Cô hiệu trưởng khiến học trò 'phát cuồng'

Cô hiệu trưởng khiến học trò 'phát cuồng'

(PLO)- Người mà tôi muốn nhắc đến ở trên là bà Lý Thị Mỹ Phượng, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Trãi, quận 12. 

Có một vị hiệu trưởng thường chào hỏi với học trò. Vị hiệu trưởng ấy cũng thường xuyên vui đùa, trò chuyện quan tâm tới hoàn cảnh từng em thậm chí cùng nhảy với học trò trong những sự kiện văn nghệ nếu trò muốn. Chính điều đó, khiến cô trở thành “thần tượng” của tụi nhỏ.

Người mà tôi muốn nhắc đến ở trên là bà Lý Thị Mỹ Phượng, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Trãi, quận 12. Mới về trường được 4 năm giữ chức vụ quản lý nhưng với tâm huyết của mình, bà đã đem đến “màu áo mới’ cho ngôi trường. Tất cả những hoạt động bà làm đều hướng về tụi nhỏ. Chính vì thế, bà luôn nhận được tình cảm yêu quý của phụ huynh cũng như học sinh.

Nhắc đến cô hiệu trưởng, em Nguyễn Thị Kiều Trang lớp 5/2 tươi cười bảo: “Cô Phượng rất dễ thương và vui tính. Cô vẫn hay đón tụi con ở trước cổng trường. Khi con cúi đầu chào cô, cô mỉm cười gật đầu và nói “chào các con”".

"Giờ chào cờ, cô thường kể chuyện vui, cô hay dặn dò chúng con những điều rất nhỏ như các con không được đi ra ngoài đường, không được ăn kẹo trước cổng trường. Đặc biệt, cô thường nựng má học trò. Hôm nào không gặp cô, không được cô nựng má thì con lại thấy buồn”, em Trang chia sẻ thêm.

Tương tự, em Dương Thị Anh Thy, học sinh lớp 4 của trường tâm sự: “Chúng con không cảm thấy sợ khi gặp cô hiệu trưởng. Bởi cô rất thân thiện. Mỗi khi ra chơi, cô toàn gọi tụi con tới nói chuyện, hỏi chuyện học, chuyện bạn bè. Đặc biệt, cô hiệu trưởng nhảy rất đẹp. Trong những dịp văn nghệ, khi tụi con ngỏ ý muốn cô cùng nhảy, cô đều tham gia rất nhiệt tình luôn. Cái cảm giác được nhảy cùng với cô trên sân khấu thật là tuyệt. Nhiều bạn trường khác ghen tị với con vì điều đó đó cô”.

Em Ngô Trần Mỹ Kim, học sinh lớp 2 tiếp lời: “Cô không chỉ đẹp, nhảy giỏi mà còn yêu thương học trò nữa. Mỗi sáng mai đi học, con đều háo hứng đến trường. Vì con được nghe giọng nói ấm áp của cô, nhìn thấy nụ cười và ánh mắt trìu mến cô dành cho tụi con. Đặc biệt con được cô  nựng má và ôm hôn nữa. Tụi con đứa nào cũng thích được cô nựng như thế”.

“Cô phượng là thần tượng của tụi nhỏ đó”, chị Trương Thị Hồng Nghi, phụ huynh của trường cho biết. “Con tôi mỗi khi đi học về nó toàn khoe là được cô hiệu trưởng ôm và nựng má. Điều này, tôi chưa bao giờ thấy khi con học ở những trường khác”, chị Nghi nói.

Chị Nghi cho biết thêm, cô Phượng rất năng động và hòa đồng với mọi người. Những hoạt động của cô làm đều vì học sinh. Nhiều đứa học trò tại trường thân quen với cô đến mức chuyện gì cũng chạy tới báo cô.

“Có một học trò bị mất 5.000 đồng cũng chạy tới khóc và nói “cô ơi con bị mất tiền”. Khi đó, cô Phượng ân cần, hỏi thăm. Thậm chí, cô còn móc ví cho trò 5.000 đồng. Tôi đứng cạnh bên bảo “cô không sợ học trò nó lừa à. Nhiều đứa cũng ma lanh lắm đó”. Cô nói, không có đâu chị, học trò ở đây ngoan lắm. Biết đâu con khát nước lại không có tiền mua. Cô Phượng luôn là người như thế”, chị Nghi bày tỏ.
Chị Nghi cũng cho hay, đối với học trò cô luôn thân thiện, tìm hiểu hoàn cảnh từng em để có sự hỗ trợ kịp thời. Còn đối với phụ huynh, cô cũng thường xuyên trao đổi công việc của trường và luôn có sự phản hồi kịp thời khi có góp ý. Tất cả những hoạt động, chương trình của trường làm cô đều hỏi ý kiến phụ huỳnh và đều vì học sinh.

“Như lễ hội xuân, năm nào cô cũng tổ chức. Mỗi năm mỗi khác nhưng cô đều làm vì muốn học trò được trải nghiệm không khí xuân như ở quận 1. Bởi cô biết, học trò ở đây ở xa, bố mẹ lại toàn là dân lao động nên không có điều kiện đưa con đi xem”, chị Nghi nói.

Cô Trần Thị Mộng Điệp, giáo viên của trường mắt đỏ hoe, giọng rưng rưng đầy xúc động khi nhắc đến cô Phượng. “Là một người hiệu trưởng, cô Phượng làm việc bằng cái tâm của mình. Cô lo cho đời sống của mọi người, chăm lo cho từng hoạt động của học sinh, giáo viên. Tất cả những việc cô làm đều xuất phát từ tấm lòng của vị hiệu trường”, cô Điệp bày tỏ.

Cô Điệp cho hay, từ khi cô về, hoạt động của trường đi lên hẳn. Những ngày lễ, tết từ 20-11, 8-3, hội xuân, ngày học sinh ra trường, cô đều tổ chức với mong muốn đem đến niềm vui cho mọi người.

“Trường có đến hơn 100 nhân sự cả giáo viên và nhân viên. Nhưng cô đã tạo nên một khối đoàn kết trong trường. Bất cứ hoạt động gì, cô cũng đều tham gia và là người đi đầu. Chính cô là người đã khởi xướng ngày chủ nhật xanh. Dù vào ngày nghỉ nhưng tất cả mọi người đều tham gia rất đầy đủ và làm việc hăng say, không mệt mỏi. Điều đó có được là do cái tài của người lãnh đạo. Ngày xưa trường này lụp xụp nhưng khi cô về, trường đã được tu sửa khang trang, sạch đẹp, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại", cô Điệp nói.

“Cô luôn phát huy dân chủ trong trường học, điều đó thể hiện trong tất cả các cuộc họp cũng như hoạt động trường. Những hoạt động của trường mỗi khi tổ chức đều có sự góp ý của mọi người. Đặc biệt, cô là người luôn quan tâm đến việc tạo nguồn từ giáo viên cho đến học sinh. Đối với các giáo viên trẻ, cô đều tạo điều kiện phát triển. Điều đó thể hiện qua việc, chúng tôi được cử đi học các khóa nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ lẫn nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng. Hiếm có hiệu trưởng nào lại quan tâm đến vấn đề này như thế”, cô Điệp chia sẻ thêm.

Cô Điệp cũng cho hay, đối với giáo viên cô luôn quan tâm, còn đối với học trò cô yêu thương hết mực. “Cô ân cần, thân thiện, hay chơi đùa với học trò. Mặt khác, học trò ở đây đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Biết điều đó, nên chính cô đã vận động phụ huynh cũng như mạnh thường quân bên ngoài thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ để các con không phải bỏ học giữa chừng như tặng áo đến trường, hay giúp bạn có tết sum vầy….

Chia sẻ về trường, bà Mỹ Phượng cho biết, trường có tới 3.500 học sinh, phụ huynh đa phần là dân lao động nhiều, cuộc sống khá khó khăn. Vì thế, trẻ con ở đây tự lập nhiều và có một đặc điểm các em rất ngoan dù phải chịu nhiều thiệt thòi.

Một nếp của học sinh ở đây là các con nhặt được của rơi là đem nộp cô để trả lại. Dù gia đình khó khăn nhưng các em không tham, đó là nề nếp mà giáo viên nhà trường đã rèn cho các em.

Cũng theo bà Mỹ Phượng, do gia đình học sinh ở đây không có điều kiện như ở những nơi khác nên nhà trường đã vận động mọi người cùng hỗ trợ lẫn nhau. Phụ huynh trong một lớp cùng hỗ trợ nhau như gia đình có điều kiện sẽ đóng bảo hiểm y tế cho gia đình khó khăn hơn. Bên cạnh đó, trường còn tìm kiếm nhiều học bổng vượt khó đến từ các mạnh thường quân.

“Giáo viên ở đây luôn đi sâu, đi sát vào đời sống của học trò. Em nào có điều kiện khó khăn đều kịp thời can thiệp. Cho nên, không có trò nào phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình. Chỉ có những học trò phải nghỉ học do chạy trốn cùng cha mẹ do vỡ nợ. Những trường hợp đó chúng tôi rất đau lòng nhưng cũng không biết phải làm thế nào ”, bà Phượng nói.

