng dằn túi là tôi tìm đến chú bán xe bò viên có đổ xí ngầu lát (1). Vì ít tiền nên cũng có máu “ăn thua” hòng kiếm chác thêm một chén nữa để bao mấy thằng bạn không may mắn trong ngày hôm nay, cũng như tôi đã từng có lúc không may mắn vì không có tiền hoặc chơi thua chú bán bò viên. Xí ngầu lát là ba cục xúc xắc đen thùi lùi và đôi khi đầy mỡ. Cách chơi rất công bằng, chú bán bò viên không lấy quyền làm nhà cái mà bắt chẹt mấy thằng nhỏ còn thò lò mũi. Hai bên cùng nhau bỏ ba cục xí ngầu lát vào cái tô cũ ba lần. Cục xí ngầu có sáu mặt: Hai mặt sơn đỏ là hai số 1 và 4, những mặt còn lại là màu đen với bốn số còn lại. Mỗi người được đi một lượt và chỉ lấy con số có màu đỏ để tính điểm. Người nào thắng hai lần đổ thì là người thắng cuộc.

Mỗi khi có một thằng bạn chơi thì nhiều đứa bạn xúm lại mong cho bạn mình thắng chú bò viên để được ăn ké, chí ít là cũng được một viên để đỡ thèm. Còn bạn mình mà thua thì coi như cả đám trớt quơ.

Ôi, cái chén bò viên lúc đó sao mà ngon quá vậy!

Còn những khi không tự tin cho cái tay đổ bác của mình, tôi thường mua một chén để tận hưởng những viên bò viên dai dai, sựt sựt của gân, của mỡ. Trên mặt nước lèo (2) là những miếng hành nhỏ màu xanh tô điểm cho mặt nước đầy mỡ, có thêm vài lát xá bấu (3) và rắc tiêu thơm lừng. Ăn bò viên phải chấm với tương đen mới “phù hợp chủng loại” và đúng quy trình. Một cục bò viên chấm với tương đen, có thêm màu đỏ của tương ớt, thằng nào xui hôm đó thua chú bò viên nhìn tôi ăn phải chảy nước miếng.

Nhưng không, ngoài chuyện ăn ngon, chén bò viên cũng thắt chặt tình huynh đệ khi tôi cho tụi nó ăn khính một vài viên chấm với tương đen. Trong đầu óc thơ dại của mình tôi nghĩ biết đâu ngày mai nó thắng chú bò viên thì nó sẽ cho mình ăn lại khi mình gặp xui. Ấy thế vậy mà tình nghĩa bò viên cũng sống khá dai.

Lên trung học, mỗi thằng bạn chia tay vào đường đời vạn ngả. Thi thoảng tôi có quay lại trường xưa, vẫn thấy chú bò viên muôn năm đứng đổ xí ngầu lát với tụi nhỏ. Còn những thằng bạn, khi gặp nhau vẫn có dịp ăn bò viên ở những quán khác. Những quán này, trong chén bò viên lại có thêm gân, thịt, gầu - hơi tả pí lù. Rồi sau này lớn lên, thằng còn, thằng mất, thằng bệnh già, thằng giàu có, đại gia thì bò viên Sài Gòn vẫn còn đó nhưng cảm giác ăn không ngon bằng xe bò viên thời tiểu học. Có lẽ tâm hồn chúng tôi được in đậm dấu thức ăn ngày xưa cũ, nó vẫn đi theo, theo mãi với kỷ niệm uống ăn từ tuổi thơ nghèo khổ.

Không biết tôi viết điều sau đây đúng không, nếu không xin các bạn chỉ giáo. Món bò viên có xuất xứ từ những người Hoa gốc Quảng Đông trong Chợ Lớn, một đặc sản của phương Nam, vì khi tôi ra Hà Nội khoảng năm 1975-1978, thèm lắm nhưng không tìm thấy những xe bò viên này (cũng như hủ tiếu - mì). Có dịp sang Bắc Kinh hay Quảng Châu, tôi tìm quán bò viên nhưng xứ sở của người Hoa mà lại không có à? Hay là món này xuất hiện theo gót lưu dân của người Minh Hương? Người châu Âu thì lại càng không thấy có món “Beef Ball” trong thực đơn. Riêng tại Pháp, có lẽ khu phố Tàu ở quận 13 hay khu China Town hy vọng có món thịt bò tươi giã nhuyễn rồi lăn thành viên tròn vo, đều đặn này.

Riêng ở TP.HCM hiện nay không hiếm những tiệm bán bò viên ngon, trên dưới 50 năm và vẫn là món ăn khoái khẩu của các chàng, các cô hay của dân nhậu như quán ở Lý Chính Thắng, quán Nguyễn Thiện Thuật… Quán bò viên cũng “ngự” được ở khu nhà giàu, Việt kiều và người nước ngoài qua lại ở đường Ngô Đức Kế - trung tâm TP. Khác với chú bán bò viên, các quán này còn cải tiến nấu với mì - hủ tiếu, cộng lại thành hủ tiếu - mì bò viên. Nói chung, bò viên có phát triển…

Ôi, nhớ làm sao chén bò viên trước cổng trường tiểu học với chú bò viên thi thoảng cũng cho ăn thiếu vì thấy “tụi bây thua, không tiền ăn, đói bụng mà làm sao cho chữ vô bao tử, tội nghiệp! Mai mốt có tiền cứ ăn đi, đừng đổ xí ngầu với tao nữa. Thua tụi bây thì tao lỗ nhưng ăn tiền tụi bây thì bụng chẳng đành”. Đến bây giờ, ngồi soát lại sổ đoạn trường tôi không biết mình còn thiếu tiền bò viên của chú mà chưa trả hay không…?

_____________________

(1) Hột xúc xắc. (2) Nước dùng. (3) Củ cải mặn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm