Choáng với số liệu bất thường trong phiếu khám của con

 Choáng với số liệu bất thường trong phiếu khám của con ảnh 1
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Hoàn Kiếm - Hà Nội)

Anh MT (37 tuổi), phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: Ngày 10-3 sau khi đi học về, con trai có đưa cho tôi các loại phiếu đăng ký khám sức khỏe gồm “phiếu đăng ký đánh giá chức năng cân bằng bàn chân” và “Phiếu đăng ký sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho học sinh nam tại các trường tiểu học trên địa bàn Hoàn Kiếm”. Con tôi nói rằng cô giáo phát cho, dặn con mang về nhà đưa cho bố mẹ điền vào phiếu.

Theo anh T., sau khi xem qua nội dung, anh nhận thấy sự bất hợp lý trong phiếu đăng ký thứ hai.

Nội dung phiếu khám này ghi, “Năm 2016, quận Hoàn Kiếm tổ chức thực hiện thí điểm Chương trình sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho trẻ trai tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục địa bàn quận. Qua kết quả thực hiện sàng lọc cho thấy số trẻ nghi ngờ cần can thiệp chuyên sâu chiếm tỉ lệ 62,9%, số trẻ thoát vị bẹn, không thấy tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ, dương vật dị dạng, lệch lỗ tiểu, hai lỗ tiểu … là những trường hợp cần can thiệp ngoại khoa.

Nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi học sinh hết sức cần thiết, giúp gia đình phát hiện sớm những bất thường và có sự can thiệp kịp thời, bảo đảm cho thế hệ tương lai có một sức khỏe tốt.

Năm 2017, Phòng khám nam khoa Andos, BV Thận Hà Nội thực hiện chương trình khám sàng lọc, kiểm tra bất thường bộ phận sinh dục bé trai tại các trường tiểu học trên địa bàn quận với các nội dung: Kiểm tra bộ phận sinh dục cho học sinh nam phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến bao quy đầu hẹp (hẹp, dính, thắt), tinh hoàn ẩn, lệch lỗ tiểu, thoát vị bẹn….”. Tổng chi phí khám ghi trong hai phiếu đăng ký này là 150.000 đồng/học sinh.

 Choáng với số liệu bất thường trong phiếu khám của con ảnh 2

Hai phiếu đăng ký phụ huynh học sinh nhận được.

Anh T. khẳng định nhiều phụ huynh trong trường nhận được phiếu khám trên và chắc chắn cũng băn khoăn, hoang mang như anh về “số trẻ nghi ngờ cần can thiệp chuyên sâu chiếm tỉ lệ 62,9%”. Bởi nếu căn cứ vào số liệu trên, thì cứ 10 trẻ thì có đến 6-7 trẻ "có vấn đề" ở bộ phận sinh dục.

Nhiều phụ huynh cũng khẳng định họ rất chú ý vấn đề này, thường xuyên tắm cho con và không thấy bất kỳ dấu hiệu gì bất thường ở trẻ.

Liên quan đến vấn đề trên, chiều 10-3, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với cô Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, để được tìm hiểu rõ nhưng cô Quỳnh từ chối trả lời: “Đây là chủ trương của quận, phát ngôn sẽ là quận… tôi không được phép, nếu muốn tìm hiểu có thể lên quận để hỏi”.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm, khẳng định: “Chúng tôi không phát hành, không liên quan đến vấn đề này, mà do bên Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi chỉ ký chương trình khám miễn phí cho học sinh thôi… Còn giấy phát, chắc bên trung tâm dân số người ta phát để xem nhu cầu đăng ký của phụ huynh như thế nào thôi”.

Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm