Đà Nẵng đối mặt với họa "mai dương"

Cây mai dương (còn gọi là cây mắt mèo, trinh nữ nâu), một loài cây ngoại lai đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Đà Nẵng.

Mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng mai dương đã mọc dày đặc dọc hai bên bờ sông Cẩm Lệ và tràn ra các khu dân cư Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà... Ước tính tại TP Đà Nẵng đang có hàng chục hecta đất bị loài cây này uy hiếp và tàn phá hệ sinh thái thực vật. Hầu hết các vùng đất mới trên địa bàn này đều bị mai dương xâm lấn.

Được biết, cây mai dương có tên khoa học là mimosa pigra, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Cây sinh trưởng nhanh, sau sáu tháng tuổi sẽ ra hoa, kết trái, có khả năng tái sinh. Nếu cây mai dương có mặt tại 1 ha đất và không được kiểm soát thì sau 10 năm cây có thể phát triển mọc rộng hơn 1.000 ha. Ngoài việc lấn át, gây hại cho thảm thực vật bản địa, cây mai dương còn làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng và hủy diệt hệ thực động vật trong vùng do chứa chất mimosin (loại acid amin có thể gây độc với nhiều loài). Riêng phần thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước.

Từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp cây mai dương là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. Cây mai dương xâm nhập vào nước ta từ năm 1979. Đến nay đã xâm lấn hàng vạn hecta đất tại 45 tỉnh, thành phố.

Ngày 1-6-2006, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương ở nhiều tỉnh, thành.

Hiện tại, tại TP Đà Nẵng loài cây này cùng dây leo bìm bìm đang trở thành mối bận tâm của chính quyền vì tốc độ phát triển nguy hại đến chóng mặt... Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có biện pháp triệt phá tận gốc loài cây ngoại lai này.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm