40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam

‘Cứ thế mà đeo ba lô, lên xe rồi đi’

Một buổi sáng tháng 1-2019, trong căn nhà nhỏ của mình, ông Nguyễn Công Vẻ cùng với người bạn của mình là ông Trần Thanh Kim đã bật sẵn tivi để nghe trực tiếp chương trình kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 7-1-2019). Hai ông quen biết nhau khi cùng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam rồi trở nên thân thiết từ đó.

Hiên ngang khí thế chiến đấu

Ông Nguyễn Công Vẻ (nguyên Thiếu úy chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7) nói rằng những tưởng sau  ngày chiến thắng 30-4-1975, nhân dân ta đã được sống trong hòa bình. Nhưng lúc đó tập đoàn Pol Pot lại gây họa diệt chủng ở Campuchia và tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta.

“Lúc nghe bọn chúng ra tay giết hại cả người già, trẻ em là mình căm thù ghê lắm vì chúng quá tàn bạo. Khi đó chúng tôi được lệnh của chỉ huy là cho đánh, chúng từng là bạn bè nhưng nay thì không. Bạn bè gì mà lại ra tay sát hại chính đồng bào của mình. Thật không đáng tí nào” - ông Vẻ nói.

Ông Trần Thanh Kim (69 tuổi, vốn là trợ lý chính trị của Sư đoàn 407 ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung thuộc Quân khu 7) kể rằng ngay khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, ông Kim về Trung đoàn 115 của Quân khu 7, nhận nhiệm vụ sang giải phóng Campuchia. “Lúc nhận nhiệm vụ phải lên đường, bản thân tôi không bận tâm gì nhiều. Chúng tôi nhận thức rõ đây là bọn chúng tàn phá nước mình và nước bạn yêu cầu được giúp đỡ thì mình cứ đi thôi. Cứ thế mà đeo ba lô, lên xe rồi đi” - ông Kim bồi hồi nhớ lại.

Sau chiến tranh, ông Kim cũng như nhiều anh em khác đi làm công tác thu gom hài cốt. Đất, cát sau hai mùa mưa nắng khiến công việc tìm kiếm càng khó khăn. Mùa khô đến, cánh đồng cạn nước, người ta vớt đám lục bình lên thì thấy xác người chất đống, có cả những bộ xương khô. “Lúc đó tôi sốc lắm! Có nơi thì xác người nằm vắt vẻo lên nhau, sao mà không đau lòng cho được” - nước mắt ông Kim không ngừng chảy.

Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. Nguồn: TTXVN

Nhớ mãi người dân Campuchia...

Suốt thời gian tham gia chiến đấu trên đất bạn, điều những người lính tình nguyện Việt Nam nhớ nhiều nhất có lẽ là tình cảm của người dân Campuchia. Họ coi bộ đội Việt Nam như chính con cái của mình và chăm lo tận tình.

“Còn nhớ rõ một lần khi tôi bị cảm rồi sốt rét, những bà má Campuchia cạo gió cho tôi, rồi rang gạo, nấu cháo cho ăn. Họ chăm sóc, hỏi han rồi lo cho mình đến từng cái áo. Ở đất Campuchia, chính nhờ bàn tay của những bà má mà chúng tôi cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực để đánh trận” - ông Kim nhắc về người dân Campuchia.

Khi Campuchia đã hoàn toàn giải phóng, xây dựng lại chính quyền, nhiều năm sau đó ông Kim vẫn quay lại vùng đất Siem Reap, Phnom Penh hay Kampong Thom để tìm lại xác đồng đội mình, tìm lại những “bà má Cam” để hàn huyên.

“Họ vẫn đón tiếp mình như ngày còn chiến đấu, coi mình như một người con đi xa trở về. Cả xóm cùng í ới gọi nhau báo tin mình đến, mỗi nhà mang đến một món ăn rồi cùng quây thành vòng tròn bên gốc cây xoài, liên hoan, ca hát với nhau rất vui. Họ uống rượu, nắm tay mình kể chuyện xưa rồi còn chụp hình để làm kỷ niệm” - ông Kim bồi hồi nhớ lại.

Vốn là một họa sĩ, phóng viên ảnh và là người đưa tin cho tờ tin của Sư đoàn 7, suốt những năm của chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Nguyễn Công Vẻ đã chụp và vẽ lại hàng trăm bức ảnh, tranh về thời kỳ này. Ông không thể giữ hết được những tấm ảnh đó vì khói lửa chiến tranh đã thiêu rụi, đốt cháy chúng qua ngần ấy thời gian. Nhưng với ông Vẻ, bức ảnh khiến ông nhớ mãi đến hôm nay dù đã bị thất lạc là hình ảnh những người phụ nữ, người mẹ Campuchia ngồi khâu từng chiếc áo cho quân tình nguyện Việt Nam.

“Hôm đó, tôi đang đi hành quân cùng mọi người thì bắt gặp hình ảnh những bà má, những người phụ nữ ngồi một góc khâu từng chiếc áo cho bộ đội ta. Bên cạnh, các anh bộ đội đứng chăm cho lũ ngựa, họ nói cười rôm rả. Đó là hình ảnh đẹp nhất mà tôi nhìn thấy, nó ấm áp và tự do tự tại, không có sự chết chóc, đau buồn của chiến tranh” - ông Vẻ nhớ lại.

Buồn vui ngày trở về

“Sân bay Pô Chen Tông thẳng tới/ Hai bên đường vời vợi cờ hoa/ Đồng bào trai gái, trẻ già/ Cảm ơn, tạm biệt, tung quà lên xe/ Các hướng khác ai dè cũng thế/ Ta - bạn cùng dâu bể bao năm/ Người về, người ở khó khăn/ Cùng chung máu đổ, cùng nằm đất K...”.

Trong ký ức của mình, ông Nguyễn Công Vẻ nhớ rõ lắm khung cảnh ngày trở về nước của quân ta và đã viết nên những dòng thơ trên. “Còn ở cửa khẩu Mộc Bài lúc đó cũng biểu ngữ, cờ hoa rực rỡ, hàng ngàn cánh tay vẫy chào đón quân mình trở về nước. Nhìn thấy quê hương, đất nước mà nước mắt cứ rơi” - ông Vẻ hồi tưởng.

‘Cứ thế mà đeo ba lô, lên xe rồi đi’ ảnh 2
Ông Nguyễn Công Vẻ và ông Trần Thanh Kim vốn là hai con người xa lạ, chỉ đến khi cùng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam mới biết nhau và đã là bạn của nhau suốt hơn 40 năm qua. Ảnh: THANH TUYỀN

Còn với ông Kim thì ngày trở về vừa mừng vui lại vừa buồn. “Vui là vì được gặp lại gia đình, vợ con, được trở về với quê hương mình. Còn buồn vì nhiều anh em đã hy sinh không được trở về, vì các anh em nằm xuống mà không nguyên vẹn, nhiều người cùng vào sinh ra tử với mình nhưng không thể tìm được thi thể để cùng đưa họ về. Dù chúng tôi biết rằng đi chiến trường thì phải đối mặt với cái chết, không có gì hối hận nhưng ngày trở về nước, thiếu bóng dáng của các anh trong hàng ngũ, lòng thấy trống trải nhiều lắm!” - ông Kim trăn trở

Sắt son tình nghĩa thủy chung Việt Nam - Campuchia

Sáng 6-1, tại TP.HCM, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (7-1-1979 – 7-1-2019).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Đô đốc Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, khẳng định chiến thắng ngày 7-1-1979 có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự tồn vong và phát triển thịnh vượng của dân tộc Campuchia; là thắng lợi chung của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia; thắng lợi của chân lý vì lương tâm và phẩm giá con người, khép lại một trang sử đau thương ở Campuchia, mở ra một thời kỳ mới ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thay mặt Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia, ông Im Hen, Tổng lãnh sự Campuchia tại TP.HCM, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ, cựu chuyên gia và các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam anh hùng đã giúp đỡ trong sáng, vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh xương máu giúp giải phóng nhân dân và tổ quốc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ông Im Hen khẳng định sự phát triển tiến bộ trên nhiều lĩnh vực của Campuchia trong 40 năm qua không thể tách rời sự hợp tác gắn bó giữa Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước, đặc biệt là sự giúp đỡ, ủng hộ của Việt Nam đối với nhân dân Campuchia trong giai đoạn khó khăn của thập niên 1980-1990 cũng như giai đoạn xây dựng và phát triển Campuchia sau này. Nhân dân Campuchia mãi mãi ghi nhớ “ngày 7 tháng Giêng là ngày sinh lần thứ hai của mình. Nếu không có ngày 7 tháng Giêng thì cũng không có những gì của ngày hôm nay” - đây là chân lý lịch sử mà không một thế lực phản động nào có thể lay chuyển được.

Giữ từng tấc đất phên dậu

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nhớ lại khi Pol Pot xua hàng loạt sư đoàn ra sát biên giới, chúng ta cũng huy động các lực lượng chủ lực gồm Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4, Quân khu 5… để hành động đáp trả, bảo vệ chính nghĩa của mình trước sự xâm chiếm biên giới, tàn sát dân lành Nam bộ.

Tuy nhiên, đến khi bạn đề nghị thì ta mới hành động và chúng ta đã tấn công giải phóng thủ đô Phnom Penh, giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Ta cũng giúp bạn thành lập lực lượng vũ trang, xây dựng lực lượng, phát động cơ sở, hỗ trợ đời sống nhân dân.

Ngần ấy năm nằm gai nếm mật, người dân Campuchia rất chân chất và có tình cảm sâu nặng với quân dân chúng ta. Chúng ta đồng cam với nhân dân Campuchia, về tận nhà của họ sắm từ cái bát, đũa, chăn chiếu, các cháu sinh ra được quân ta cùng chăm sóc. Rồi chúng ta giúp nhân dân Campuchia khôi phục phum sóc, khôi phục sản xuất, chia lại đất đai sản xuất, chốn ăn ở.

Ngót 40 năm sau cuộc chiến, ông chưa có dịp quay lại chiến trường xưa - nơi ông một thời chinh chiến, có nhiều ân tình với nhân dân xứ Angkor. nhưng với ông, ân tình với đồng bào Campuchia thì vẫn đậm sâu như thuở đi thực địa chứng kiến những cảnh tàn sát tàn khốc của bè lũ Pol Pot.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.