Cũng theo bà Phượng, đặc điểm của trường là học sinh đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Chính điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các em.

“Có những em rất ít nói và hầu như em không bao giờ cười. Điển hình như có một bé có gia đình đông anh em. Thế nhưng mẹ bị bệnh không làm được gì, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều đè nặng trên đôi vai của người bố. Vì thế, em cũng ít được quan tâm, chăm sóc. Biết được hoàn cảnh của em, tôi cố gắng tìm kiếm học bổng. Và cuối cùng, em cũng nhận được một suất học bổng đến từ một vị mạnh thường quân. Khi đó, tôi có bảo em hãy cười một cái để cô chụp tấm hình kỷ niệm nhưng bé bảo “Con không biết cười”. Nghe câu nói của bé, tôi sững người. Kể từ đó, tôi luôn dành sự quan tâm tới bé. Tôi vẫn thường xuyên tới gia đình bé thăm hỏi, còn vận động một số người bạn sửa nhà, mua đồ dùng cho bé nữa. Tôi chỉ mong, bé sẽ có thể tươi cười hồn nhiên như lứa tuổi của em”, bà Phượng trăn trở.

Chia sẻ về việc hay nựng má học trò, bà Phượng  bảo: “Tôi luôn nghĩ đối xử với trò như thế nào sẽ nhận được như thế. Tôi thấy con trẻ bây giờ cần được yêu thương và ôm hôn nhiều hơn. Có lẽ vì ba mẹ các em bận đi làm nên đã không đáp ứng nhu cầu của con. Vì thế tôi hay ôm hôn và vuốt ve mái tóc hay lau mồ hôi cho các con. Và sau mỗi lần như thế, tôi đều thấy các con rất thích thú. Khi có thời gian, tôi hay đón các con ở công trường, tôi sẽ chào và nựng gò má mỗi em một chút. Tôi để ý rằng đứa tiếp theo sẽ không đi ngay mà đứng lại chờ tôi để được nựng, có đứa còn ngước mặt lên chờ sẵn cô”.

Cũng theo bà Phượng, các trò ở đây không chỉ học văn hóa mà tôi còn tăng cường cho các con học kỹ năng mềm. Bởi đây là những điều rất quan trọng đối với cuộc sống của con sau này. Các con được dạy kỹ năng phòng chống xâm hại, bảo đảm an toàn bản thân ở trường, nhà. Khi dạy các con qua những kỹ năng mềm, các con sẽ phát triển hơn rất nhiều từ cách cư xử, các hành vi đúng, sai, các em sẽ phân biệt được kẻ xấu.

“Tôi còn dạy học trò sống là phải chia sẻ và có nhiều cách để tôi dạy các bé điều này. Như tôi khuyến khích các bé tham gia phong trào kế hoạch nhỏ hay nụ cuoi hồng, cho các bé giao lưu với những bé bị chất độc màu da cam…Từng việc nhỏ, từng chương trình nhỏ, cứ từ từ như vậy nhân cách hình thành tốt hơn”, bà Phượng nói.

Đang trò chuyện, một cậu học trò, mắt đỏ hoe, khóc thút thít chạy lại cô hiệu trưởng. Mếu máo nói con bị chảy máu ở tay. Cô hiệu trưởng ân cần hỏi: "Vì sao lại thế?" "Con bị té", cậu bé đáp. Cô cúi xuống thổi, dùng tay xoa nhẹ nhàng. Cậu bé hết khóc và nhìn cô chăm chú. Sau đó, cô nói thôi con đi vào lớp nhé, cô đang có chút việc, lát cô ghé nha. Cậu bé nở nụ cười đi vào lớp.

Bản thân tôi rất ngạc nhiên trước hành động của một vị hiệu trưởng đối với học trò. Khi đó, bà Phượng chỉ bảo: “Đây là điều thường xuyên diễn ra tại trường. Được học trò tin yêu, tâm sự là một niềm hạnh phúc đối với một nhà làm quản lý. Và muốn làm được điều đó rất đơn giản. Chỉ cần bạn yêu trẻ thôi”.

Trước câu hỏi làm sao để phụ huynh tin yêu, bà Phượng nói: “Dù mình làm hoạt động gì cũng cần phải cho phụ huynh thấy được sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của con trẻ. Như vậy, phụ huynh sẽ ủng hộ không chỉ là vật chất mà còn chia sẻ về hoạt động. Đặc biệt, tôi luôn có tinh thần cầu thị và luôn lắng nghe các ý kiến của phụ huynh và luôn phản hồi kịp thời. ”

Đọc thêm