Có người đã không về nhà vào tối qua...

Người đàn bà ngồi trong chiếc xe BMW, tông hàng loạt xe máy, làm chết một người ngay dưới bánh xe; những người khác thì phải nhập viện với vết thương nặng.

Họ đang dừng đèn đỏ, không ai trong số họ kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra vào giây phút đó... Không ai trong số họ ngờ rằng mình là nạn nhân của một người đang trong cơn say xỉn.

Người đàn bà gây tai nạn vào tối qua, đơn giản là đã xỉn, với nồng độ cồn 0,94 mg/lít khí thở. Con số đó gấp gần bốn lần so với mức quy định (người điều khiển giao thông có nồng độ cồn vượt quá 0,25 mg/lít khí thở là vi phạm).

Hiện trường vụ tai nạn vào tối qua. Cô gái đó đã không thể trở về nhà... 

Một buổi tối hơn 20 năm về trước, tôi ngồi đến tối khuya để chờ ba mang chiếc bánh sinh nhật về, cùng tôi và mẹ đốt nến đón mừng ngày tôi tròn năm tuổi.

Nhưng đêm hôm đó đã không trọn vẹn. Ba trở về nhà, không có chiếc bánh nào cả, trong người có hơi men. Đến sáng tỉnh dậy, ba nói xin lỗi tôi vì chiếc bánh đó ba đã làm rơi trên đường, khi người đã có men và không đủ tỉnh táo để nhận ra phía trước có ổ gà. Mẹ tôi lúc đó chỉ thở hắt ra, thầm cảm ơn trời vì đã không có chuyện gì xảy đến với ba.

Công việc của ba lúc đó buộc phải tiếp khách hằng ngày trên bàn nhậu. Tôi còn nhớ rõ, cứ đến tầm 6 giờ tối mà chưa thấy ba về là mẹ lại hồi hộp, kéo ghế ra trước hiên nhà ngồi ngóng. Cho đến cái ngày ba làm rơi chiếc bánh sinh nhật dành cho tôi, mẹ đã nói thẳng với ba rằng: “Nếu anh còn trở về nhà trên chiếc xe trong hơi men vào mỗi tối, em sẽ không thể mừng vui mà mở cửa. Nếu đó là vì công việc, anh hãy chọn việc khác làm để mẹ con em an tâm”.

Sau lần đó, ba tôi hiểu rằng ông không được phép lái xe khi đã say mèm, ông cần có trách nhiệm không chỉ với bản thân, gia đình mà còn cả những con người đang di chuyển trên đường ngoài kia.

Người bạn của tôi vừa bị tai nạn cách đây vài tháng, sau một cuộc nhậu với đồng nghiệp, tối đó bạn đâm thẳng vào cột điện trên đường về. Người còn những vết sẹo sau tai nạn, bạn đã nói với tôi rằng dù sau này có tiệc ở công ty cũng chỉ uống một chai, lỡ có quá chén thì gọi Grab về. “Khi chếnh choáng hơi men, chả nhìn được gì ở phía trước, mọi thứ cứ lơ mơ rồi đâm thẳng vào trụ điện khi nào không hay” - bạn nhớ lại.

Cận Tết năm ngoái, bác trai tôi cũng phải nhập viện vì té xe, sau khi dự đám cưới của một người quen. May mắn là bác đã không đụng vào người nào khác. Từ bé đến lớn, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn ngay trên con đường trước nhà mình, cũng chỉ vì bia rượu.

Bản thân tôi cũng là người uống, tôi hiểu được trên bàn nhậu có thể xảy ra những tình huống như thế nào. Nhưng tôi chỉ không hiểu người ta ép nhau ráng thêm một hay hai ly bia để làm gì. Và buồn cười là khi đối phương từ chối, họ xúm vào chê bai, cười nhạo rằng người đó sợ bạn gái hay sợ vợ hoặc là “đô mày yếu vầy làm ăn được gì”... Lũ bạn của tôi từ thời cấp II cũng từng ép nhau như thế nhưng giờ chúng lại bảo: “Uống được nhiêu uống, lát còn tỉnh táo để về nhà an toàn”.

Tôi biết có những người cảm thấy mình thật “ngầu đời” vì sau cuộc nhậu còn có thể leo lên xe, phóng vun vút trên những con đường. Nhưng ngầu để làm gì, tự tin thái quá làm chi để rồi gây ra khổ đau cho mình và cả cho người khác!

Con người ta thường dùng hai chữ “dũng cảm” cho hành động nào đó to lớn, cứu người, xả thân vì nghĩa chẳng hạn. Nhưng tôi lại nghĩ, thực ra việc dám thừa nhận mình say xỉn thôi cũng đã dũng cảm lắm rồi. Như thằng bạn thân của tôi, biết mình chẳng uống được nhiều nên lần nào họp lớp cũng uống vừa đủ, dù bạn bè có nói khích. Và đã uống bia rượu là nhất định không tự lái xe nữa. 

Bạn dạy tôi một điều rằng ai cũng có thể say xỉn nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc những người say được phép ào ra đường trong hơi men, không làm chủ được mình và có thể cướp đi sự sống của người khác. Chúng ta được phép vui vẻ cùng bè bạn, cùng đồng nghiệp nhưng cũng cần đủ tự trọng và trách nhiệm để nhận rõ giới hạn của bản thân mình.

Tối qua, có cô gái đã không trở về nhà, chỉ vì ai đó say xỉn mà vẫn cầm vô lăng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm