Chuyện những bà mẹ siêu nhân làm báo

Ai đã làm mẹ ắt hẳn sẽ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ chuyện bỡ ngỡ khi mang bầu, đau đớn vượt cạn, hy vọng con được thông minh… đến “cân não” khi đặt tên con, vật vã khi con bệnh, hạnh phúc vỡ òa khi con chập chững những bước đầu tiên... Những mẩu chuyện “kinh điển” như vậy của các bà mẹ được hai tác giả là phóng viên Nguyễn Thắm (29 tuổi, báo Thiếu Niên Tiền Phong) và Cẩm Viên (28 tuổi, báo Mực Tím) chia sẻ trong cuốn sách Siêu nhân mẹ không cô đơn sắp ra mắt ngày 21-6 tới.

Bụng vượt mặt vẫn chạy xe đi lấy tin

Sách Siêu nhân mẹ không cô đơn gồm bốn chương: Chồng già - vợ trẻ chưa hẳn là tiên, Những nhà bầu bí học, Nô tì mã số 24/7/365, Siêu nhân mẹ rối hơn canh hẹ. Bằng giọng văn dí dỏm, sinh động, tranh minh họa nhún nhảy của họa sĩ trẻ Sứa Con Lon Ton, những câu chuyện làm mẹ sinh động của hai tác giả khiến bất cứ bà mẹ nào cũng thấy mình trong đó. Đi kèm những mẩu chuyện như đi sinh, ăn gì, uống gì, đẻ thường hay đẻ mổ, lần đầu con bệnh… là những tư vấn của BS nhi Trương Hữu Khanh và BS sản khoa Phạm Ngọc Bảo Trân... giúp các bà mẹ yên tâm chăm sóc con hơn.

Phóng viên Cẩm Viên chia sẻ: Cuốn sách ra đời nhờ sự gợi ý của một nhà báo đàn chị là Đào Trung Uyên, đang du học tại Đức, khi cùng quen biết và chứng kiến sự vất vả của những bà mẹ trẻ làm báo.

Mới 28 tuổi nhưng Cẩm Viên đã có hai con, bé lớn gần ba tuổi, bé nhỏ một tuổi. Mang bầu khi tuổi còn khá trẻ, Viên thấu hiểu những vất vả, bỡ ngỡ của bà mẹ trẻ, nhất là khi bụng bầu vượt mặt vẫn chạy xe đi lấy tin, bài đến ngày sinh. Rồi người mẹ trẻ phân vân giữa sinh thường và sinh mổ, khoảnh khắc dắt con đến cổng nhà trẻ rồi không đành lòng dắt con về nhà... Chuyện chưa hết khi bé nhỏ ra đời lúc bé lớn chưa đầy hai tuổi, thấy em khóc ngo ngoe thì đá mông em vì chưa hiểu em từ hành tinh nào tới. Con ăn vạ mọi lúc mọi nơi, mẹ bẻ miếng bánh bắt phải gắn lại như cũ... và cách giải quyết của cha mẹ.

Tác giả Cẩm Viên (trái) và Nguyễn Thắm với cuốn sách ấp ủ Siêu nhân mẹ không cô đơn. Ảnh: NT

Cẩm Viên cho rằng làm ngành gì, không nhất thiết làm báo thì mới trải qua những giai đoạn như vậy, có điều nên nhìn vấn đề tương đối tích cực thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn. “Sách là những câu chuyện trải nghiệm mà chúng mình vượt qua rồi, nay muốn chia sẻ cho những người làm mẹ khác hoặc những người sắp làm mẹ tham khảo để tự tin bước vào đời” - Cẩm Viên nói.

“Con ở nhà với ba, mẹ đi Trường Sa nhé!”

Về phần Nguyễn Thắm, tác giả hiện có con gần năm tuổi này chia sẻ: “Khi nhận lời viết sách, hai chúng tôi cũng rất lo lắng vì xưa nay thường người nổi tiếng mới ra sách. Tuy nhiên, khi được chị Trung Uyên động viên cứ chia sẻ những câu chuyện thật sẽ ít nhiều có ích, dễ áp dụng cho gia đình trẻ thì mình mới mạnh dạn bắt tay viết”.

Siêu nhân mẹ không cô đơn do Saigon Books, NXB Văn hóa-Văn nghệ phát hành nhân dịp ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 và ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Sách phát hành tại nhà sách Saigon Books, 97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM và các nhà sách trên toàn quốc. 

Thường xuyên đi công tác xa nhà do yêu cầu công việc, gần đây nhất là chuyến đi Trường Sa 10 ngày, Thắm nhớ lần đầu đi theo chuyến hành trình “Yêu Tổ quốc Việt Nam” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức khi còn làm báo Khăn Quàng Đỏ, lúc con mới ba tuổi, là chuyến đi dài đầu tiên của mình. Rất phân vân nhưng nghe ông xã ủng hộ: “Em cứ đi đi, con ba tuổi lớn rồi, đợi chừng nào nữa”, Thắm mới mạnh dạn xách ba lô lên và đi. Biết hành trình vất vả, thư ký tòa soạn phụ trách bài vở cũng liên tục hỏi thăm có cần lùi bài vở hay không.

Mẹ làm báo dù lịch trình gấp gáp nhưng vẫn cố gắng hoàn thành lời hứa với con. Thắm kể trước chuyến đi công tác Thái Lan nhận học bổng báo chí thường niên khu vực Đông Nam Á SEAPA, bài vở báo thường và báo xuân, bài thuyết trình dồn dập deadline, Thắm phải tranh thủ viết và gõ bài khi chờ lên máy bay. Nhớ lời hứa tìm mua quả trứng bất ngờ cho con, Thắm lùng sục vài cửa hàng tìm khiến ai trong đoàn cũng thắc mắc “trứng này về Việt Nam mua cũng được mà”, thế nhưng không ai hiểu lý do. Thắm muốn giữ lời hứa với con vì khi về lại Việt Nam vào đêm khuya sẽ không cửa hàng nào mở cửa cho Thắm kịp đặt quả trứng ở đầu giường con, sáng ra con nhìn thấy nhảy cẫng lên.

Hoặc cũng có lúc đang đi làm thông tin thời sự, bà nội gọi cầu cứu: “Sao con bé không chịu bú bình mà khóc quá”. Không hiếm lần Thắm phải xin về nhà mới viết bài gửi, ai dè về đến nhà thì con gái đã ngủ ngon lành. Bìa sách bà mẹ đang chạy xe gió bạt tóc tai về cho con bú chính là hình ảnh của Nguyễn Thắm.

“Sách gửi gắm thông điệp “siêu nhân mẹ không cô đơn”, vì khi làm mẹ ai cũng là siêu nhân hết. Mẹ hiện đại lo gia đình, công việc xã hội, cơ quan nhưng mọi người từ gia đình chồng, bạn bè, đồng nghiệp và cả con cũng phải đồng hành cùng mẹ để mẹ ấm áp tiếp tục làm sứ mệnh siêu nhân. Khi mẹ cảm thấy cô đơn phải chia sẻ, kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người chứ không nên ôm cảm giác cô đơn, stress. Có rất nhiều người sẵn sàng hỗ trợ mẹ” - Thắm chia sẻ.

Cuốn sách vui đến chảy nước mắt!

Siêu nhân mẹ không cô đơn quá hấp dẫn, vui chảy nước mắt các bạn ạ! Tôi đã say sưa đọc và mọi cảm xúc xưa ùa về theo từng dòng chữ dí dỏm, đáng yêu mà chân thực vô cùng của hai nữ nhà báo, cũng là hai “siêu nhân mẹ”. Và tôi thấy mình cũng từng là siêu nhân như thế.

Một cuốn sách gói bao trải nghiệm từ chuyện yêu, cưới, bầu, đẻ, chăm con ăn, ngủ... hầm bà lằng xoay quanh đứa con. Đọc sách, bạn sẽ còn tìm thấy nhiều kinh nghiệm nuôi con, vun vén hôn nhân của hai nhà báo và những kiến thức hữu ích, khoa học về mang thai, chăm sóc bé do hai bác sĩ tư vấn. Hãy đọc, khóc, cười cùng hai tác giả và rồi bạn sẽ tràn đầy năng lượng để vững bước hơn trên hành trình làm cha mẹ vô cùng trân quý của mình.

Tiến sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm