KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ (27-7-1947 _ 27-7-2018)

Cựu binh Trung đoàn Mũ sắt đi tìm đồng đội

Vào tháng 3-1968, tại đỉnh Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, Kon Tum), hơn 200 chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn 209 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc tấn công ở điểm cao 995, 996.

Hơn 200 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng với cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, Phó Ban liên lạc Trung đoàn Mũ sắt, thì ký ức về những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn nguyên vẹn. Lúc bấy giờ, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội xung phong ra trận, họ được tuyển vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, trong đó có 500 thanh niên Hà Nội thuộc Tiểu đoàn 7 nhập ngũ ngày 27-3-1967.

Những người lính Trung đoàn Bộ binh 209 được trang bị nhiều loại vũ khí tốt nhất thời đó, đặc biệt là mũ sắt Liên Xô nên Trung đoàn Bộ binh 209 còn được gọi là Trung đoàn Mũ sắt. Họ được huấn luyện kỹ suốt một năm để đánh công kiên, đánh tập kích và chống đổ bộ đường không.

Một ngày đầu năm 2008, những người lính Trung đoàn 209 năm xưa may mắn sống sót có dịp gặp. Tại đây, họ mới biết được rằng đồng đội của họ đã hy sinh ở Sa Thầy chưa được quy tập bởi không ai biết vị trí cụ thể ở đâu. Họ quyết tâm trở lại chiến trường xưa tìm đưa đồng đội trở về.

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng và di vật chiếc bi đông của đồng đội năm xưa. Ảnh: T.LINH

Di vật có khắc tên của liệt sĩ Bá Thi. Ảnh: T.LINH

“Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy”

Bắt đầu từ tháng 3-2009, những chàng trai Hà Nội năm nay đã ở tuổi thất thập cùng nhau quay lại Sa Thầy. Trong chuyến đi đầu tiên ấy chỉ có hai cựu chiến binh Hồ Đại Hồng, Nguyễn Văn Vĩnh và anh Trương Đức Bình - một thân nhân liệt sĩ. Sau hơn 40 năm của trận đánh ác liệt, họ là những người đầu tiên tìm lại nơi này.

Trận địa xưa nay giờ chỉ có hai loài cây mọc được là cỏ tranh và cỏ mỹ, phía dưới là chít, dưới nữa là lau, xa hơn nữa là rừng già. Trên mảnh đất bom đạn và thuốc diệt cỏ này, không một cây gỗ nào mọc lại được. Đâu đó dưới rễ cỏ dại là hài cốt đồng đội của họ. Dù đã xác định được vị trí của điểm cao 995 và 996 nhưng phải mất rất nhiều công sức và sau gần hai tháng tìm kiếm họ mới tìm ra được hài cốt của 14 liệt sĩ, những đồng đội năm xưa.

Cựu binh Hồ Đại Đồng kể lại: “Khi chúng tôi phát cây, nhổ những bụi cỏ mỹ thì bật lên theo rễ cỏ là những mảnh nylon, đế giày cháy dở, lẫn trong đất đỏ bazan là những vệt đất đen và những vụn xương trắng đục… Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy”.

Trong gần chín năm qua, năm nào những cựu binh già Trung đoàn 209 cũng trở lại Sa Thầy để tìm đồng đội. Dẫu rất cố gắng nhưng đến nay chỉ mới hơn 100 liệt sĩ được tìm thấy nên trái tim các cựu binh chưa lúc nào thôi trăn trở.

Lần này, tháng 7-2018, họ cùng nhau trở lại Tây Nguyên, tìm tới đỉnh Chư Tan Kra để tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội, là chuyến thứ 28. Những ngày này ở Sa Thầy mưa lũ, đường có chỗ ngập 1,5 m nhưng họ vẫn không quản ngại vất vả, khó khăn để lên đến rừng. Lần này đoàn đã cất bốc được 34 hài cốt liệt sĩ cùng với rất nhiều đế giày và đạn.

Rời Sa Thầy để trở lại thủ đô, những người lính già trong Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 cùng hướng về đỉnh Chư Tan Kra huyền thoại, nơi yên nghỉ của đồng đội các ông hơn 50 năm qua. Cựu binh Hồ Đại Đồng bảo rằng vẫn còn nhiều đồng đội thân yêu của ông còn nằm lại trên đó và “chúng tôi hứa sẽ tiếp tục quay lại để tìm đưa các anh trở về”.

Chiến công của Trung đoàn Mũ sắt làm nức lòng tướng Giáp

Trận đánh trên đỉnh Chư Tan Kra tháng 3-1968 là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội. Các chiến sĩ của Trung đoàn Mũ sắt đã đánh một trận tập kích, tiêu diệt gần hết một đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ binh của địch, gây chấn động dư luận Mỹ lúc bấy giờ. Sau trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gửi điện thư khen ngợi. Nhưng cũng trận đánh đó, rất nhiều người lính  trong đoàn mũ sắt đã mãi nằm lại ở đỉnh Chư Tan Kra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm