Đại họa ô nhiễm ở Kinh Môn (Hải Dương) - Bài 1: “Xã ung thư” bị bỏ quên

Xã Duy Tân (huyện Kinh Môn, Hải Dương), nơi vừa xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân dựng lều bủa vây một cơ sở sản xuất hóa chất suốt một tháng qua (Pháp Luật TP.HCM ngày 14-7 đã đưa tin), có tới gần trăm người mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có cuộc điều tra chính thức nào để làm rõ nguyên nhân khiến nhiều người trong xã mắc bệnh.

Tử thần treo trên đầu

Nghĩa địa thôn Châu Xá (xã Duy Tân) nằm lọt thỏm giữa bốn bề nhà máy ống khói chọc trời, bụi khói ngùn ngụt. Rìa nghĩa địa, có gần chục ngôi mộ mới đắp gắn đầy hoa nhựa màu đỏ, vàng. “Phần lớn trong số họ chết vì bệnh ung thư, đều mới chết gần đây thôi” - bà LTK (thôn Châu Xá) nói rồi kể ra hàng loạt tên người trong thôn đã chết hoặc đang chờ chết vì bị ung thư. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, số người chết vì ung thư của Châu Xá cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với thôn Trại Xanh (xã Duy Tân), nằm ven sông Kinh Thầy. Khoảng 20 năm nay, hai bên bờ sông Kinh Thầy đoạn chảy qua địa phận Duy Tân là trung tâm của Cụm công nghiệp Nhị Chiểu (thuộc huyện Kinh Môn với năm xã Duy Tân, Phú Thứ, Tân Dân, Minh Tân, Hoành Sơn) là nơi có mật độ nhà máy, xí nghiệp dày đặc. Vì thế, Trại Xanh trở thành một trong những thôn hứng chịu nhiều nhất khói bụi của các nhà máy xi măng, hóa chất trên địa bàn. “Trời nắng mà khói bụi lúc nào cũng đặc quánh như sương mù thế này, ban đêm mùi còn khó ngửi hơn nữa vì chúng xả khói chui” - đứng ở ven sông Kinh Thầy, ông Hoàng Văn Khang (61 tuổi, thôn Trại Xanh) vừa nói vừa chỉ cho tôi xem hàng chục cột khói bụi đang xả ra từ các nhà máy.

Đại họa ô nhiễm ở Kinh Môn (Hải Dương) - Bài 1: “Xã ung thư” bị bỏ quên ảnh 1

Gần chục ngôi mộ mới đắp tại nghĩa địa thôn Châu Xá (xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương), trong đó phần lớn người chết do mắc bệnh ung thư. Ảnh: TRỌ NG PHÚ

Ông Khang cũng là một trong số những người tại Trại Xanh bị ung thư. Đầu năm 2013, ông được BV 108 (Hà Nội) chẩn đoán bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. “Ở thôn, những trường hợp đang điều trị ung thư như tôi có gần chục người. Người đã chết vì bệnh này thì nhiều lắm, tính riêng từ đầu năm đến nay đã có bốn người rồi” - ông Khang cho biết. Tỉ lệ mắc và chết vì ung thư tại Trại Xanh đã đến mức báo động, đặc biệt có gia đình có đến 3-4 người bị căn bệnh này cướp hoặc đang đe dọa tính mạng.

Theo số liệu theo dõi nguyên nhân tử vong của Trạm Y tế xã Duy Tân, từ năm 2003 đến nay, cả xã có tới 70 trường hợp chết vì bị ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, gan, máu… Trong đó, phần lớn các ca tử vong là người thôn Trại Xanh. “Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay cả xã có chín người chết vì bệnh ung thư, trong đó Trại Xanh có bốn người. Hiện toàn xã có hơn 20 người được chẩn đoán bị ung thư và đang điều trị” - ông Nguyễn Văn Đậu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Duy Tân, xác nhận. Ông Đậu cũng cho biết bản thân ông cũng được bệnh viện chẩn đoán bị ung thư phổi, hiện ông đang điều trị tại nhà. “Ngoài ung thư thì tỉ lệ người mắc bệnh về đường hô hấp trong xã khá lớn, chiếm khoảng 70% lượt người đến khám tại trạm y tế xã. Trong đó, trung bình mỗi năm trạm khám khoảng 5.500 lượt (xã Duy Tân có hơn 7.000 nhân khẩu)” - ông Đậu cho biết thêm.

Theo ông Đậu, liên quan đến số lượng người đã chết và đang chờ chết vì ung thư nhiều bất thường trên địa bàn xã, Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn có một lần yêu cầu Trạm Y tế xã làm báo cáo, thống kê theo mẫu về các trường hợp mắc và đang điều trị ung thư vào năm 2012. Sau đó, Trung tâm Y tế huyện cũng chưa có chỉ đạo gì thêm về việc này.

Đại họa ô nhiễm ở Kinh Môn (Hải Dương) - Bài 1: “Xã ung thư” bị bỏ quên ảnh 2

Danh sách theo dõi nguyên nhân tử vong trên địa bàn xã Duy Tân (huyện Kinh Môn, Hải Dương) của Trạm Y tế xã cho thấy chưa đầy ba tháng (từ ngày 19-3 đến 7-6-2013), xã có năm người tử vong vì bị ung thư. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Dân tự chống chọi

Chiều 15-7, có mặt tại giếng nước cổ khu núi Nhẫm (xã Duy Tân), chúng tôi chứng kiến cảnh người dân lũ lượt mang theo can, bình nhựa đi lấy nước về nấu ăn cho dù trời đã nhá nhem. Khoảng 10 năm nay, phần lớn người dân xã Duy Tân đều dù ng nước giếng Nhẫm. Nhà có điều kiện thì mua nước với giá 50.000 đồng/m3 hoặc khoan giếng, mua máy lọc nước để dùng. “Nước mưa, nước giếng thì đục ngầu, đầy bụi vôi, cặn xi măng, hóa chất, ai mà dám ăn. Mùa này mưa nhiều còn đỡ chứ mùa đông có hôm tôi phải xếp hàng từ 3 giờ sáng mới lấy được 1-2 can…” - anh Lê Văn Hùng, một trong những người đi lấy nước, nói. Nỗi ám ảnh về căn bệnh ung thư hiện diện khắp các thôn làng, mái nhà của Duy Tân. Ai nấy đều học cách tự bảo vệ mình trước khói bụi nồng nặc xả ra từ các nhà máy bằng phương châm: “Ở nhà thì đóng kín cửa, ra đường bịt khẩu trang, nấu ăn bằng nước sạch…”.

Đại họa ô nhiễm ở Kinh Môn (Hải Dương) - Bài 1: “Xã ung thư” bị bỏ quên ảnh 3

Ông Hoàng Văn Khang ở thôn Trại Xanh (xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương), người đang điều trị ung thư đại tràng, phản ánh nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn xả khói gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ảnh: TRỌ NG PHÚ

Tháng 5-2005, quá bức xúc vì môi trường ô nhiễm, hàng trăm hộ dân xã Duy Tân đã “xuống đường” phong tỏa các nhà máy xi măng trên địa bàn. Hầu hết các nhà máy này đều sử dụng công nghệ xi măng lò đứng, một công nghệ đã bị nhiều quố c gia loại bỏ vì gây ô nhiễm môi trường. Trước phản ứng trên của người dân, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các nhà máy xi măng xả nhiều khói bụi phải lắp thiết bị lọc bụi, đồng thời đưa các nhà máy xi măng này vào chương trình giám sát, theo dõi về ô nhiễm. Cùng thời điểm, UBND huyện Kinh Môn cũng thành lập một tổ giám sát môi trường, có thành viên thường trực tại xã Duy Tân để tiếp nhận phản ánh, báo cáo, xử lý sự cố môi trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân, người phụ trách nhóm giám sát môi trường của xã, nói: “Mặc dù nhận được khá nhiều phản ánh của bà con nhưng từ ngày ra đời đến nay, nhóm chưa lập được một biên bản nào ghi nhận việc các nhà máy trên địa bàn gây ô nhiễm, bởi khi nhóm giám sát đến nơi thì không phát hiện thấ y vi phạm”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 15-7, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường (Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương), khẳng định: “Hằng năm, cơ quan môi trường của tỉnh vẫn tiến hành quan trắc môi trường tại xã Duy Tân. Kết quả quan trắc cho thấy đa số các chỉ số môi trường đều đảm bảo tiêu chuẩn”. Cũ ng theo ông Đông, quanh khu vực Duy Tân (gồm các xã lân cận) có khoảng bảy nhà má y xi măng với tổng sản lượng hơn 10 triệu tấn/năm, trong đó có một số lò vẫn sử dụng công nghệ xi măng lò đứng. Từ năm 2005, tỉnh đã yêu cầu những nhà máy này trang bị hệ thống lọc bụi nhằm hạn chế ô nhiễm. Hiện những nhà máy này vẫn nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh bị theo dõi, giám sát (theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng). Ông Đông cũng xác nhận đến nay UBND tỉnh Hải Dương chưa chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện một cuộc điều tra, làm rõ căn nguyên khiến nhiều người dân xã Duy Tân mắc bệnh ung thư.

Theo số liệu của UBND huyện Kinh Môn, từ năm 1995 đến nay, có rất nhiều nhà máy đến đầu tư tại Cụm công nghiệp Nhị Chiểu. Chỉ tính riêng xã Duy Tân đã có tới bốn nhà máy xi măng, hơn 20 lò vôi, hai mỏ đá, một số xưởng cơ khí, hóa chất, doanh nghiệp vận tải... Ngoài ra, giáp với địa bàn xã Duy Tân còn có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất cỡ lớn như xi măng Hoàng Thạch, xi măng Phúc Sơn, thép Hòa Phát, các cơ sở nghiền than, mỏ đá, xưởng cơ khí, hóa chất…

TRỌNG PHÚ - NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm