Cuộc đời nước mắt của những bóng hồng lạc lối

Mai ngồi quay lưng lại với chúng tôi, khuôn mặt cúi gằm, bàn tay tỉ mẩn đưa những đường kim đính những hạt lấp lánh lên tấm vải thô… Cô là một trong 400 chị em lao động tình dục (thường vẫn được gọi là phụ nữ bán dâm) được dự án Girl Escape tạo điều kiện để hòa nhập cộng đồng.

Mảnh đời đen tối

Mai chọn thời điểm năm 13 tuổi để bắt đầu kể về hành trình sa ngã của mình. Tuổi ấy, Mai đã biết trốn học và đi hộp đêm thường xuyên, rồi dần dính vào con đường nghiện ngập. Cha mẹ Mai khi biết chuyện đã cố gắng khuyên giải con gái mình quay lại cuộc sống lành mạnh nhưng em không nghe lời và dứt khoát bỏ nhà đi.

Ở trọ cùng bạn bè, cơn nghiện đeo đẳng thúc giục Mai phải làm gì đó để có tiền mua thuốc. Đó cũng là lý do Mai trở thành hầu bàn cho một quán karaoke nhưng thực chất chính là phục vụ nhu cầu tình dục của khách.

“Em làm từ 2 giờ chiều tới nửa đêm, thu nhập 200.000 đồng/tiếng nhưng phải chia cho ông chủ 1/4. Nếu đi với khách sau giờ làm nghề, em kiếm thêm được 2-3 triệu đồng/đêm. Làm một thời gian, em kiếm được tới 30 triệu đồng nhưng hầu hết em dùng mua thuốc phiện” - Mai kể.

Trong khi đó, công an bắt đầu đưa Mai vào danh sách đối tượng nghiện ngập. Sau bốn lần bị cảnh báo và khuyên giải không thành, Mai đã bị phát hiện đang hành nghề bán dâm và được chính quyền đưa vào Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội II để nhận sự trợ giúp về sức khỏe và tinh thần cần thiết, sớm hòa nhập lại với cộng đồng. Khi cha mẹ Mai tới thăm em tại trung tâm, gia đình em mới được đoàn tụ sau bốn năm xa cách.

Hình ảnh một người phụ nữ bán dâm, hình ảnh tại triển lãm "Cuộc đời tôi, ước mơ tôi", nằm trong khuôn khổ dự án. 

Không tự mình lựa chọn con đường như Mai nhưng Hoa (Thanh Hóa) cũng đã bị ép trở thành một người bán dâm. Do mâu thuẫn với cha mẹ, lại tin tưởng nghe theo lời rủ rê của người hàng xóm đi tỉnh xa làm việc, Hoa đồng ý lên đường. Khi ra Quảng Ninh, Hoa bất ngờ bị bắt cóc và nhốt trong một tiệm massage. Sau đó, em bị người ta đánh đập cho tới khi đồng ý phải ra tiếp khách. “Em thường tiếp 10-20 người/ngày nhưng em không hề biết mình kiếm được bao nhiêu tiền, vì tiệm không trả cho em mà chỉ cho em ăn qua ngày” - Hoa kể lại.

Tám tháng sau, Hoa trốn được trong một lần bị bắt đến khách sạn tiếp khách. Nhưng với một bộ quần áo trên người, Hoa chẳng biết làm gì khác để tự nuôi sống bản thân mình. Hoa trở thành một người lao động tình dục.

Tuyết, cô gái sinh ra ở Lạng Sơn lại có một cuộc đời thăng trầm hơn. Sinh ra đã là trẻ mồ côi, Tuyết được người nhận nuôi về làm con nhưng thực chất là làm giúp việc không công cho gia đình ấy. Đến năm 14-15 tuổi, Tuyết bị chính người đàn ông trong gia đình tấn công, đòi quan hệ. Tuyết cự tuyệt được và quyết định rời bỏ cái gọi là nhà đầu tiên đó.

Sau một thời gian trở thành người tự do, cuối cùng Tuyết cũng được một người đàn ông lấy về làm vợ nhưng cũng từ đó cô lại bắt đầu một cuộc sống ngục tù khác. Bị đánh đập, bị hành hạ và bắt lao động quá sức. Tuyết lại phải rời nhà ra đi, đem theo hai đứa con chưa kịp lớn. Gửi con vào trường dân tộc nội trú, Tuyết ra Hà Nội và dần dần tìm đến với con đường lao động tình dục để có tiền gửi về cho con.

Đường sáng nhờ dự án

Mai, Hoa hay Tuyết chỉ là một trong rất nhiều phụ nữ lao động tình dục đã được hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng bởi Girl Escape, dự án nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Vì em là con gái” của tổ chức Plan International thực hiện.

Trên thế giới, dự án hướng tới mục tiêu hỗ trợ hàng triệu trẻ em trên thế giới được học tập, rèn luyện kỹ năng và giúp đỡ trong quá trình thay đổi bản thân cũng như thế giới xung quanh.

Ở Việt Nam, dự án nhận định tình hình mại dâm ở Việt Nam khá phức tạp và rủi ro, phụ nữ bán dâm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ khác. Các cơ hội cho họ thoát khỏi hoạt động mại dâm và tái hòa nhập xã hội là rất hạn chế.

Từ thực tiễn đó, dự án Xây dựng chính sách và thí điểm mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội/Việt Nam. Để thực hiện dự án, Plan International Việt Nam đã cùng phối hợp với Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ thực hiện.

Dự án được thực hiện trên cơ sở hợp tác với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB&XH, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội và ba tổ chức phi chính phủ: CSAGA, LIGHT, và REACH. Dự án cũng phối hợp thực hiện với Công an TP Hà Nội. Tổng kinh phí hoạt động của dự án là 603.544 đôla Mỹ.

Một nghiên cứu đầu vào đã cho thấy chỉ có 38% phụ nữ bán dâm được phỏng vấn là đã sẵn sàng từ bỏ hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, 18% đã bày tỏ mong muốn giảm tần suất bán dâm, trong khi 44% cho biết họ không muốn từ bỏ hoặc chưa có ý định từ bỏ hoạt động mại dâm.

Được hỗ trợ bởi dự án, nhiều phụ nữ bán dâm đã có một con đường tươi sáng hơn để đi. Ảnh tại triển lãm "Cuộc đời tôi, ước mơ tôi".

Một khảo sát đánh giá nhu cầu được thực hiện bởi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trong khuôn khổ của dự án cũng đã nêu bật các nhu cầu của phụ nữ bán dâm và những khó khăn họ đã trải nghiệm hoặc họ lường trước sẽ gặp phải trong nỗ lực từ bỏ hoạt động mại dâm của mình.

Dựa trên kết quả phỏng vấn với 408 phụ nữ bán dâm từ độ tuổi từ 18 đến 45, một số đặc điểm sau đây đã được xác định: Phần lớn phụ nữ bán dâm có từ một hoặc hai con nhỏ và là người chăm sóc duy nhất của các cháu; vấn đề sức khỏe cũng là mối quan tâm lớn; nghiện ma túy cũng đôi khi được cho là một vấn đề nhưng không cấp thiết lắm; động lực đầu tiên đưa đẩy chị em tham gia hoạt động mại dâm là vấn đề tài chính (đôi khi là để giúp đỡ những người khác, ví dụ như thành viên của gia đình); tuy nhiên, rất nhiều người trong số họ đã làm những công việc khác trước khi tham gia vào hoạt động mại dâm. Rất nhiều phụ nữ bán dâm đã báo cáo rằng họ bị ép buộc tham gia vào hoạt động mại dâm và phải đối mặt thường xuyên với bạo lực và bóc lột.

Kết thúc dự án, hơn 40 chị em đã có việc làm, với mức lương từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ được dạy nghề, các chị em còn được hỗ trợ từ 15 triệu đến 25 triệu đồng để mở cửa hàng làm tóc - móng; quán ăn uống - giải khát; cửa hàng bán quần áo thời trang...

Tổ chức Plan là một tổ chức phát triển nhân đạo quốc tế. Tổ chức Plan góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho trẻ em Việt Nam qua các chương trình hỗ trợ từ năm 1993. Hiện nay, Plan tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ cải thiện đời sống cho hơn 250.000 trẻ em, các gia đình và cộng đồng trên 200 xã thuộc 10 tỉnh, thành. Tại Việt Nam, Plan hợp tác với cộng đồng địa phương, các tổ chức và cơ quan chính quyền các cấp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm