Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương Binh, liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2017)

Chiến binh thầm lặng tìm mộ liệt sĩ trên mạng

Rất khó để gọi tên nhóm gồm những thành viên của một diễn đàn trên mạng xã hội, những người lặng lẽ sưu tập các tư liệu về cuộc chiến đã qua. Những người chưa một lần nói lời từ chối với thân nhân các liệt sĩ để tìm kiếm thông tin về người thân của họ.

Phía sau bức ảnh cũ

Ngày 12-7, tỉnh Đồng Nai tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân năm 1968. Gần 50 năm, sự tồn tại của ngôi mộ chưa từng được nhắc đến, cho tới khi xuất hiện bình luận của cựu binh Mỹ dưới bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa năm 1968 do kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng ở TP.HCM đăng tải lên website panoramio.com. Đó chỉ là một trong những việc điển hình mà nhóm đã thực hiện kể từ khi ra đời cho đến nay.

Nhắc lại chuyện này, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cho hay vốn yêu thích ảnh địa lý nên anh hay lên mạng sưu tầm. “Bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa tôi đã thấy trên mạng từ rất lâu và up lên website panoramio.com. Đầu tháng 10-2016, cựu chiến binh (CCB) Bob Conner vào bình luận phía dưới bức ảnh ấy, dù Google đã dịch lại dòng bình luận của Bob nhưng tôi vẫn nhờ CCB Chế Trung Hiếu ở Hải Phòng dịch lại sát nghĩa những dòng Bob viết” - anh Thắng nói.

Dòng chữ đó được dịch như sau: “Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay, rồi rẽ phải - nơi có lô cốt, hay còn gọi là đồi 10, có một trận chiến quan trọng đã diễn ra nơi đây vào Tết Mậu Thân 1968. Những Việt Cộng chết phải chôn trong một ngôi mộ tập thể cuối đường băng…”.

Một buổi sinh hoạt của nhóm. Ảnh: VIẾT THỊNH

Những liệt sĩ ở hai sân bay

Từ dòng bình luận của Bob và các thông tin để lại dưới bức ảnh, CCB Chế Trung Hiếu đã có rất nhiều cuộc trao đổi với CCB Bob Conner để rồi khoanh vùng được vị trí ngôi mộ tập thể trong sân bay Biên Hòa. Bob cho biết ông nhớ vị trí đào hố chôn nhưng trong hai ngày (ngày 2 và 3-1-1968), khi chôn cất các chiến sĩ Việt Nam, ông không có mặt. CCB Chế Trung Hiếu nhờ Bob liên hệ mạng lưới CCB Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam để củng cố thông tin.

Những thông tin ngắn ngủi nhưng dần được củng cố về một hố chôn tập thể các chiến sĩ của ta ngay lập tức được cung cấp tới các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Gần hai tháng tìm kiếm, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai đã tìm thấy ngôi mộ tập thể của bộ đội Việt Nam trong khuôn viên sân bay Biên Hòa. Theo danh sách thì hố chôn tập thể này có 150 liệt sĩ nhưng khi cất bốc, không đếm được số lượng hài cốt liệt sĩ bởi có rất nhiều hài cốt đã bị phân hủy hòa lẫn vào đất và nhiều vật dụng của các chiến sĩ cũng được tìm thấy như cặp nhẫn bằng vỏ đạn, dép rọ nhựa, bi đông đựng nước, bật lửa, thắt lưng, mảnh vải dù... Tất cả hài cốt được để trong 72 tiểu sành và lần theo danh sách thân nhân liệt sĩ, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai đã mời 68 thân nhân đến từ 23 tỉnh, thành (chủ yếu ở phía Bắc) dự lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ.

Không lâu sau khi góp phần quan trọng vào việc phát hiện và cất bốc mộ tập thể ở sân bay Biên Hòa, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng và những người bạn trong nhóm của mình lại đưa ra một thông tin gây sốc khác. Theo đó, có nhiều khả năng tại phía Tây của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tồn tại một hố chôn tập thể khác với số lượng liệt sĩ lớn hơn nhiều.

Cộng đồng ảo, hiệu quả thật

Ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ là một trong những thành viên tích cực của một cộng đồng những người trẻ có, già có, trong đó đa số là những người chưa từng kinh qua các cuộc chiến.

Mạng xã hội đã giúp họ kết nối với nhau trong một cộng đồng hẹp, cùng chung một niềm đam mê tìm hiểu sử Việt, đặc biệt là lịch sử các trận đánh… từ cả hai bên chiến tuyến. Thông tin của họ từ lâu đã là nguồn đáng tin cậy cho chương trình Đi tìm đồng đội, cũng như các đội quy tập. Anh Nghiêm Văn Quang (sinh năm 1979) hiện đang là cán bộ của một công ty thực phẩm đã có hơn 10 năm dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để làm một việc không sinh lời về mặt kinh tế.

“Bản thân gia đình tôi cũng có người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong một thời gian dài tìm kiếm tôi cũng rút ra một số bài học cho mình và muốn chia sẻ với các gia đình khác trong việc tìm kiếm liệt sĩ” - anh Quang cho hay.

Với mong muốn đó, anh Quang đã cùng với các cộng sự trong nhóm của mình tìm kiếm các nguồn tin để có thể tìm ra một hướng tìm kiếm liệt sĩ tốt nhất mà bớt tốn kém công sức cũng như tiền bạc của các thân nhân liệt sĩ. Nhóm trên mạng không chỉ có Quang mà còn có anh Đỗ Huy Sơn, hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài, Nguyễn Thanh Tùng đang công tác tại một nhà in.

Các thành viên có rất ít thời gian để gặp nhau, hoạt động chủ yếu của họ là trên mạng xã hội và một diễn đàn. Nhưng khi có bất cứ thông tin nào về mộ liệt sĩ, tất cả sẽ cùng nhau xúm tay vào, tận dụng thế mạnh của mình để đưa ra những thông tin chính xác nhất.

Ngày 25-6, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được thông tin của nhóm do anh Nguyễn Xuân Thắng, đầu mối liên lạc của nhóm gửi tới các cơ quan chức năng. Phần đầu miêu tả: “Đây là thông tin được tổng hợp từ rất nhiều anh chị (tham gia diễn đàn quân sự Việt Nam) do chủ nhiệm Nguyễn Xuân Thắng chủ trì.

Chiến binh thầm lặng tìm mộ liệt sĩ trên mạng ảnh 2
Một số hình ảnh do nhóm cung cấp cho thấy có khả năng tồn tại một khu mộ tập thể tại phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất.

Các thông tin ban đầu được nghiên cứu bởi một nhóm kín và dự định cũng sẽ chỉ chuyển cho các cơ quan chức năng khi có đầy đủ thông tin nhất để tổ chức quy tập các liệt sĩ nhưng chưa kịp chuyển thì bất ngờ phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (khu đường Cộng Hòa - Trường Chinh) có một dự án chuẩn bị xây dựng, hiện đang tiến hành đào móng…”. Thông tin này đã được chúng tôi đăng tải và sau đó là nhiều báo khác thông tin. Đến nay công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang được tiến hành. Nhiều di vật như áo, vải dù, nịt, ví da... đã được cơ quan chức năng tìm thấy trong quá trình tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ tại đây.

_________________________________

Gần ba năm trước, trong khi đi tìm thông tin về trận đánh ngày 9-4-1975 của C94 F5 tại lộ 4 Long An, tôi may mắn biết bạn Đỗ Duy Sơn (con trai cựu tù Phú Quốc Đỗ Duy San, người may mắn sống sót trong trận Phước Quả). Sơn đã cùng tôi tìm kiếm thông tin của các liệt sĩ C94 F5. Sau lần đó, qua Sơn tôi biết thêm một số thành viên khác ở diễn đàn và họ đã đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua, giúp tôi tìm chính xác nhiều liệt sĩ để đưa về quê hương.

TIỂU THÚY, chương trình
Đi tìm đồng đội, kênh truyền hình Quốc phòng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm