“Chửi cha không bằng pha tiếng”

Đó là những hành vi thiếu văn hóa.Thế nhưng thỉnh thoảng, đây đó, chúng ta vẫn gặp, vẫn nghe một số người nhại giọng một địa phương. Đặc biệt giọng nói các tỉnh miền Trung - nhất là khu Năm cũ: Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) thường được đem ra nhại giọng nhất. Đôi khi thì giọng Bắc nói ngọng, nói đớt cũng bị đem ra giễu cợt một cách thô thiển. Trên những chuyến xe khách đường dài, hành khách cũng thường bị “tra tấn” bởi những đĩa video hài khá ư là khả ố, lố bịch, hầu hết được sản xuất ở hải ngoại nhưng cũng có một số ở trong nước với nữ diễn viên hài Thúy Nga là người vẫn thường hay đóng vai những phụ nữ nhà quê nói giọng “nẫu” (Bình Định, Phú Yên) đãi bôi nhão nhẹt một cách trơ trẽn.

Chuyện nói, hát với giọng một địa phương nào thật hết sức tế nhị. Đơn cử: Nhạc sĩ Phan Bá Chức, một người Phú Yên, là tác giả ca khúc nổi tiếngThan thân trách phận viết về mối tình của một cặp vợ chồng trẻ người Phú Yên. Người vợ trong ca khúc đã phụ bạc anh chồng nghèo, đi lấy người khác, anh chồng bèn “than thân trách phận” với lời lẽ chơn chất quê mùa rất cảm động: “Thân trách thân, thân sao lận đận, mình trách mình số phận sao quá hẩm hiu, bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo nên vợ tui nó không ở nữa mà nó theo nẫu rầu!” (cô ta chê tôi nghèo không chung sống nữa mà đi theo người khác rồi). Và chính tác giả ôm đàn hát bài hát này bằng chất giọng “nẫu” của Phú Yên thì bất cứ ai nghe cũng thấy lòng rưng rưng, ứa nước mắt thương cảm người chồng nghèo nọ. Nhưng nếu ai đó cũng bắt chước hát theo giọng “nẫu” Bình Định, Phú Yên một cách gượng ép thì sẽ rất lố bịch, mà còn như xúc phạm tác giả và đồng hương của ông…

Một chuyện khác tương tự: Cách nay ít lâu, ca sĩ Ánh Tuyết, một người Quảng Nam chính cống, phát hành một album do chính chị hát bằng giọng Quảng Nam, coi như một thể nghiệm mà cũng là một cách tự trào về giọng nói quê hương. Sau khi phát hành, trên YouTube, đã có nhiều ý kiến - chủ yếu của đồng hương - khen ngợi một cách hát mới nhưng cũng có nhiều lời “còm” phê phán là Ánh Tuyết bôi bác giọng nói quê nhà. Đến nỗi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phải viết một bài trên báoThanh Niên “Ở một nơi không có xe đạp” - như một cách tự trào khác để ủng hộ Ánh Tuyết (theo bài viết của nhà văn gốc Quảng này thì ở Quảng Nam chỉ có xe “độp” chứ không có xe đạp). Nhà văn người Quảng Nam này còn kể cả chuyện ở quán Đo Đo chuyên bán món Quảng của ông, có lần một nhân viên người Quảng Nam nhờ một cô phụ việc mới người miền Nam đi lấy cho chị một cái túi nylon để đựng thức ăn cho khách; chị bảo “Đi lấy cho tau cái bô ” (cái bao) và cô nhân viên mới bèn vào toilet mang ra một cái… bô đi vệ sinh! Chuyện ông nhà văn gốc Quảng Nam kể người nghe cười ra nước mắt nhưng rất cảm thông cho trường hợp nói trên. Trong khi có một sô diễn của một ca sĩ nổi tiếng cũng gốc Quảng Nam nhưng đem chuyện cái “bô” ra giễu khá lố bịch đã làm nhiều khán thính giả gốc Quảng Nam nhăn mặt khó chịu.

Mong sao những nhà sản xuất băng đĩa sẽ không phát hành những băng đĩa tấu hài giễu cợt, nhại giọng, pha tiếng thiếu văn hóa, rẻ tiền như nói ở đầu bài. Kể cả trong đời thường cũng giảm thiểu chuyện “chửi cha không bằng pha tiếng”.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm