Chuyện Làng Than

Đi dọc theo con lộ nông thôn cặp kênh Cây Dương - nơi có nhiều gia đình làm nghề hầm than ở Phú Tân, sẽ thấy cảnh người trên bờ hối hả vận chuyển những than thành phẩm xuống ghe cho kịp con nước xuôi; người dưới bến sông tranh thủ chuyền nhanh những cần xé củi đước để chất vào lò cho kịp đầy trước Tết. Những khuôn mặt đen nhẻm, bàn tay lắm lem vì bụi than, họ vội vã nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. 

Than dẫu đen đúa, nhưng hàng chục năm nay nhờ nghề này mang đến sự no đủ cho hàng trăm  hộ dân. Ảnh: GIA TUỆ

Phất lên nhờ than

Không ai nhớ chính xác làng hầm than ở xã Phú Tân có từ năm nào, những chủ lò thâm niên lâu năm thì bảo đó là nghề của truyền thống ông cha để lại hơn 40 năm qua. Cũng từ những lò than này, họ đã nuôi con cái ăn học thành tài, cuộc sống phất lên nhờ than. Anh Lê Văn Út, chủ lò than ở ấp Phú Tân, xã Phú Tân, cho biết: “Năm 1980, hồi sống cùng cha mẹ, tôi đã làm lò than. Nguyên liệu củi tươi chủ yếu lấy từ Cà Mau và một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi hiện có 6 lò hầm than, một năm ra lò khoảng 400 tấn than thành phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước và một phần xuất khẩu. Nghề than này cũng có năm lời, năm lỗ nhưng cuộc sống ổn định, thu nhập cao hơn làm ruộng vườn”. 53 tuổi, anh Út có hơn 40 năm theo nghề than, nhà cũng có vườn cây ăn trái nhưng anh cho biết thu nhập của gia đình chủ yếu từ than. Cũng nhờ nó mà anh nuôi hai cô con gái ăn học thành tài, giờ cả hai đang là giảng viên ngành du lịch của Trường Đại học Tây Đô.  

Anh Út kể không chỉ gia đình anh có con cái thành đạt, mà nhiều người trong dòng họ anh ở xóm Kinh Xáng, ấp Phú Tân A, xã Phú Tân, nhà nào cũng có con cái học đại học. Theo anh Út, suốt 40 năm qua, lò than chỉ ngừng hoạt động tầm khoảng 5 năm. Đó là lúc cơn bão số 5 càn quét đồng bằng sông Cửu Long, nguồn củi đước, củi tạp từ tràm, bạch đàn, nhãn… bị bão tàn phá, nên không còn đủ để cung cấp cho các lò than nơi đây. Còn lại thì ngày nào lò than cũng đỏ lửa. Trung bình khoảng 1,5-2 tháng sẽ có mẻ than chín, chờ cho than nguội sẽ cho ra lò. Than đước ở đây được bán khắp cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài. “Hồi chưa có dịch COVID-19, giá than 12.000 đồng/kg, dịch bùng phát, giá than rớt còn 7.000-9.000 đồng/kg. Năm được năm mất là vậy, nhưng bù qua sớt lại cũng vẫn là nghề than cho thu nhập cao hơn nghề khác”- anh Út cho hay. 

Nhân công chuyển cửi lên bờ chuẩn bị cho  mẻ hầm than mới. Ảnh: GIA TUỆ

Bữa cơm trưa vội vã của người làng nghề để kịp dỡ mẻ than mới ra lò. Ảnh Gia Tuệ

Có 2 lò than nằm cạnh lò than của anh Út, anh Đỗ Văn Khải, cho biết: “Tôi mần nghề của ông ngoại để lại, cũng hơn năm 40 rồi. Than ở đây ra lò là có lái đến mua, lái địa phương cũng có ở thành phố xuống cũng có, họ cũng mua xuất khẩu đi Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản”. Ba lò than nhà anh Khải mỗi lò từ 20-30 tấn. “Ở đây, con cái gia đình nào học tệ quá mới cho đi làm than. Chứ tụi nhỏ học được là cha mẹ đều lo cho học tới nơi tới chốn đang hoàng. Con trai tôi năm nay mới lớp 9, học cũng giỏi. Tôi cũng hy vọng nó học hết đại học, chứ đâu thể bám lò than như cha nó. Thời tôi học hành khó khăn nên mới chọn nghề than”- anh Khải nói.   

Có 10 năm thâm niên lái than khắp miệt đồng bằng, anh Nguyễn Quốc Toàn, ở xã Phú Tân cho hay, anh lớn lên trong làng than, ban đầu cũng đi làm thuê cho các chủ lò, rồi ra làm lái than. Anh hiện có ghe 18-20 tấn, anh bảo mỗi ký than lời 500-600 đồng/kg, sống cũng được không đến đỗi. Nhưng có ghe bán huề vốn vì dội chợ, nhu cầu thị trường thấp điểm, nhất là mùa COVID-19 này. Nhưng ngược xuôi theo con nước quen rồi. Lên bờ thấy bức rứt, lại xuống ghe đi bán than. “Một ghe đầy tầm 20 tấn, tôi đi một chuyến 7-10 ngày lại về lấy tiếp. Khi đi bỏ mối ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có hôm chở lên về TP Hồ Chí Minh bán cho người ta xuất đi Nhật Bản”- anh Toàn kể. 

Trăn trở ở làng nghề

Xã Phú Tân có tổng cộng 300 hộ dân làm nghề hầm than củi với trên 500 lò, tập trung ở các ấp Phú Lễ, Phú Tân, Phú Tân A. Tính ra, mỗi lò giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 7-10 lao động. Nhiều lao động đang làm việc ở đây cho biết, lớn tuổi, không có tay nghề nên khó tìm việc ở chốn thị thành, khu công nghiệp. Chọn lựa của họ là làm việc tại những lò than của xã để có đồng ra đồng vào, vừa không phải đi xa vất vả mưu sinh. Nhất là tháng Tết, nhu cầu than trên thị trường tăng cao, việc làm cũng thường xuyên hơn. Thêm vào đó, họ là những người cùng xóm, nên cũng nương nhau trong làm việc. Công việc ra than chín là của chị em phụ nữ, khuân vác xuống ghe cho thương lái là của cánh đàn ông. Trung bình một ngày, một lao động làm việc ở lò than có thể kiếm nữ khoảng 200.000-400.000 đồng/ngày, tùy việc nặng nhẹ. 

Công việc ra than chín là của chị em phụ nữ. Ảnh: Gia Tuệ

Những lao động làm ở lò hầm than Phú Tân họ chia nhau từng tốp làm việc, phối hợp ăn ý, nhịp nhàng. Anh Huỳnh Văn Lợi, một nhân công làm thuê ở đây, nói: “Các chị phụ nữ chất củi lên xe, cánh đàn ông tụi tui đẩy củi vào lò. Ra than chín cũng vậy. Khi nào mệt thì xả hơi, trò chuyện. Tùy theo lò công suất lớn nhỏ, tui tui lãnh công 6-7 triệu đồng/lò”. Còn chị Lê Thị Thanh, ấp Phú Tân cũng có thâm niên gắn bó với nghề than 7 năm, cho biết: “Một ngày tiền công 200-300 ngàn đồng. Tôi 44 tuổi rồi cũng khó đi tìm việc, nhà cũng có ít vườn tược, cây trồng không có trái thì chỉ đi làm mướn sống. Chứ biết sao”. 

Vừa chụm vội khúc củi tươi vào miệng lò, cô Huỳnh Thị Tiếu, nói: “Hồi còn trẻ, tôi cùng chồng vác củi chất vào lò, ra than. Khoảng 3 năm nay, lớn tuổi sức yếu nên không còn làm việc nặng, tôi chuyển qua công việc chụm lò. Nhẹ nhàng hơn, nhưng chịu cực ban đêm để canh lửa lò, hết củi phải mồi liên tục. Được cái, việc quanh năm, lò này chính thì mình sang lò khác chụm tiếp”. Nhà cô Tiếu ở cụm dân cư vượt lũ ở xã Phú Tân. Không có ruộng vườn, nên cả gia đình cô sống bằng việc làm thuê cho các chủ lò than. 

Trên thực tế, nghề hầm than đã giúp nhiều gia đình khấm khá lên nhờ than, nhiều lao động địa phương không phải đi xa tìm việc, song môi trường bị ô nhiễm do bụi than và ảnh hưởng ít nhiều đến sức sống của những vườn cây vườn cây ăn trái nơi đây. Xã Phú Tân được quy hoạch là vùng trồng cây ăn trái, để phát triển bền vững, chính quyền địa phương nhiều năm qua đã vận động những chủ lò than đổi mới công nghệ, chuyển nghề để giảm bớt ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cuộc chuyển đổi nghề nơi đây rất khó, do đa phần người dân đã quen với nhịp sống ở lò than mấy chục năm nay. 

Bà Lê Thị Thùy Như, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Đến thời điểm này, tất cả các lò hầm than ở xã Phú Tân chưa có hệ thống xử lý khí thải. Năm 2019-2020 huyện Châu Thành có phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ làm thí điểm hệ thống xử lý khói bụi tại một hộ dân. Trên cơ sở kết quả thí điểm này, huyện sẽ xem xét nhân rộng mô hình này ra các lò khác. Tuy nhiên, các hộ dân làm nghề hầm than củi đã lâu và là nghề chính của họ, nên việc yêu cầu chuyển đổi nghề rất khó khăn”. Nhiều năm vận động chuyển đổi nghề, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, đây là trăn trở của làng nghề và của cả chính quyền địa phương. 

Trong khi đó, ông Trần Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh hậu giang, cho biết: “Hoạt động của làng than ít nhiều ảnh hưởng đến cây trồng, sức khỏe của người dân. Nhưng đây là nghề truyền thống, truyền qua nhiều thế hệ và làng nghề thời gian qua giúp hàng trăm hộ dân và rất nhiều lao động ở địa phương có cuộc sống ổn định, có hộ còn mua được đất, cất nhà mới”. 

Theo ông Luân, chính quyền xã cũng mong các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp công nghệ để hỗ trợ những chủ lò than nơi đây cải tiến quy trình hầm than, nhằm đảm bảo môi trường và để làng nghề phát triển bền vững. “Chứ không có làng nghề này, bà con lại bươm chải xa xứ làm ăn” - ông Luân trăn trở. 

Nguyễn Quốc Toàn, lớn lên trong làng than, giờ làm lái than, anh nói nghề cực, mỗi ký than lời 500-600 đồng/kg, sống cũng được không đến đỗi. Ảnh: Gia Tuệ

Chia tay làng than Phú Tân khi những tia nắng cuối Chạp đang nhảy nhót trên những nụ mai vàng  đang bung nở báo hiệu Tết đến Xuân về, bà con làng nghề than Phú Tân vẫn hối hả chuyền than xuống bến để kịp ghe bạn hàng nhổ neo ngược xuôi phục vụ Tết. Ra khỏi làng than một đỗi đường, nhưng những trăn trở của ông chủ tịch xã lúc gặp hồi trưa cứ khiến tôi nghĩ mãi. Và hơn cả là câu nói của cô Tiếu khi nói về hoàn cảnh của mình “Ở đây không mần nghề này thì lấy gì ăn”. Lòng mong sao với ứng dụng khoa học kỹ thuật, của giải pháp công nghệ bảo đảm môi trường khi hầm than sẽ áp dụng để nghề than vừa đảm bảo các tiêu chí môi trường, vừa giữ được làng nghề truyền thống bởi nhu cầu xã hội vẫn đang cần những sản phẩm của làng than và từ những cục than đen đúa ấy đã đem lại  cuộc sống ấm no, sự thành đạt cho bao gia đình, bao thế hệ./.

 

Được biết, tỉnh Hậu Giang đã  thông qua đề cương “Đề án kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi trên địa bàn tỉnh”  và mới đây vào đầu tháng 1-2021, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn chấp thuận cho Sở TN&MT được gia hạn thời gian thực hiện đề án này đến quý II-2021. 

Theo tìm hiểu, đề án nói trên nhằm tập trung đánh giá hoạt động của các lò than và hiện trạng môi trường, trong đó thống kê được các khí thải phát ra từng giai đoạn đốt và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, để có khuyến cáo cho quá trình thực hiện tới. Về giải pháp bao gồm 5 nhóm là tuyên truyền, cơ chế chính sách để chuyển đổi nghề, di dời lò than vào nơi sản xuất tập trung, cơ chế về công nghệ xử lý và giải pháp nguồn lực để chuyển đổi. Việc xây dựng đề án được phân ra nhiệm vụ cụ thể cho từng năm từ năm 2020-2025, trong đó năm 2021 tập trung tuyên truyền, vận động chuyển đổi nghề nghiệp, giảm quy mô, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, xây lò mới áp dụng công nghệ tiên tiến.

Phóng sự: 'Lá chắn thép' biên phòng, nơi tuyến đầu chống dịch
Phóng sự: 'Lá chắn thép' biên phòng, nơi tuyến đầu chống dịch
(PLO)- Ông bà đang ốm nặng, đám hỏi đã ấn định ngày, kỳ nghỉ phép đang còn dang dở… nhưng Trung úy Huỳnh Nguyễn Thế Việt đành phải gác lại để cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chống dịch nơi tuyến đầu và bảo vệ vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Phóng sự: Thăm bộ đội biên phòng biên giới Tây Nam mùa dịch
Phóng sự: Thăm bộ đội biên phòng biên giới Tây Nam mùa dịch
(PLO)- Với tinh thần chống dịch như chống giặc, các chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Long An luôn kiên trì bám chặt các điểm vùng heo hút, hẻo lánh trong những lán, trại tạm bợ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hãy cùng lắng nghe tâm sự của các anh, những mong mỏi, tâm tư, lời dặn dò của người lính nơi tuyến đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm