Đại hồng thủy 1999: 20 năm, nước mắt vẫn rơi

Đại hồng thủy 1999: 20 năm, nước mắt vẫn rơi

(PLO)- Ngày sau lũ, ở dọc bờ biển miền Trung, mỗi sáng sớm, những người phụ nữ quẳng gánh đi chợ không dám đi sát mép nước.

Dải đất bị nước lũ xé toạc kéo thẳng ra biển một thời gian sau đã được bồi đắp trở lại nhưng nỗi đau của con người sau 20 vẫn dai dẳng không nguôi.

Những tiếng kêu thất thanh phát ra trong đêm tối, họ gọi nhau cùng tháo chạy khỏi những ngôi nhà. Nước lũ lên quá nhanh, chảy xiết, bà Cau cùng chồng không chạy kịp nên leo lên hàng cây.

Tiếng ầm ầm phát ra ngay sau lưng, bà Cau ngoái nhìn, hét lớn với chồng “mất nhà rồi”. “Vất hết, chừ quan trọng là tính mạng” - người chồng cũng la lên. Quai hàm bà như cứng lại, hai hàm răng nghiến vào nhau, người run lên, nước mắt chảy dài…

Đó là đêm ngày 2 rạng sáng 3-11-1999, Hòa Duân - một dải đất nằm giữa phá Tam Giang và biển, nơi sinh sống của 64 hộ dân đã bị nước lũ xé toạc mở ra một cửa biển mới rộng hơn nửa cây số, sâu hơn 10 m.

Hòa Duân, một “chứng nhân” cho sự ác liệt của cơn đại hồng thủy năm 1999, cơn lũ ngoài sức tưởng tượng đối với người dân miền Trung, làm 818 người chết và mất tích.

Ngày sau lũ, ở dọc bờ biển miền Trung, mỗi sáng sớm, những người phụ nữ quẳng gánh đi chợ không dám đi sát mép nước. Người ta kể lại, thi thoảng lại bắt gặp một thi thể. Lúc này người dân địa phương chủ động chôn ở gò cát trắng bên bờ biển rồi lấy những cây dứa dại trồng bên cạnh làm dấu.

Nhiều năm sau, không biết hay tin từ đâu, có người ở nơi khác đến tìm gặp những người lớn tuổi trong làng để hỏi về đặc điểm lúc phát hiện. Rồi người ta làm lễ cúng dưới sự chứng giám của biển trước khi mang nắm đất hồi hương. Nhưng có những nấm mộ nằm lại mãi mãi bên bờ biển, hằng ngày con sóng vẫn vỗ rì rào.

Ngày 31-10-1999, trên sân vận động Tự Do diễn ra trận đấu giải bóng đá hạng Nhất giữa đội Đà Nẵng với chủ nhà Thừa Thiên-Huế. Thời này, bóng đá địa phương đang trong giai đoạn phát triển nên khán giả đến sân rất đông.

Ngồi trên sân vận động, nhiều người nhìn thấy chuồn chuồn bay sát mặt cỏ. Ở phía tây có những khối mây hình chóp, phía dưới màu nâu sẫm, phía trên chóp nhọn có màu đỏ như lửa. Một lời cảnh báo của thiên nhiên theo kinh nghiệm dân gian nhưng ai cũng nghĩ chỉ mưa vài ngày rồi tạnh như mọi năm.

Từ ngày 1-11, mưa càng ngày càng nặng hạt, nước ở các sông liên tục dâng lên nhưng không có đột biến nào xảy ra. Ngày 2-11 trời mưa lớn, bà Nguyễn Thị Cau (lúc này 45 tuổi) sau khi gửi con tại nhà người thân thì cùng chồng trở lại nhà để thu dọn đồ đạc. Vừa mang bao gạo lên cao, tính mang những vật dụng khác thì nước đã lên ngập đầu gối. Lúc này là 23 giờ, một tiếng nước lũ lên hơn 1 m.

Một tiếng nổ lớn phát ra ngay phía sau lưng, bà Cau nhìn lại thấy những ánh đèn dầu bên trong những ngôi nhà tắt ngút. Cơn lũ đã cuốn tài sản của 64 hộ dân, mảnh đất nơi dựng ngôi nhà của họ đã trở thành cửa biển lớn. Nhiều người biến mất trong tích tắc, những tiếng kêu cứu giữa biển nước dần thế chỗ cho tiếng nước chảy xào xạc, tiếng rầm rập của con sóng dồn dập đánh bờ.

Bà Cau áo quần tả tơi, đôi chân run lên lập cập vì lạnh. Nước lũ lên mỗi mét thì thời gian sống của vợ chồng bà kéo ngắn lại. Tất cả như một cơn ác mộng.

Sau 12 tiếng ôm ngọn cây bà và chồng đã đến Đồn biên phòng Thuận An. Lúc này, tầng 2 của trụ sở chật kín người, theo miêu tả của ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế thì mọi người đều đứng để tiết kiệm chỗ, chỉ những người già yếu mới được ngồi xuống nền.

Trong những người may mắn chạy thoát ra ngoài, nhiều người khóc nghẹn vì mất người thân.

Đại hồng thủy 1999: 20 năm, nước mắt vẫn rơi ảnh 5
Đại hồng thủy 1999: 20 năm, nước mắt vẫn rơi ảnh 6

Vào chiều 1-11-1999, 57 thầy trò của Trường THCS Hương Thọ (thị xã Hương Trà) bị nước cô lập. Ông Nguyễn Văn Mễ nhận được tin báo ca nô cứu hộ nhận lệnh xé dòng nước, chạy ngược lên hướng thượng nguồn sông Hương ứng cứu. Nhưng thất bại.

Thầy cô nghĩ sẽ đưa học trò thoát ra ngoài bằng thuyền nhôm của người dân. Nhưng như thế là rất nguy hiểm, như một cuộc đánh cược tính mạng giữa dòng nước đang chảy xiết. Mọi người chấp nhận ở lại trường.

Tối hôm đó, không ai ngủ được. Ngoài trời mưa vẫn như trút nước, nước sông Hương tiếp tục lên, trong lớp học nước lũ dâng liên tục. Bài học bó đũa được áp dụng theo đúng nghĩa đen, một chiếc bàn riêng lẽ sẽ bị nước cuốn trôi ra khỏi căn phòng đồng thời không đảm bảo nổi lên nếu nước tiếp tục lên cao. Thầy cô dùng dây điện buộc những chân bàn lại với nhau tạo thành một tấm bè lớn.

10 giờ sáng 2-11-1999, nước lên cao và không có dấu hiệu dừng lại, ngôi trường sắp bị nhấn chìm. Không thể lạc quan được nữa. Mọi người vội vã phá mái ngói để trèo ra ngoài. Nhưng những thanh gỗ phía dưới quá chắc, không thể nào bẻ gãy để trèo ra ngoài. Tính mạng của thầy trò bị đe dọa. Nước tiếp tục lên, thời gian bắt đầu đếm ngược…

Những tiếng kêu cứu vô định phát ra giữa bốn bề sông nước. Võ Đại Đại (lúc này đang là lớp 7, cùng trường) chèo thuyền đi quanh xóm để xem tình hình mưa lũ và trông coi lồng cá của gia đình đang nuôi trên sông thì nghe thấy.

Đại chèo thuyền nhôm tiếp cận ngôi trường. Đại ghé thuyền sát vào trường, thầy và những người bạn lên thuyền, mỗi chuyến chở khoảng 5-10 người.

Cả làng quê giờ trở thành một vùng biển lớn, sông Hương nước vẫn chảy xiết, cây, gỗ… ở thượng nguồn đổ về dày đặc mặt sông. Nếu không tránh được, nếu một khúc gỗ, cành cây to đâm phải vào thuyền, thì… Nghĩ đến đây Đại chợt giật mình, không dám nghĩ tiếp mà chỉ cố chèo nhanh tay hơn.

Liên tục như thế, từ 11 giờ đến 12 giờ 30, cùng với sự giúp đỡ của người thân, Đại đã chở hết các bạn và thầy đến ngọn núi cách trường khoảng 500 m để trú ẩn. Những giọt nước mắt tiếp tục rơi, họ ôm nhau vì coi như được… tạm sống. Lên đỉnh núi, cơn đói và rét ập đến. Thầy trò ôm nhau chờ chi viện. 

Những ngày trong lũ, số người chết và mất tích ở bốn bề xứ Huế tăng lên từng giờ.

Càng vẫy vùng trong nước con người lại càng nhanh đói hơn. Đồn biên phòng nấu cơm, vắt thành những nắm nhỏ chia cho người dân. Ngoài trụ sở là trâu, bò, gà, vịt,… trôi đầy mặt nước.

Từ ngày 1 đến ngày 4, mọi chi viện điều bị chia cắt, lương thực dự trữ đã cạn kiệt. Lúc này UBND tỉnh cho người đi tìm các kho lương thực và bột mì. Đồng thời vận động nhiều tài xế xe tải chở lương thực, thực phẩm đang bị mắc kẹt do nước lũ, mở hàng hóa để cung ứng cho bà con.

Sau nhiều ngày nhịn ăn thì ngày 4-11, dù nước vẫn chưa rút, những chuyến hàng cứu trợ đã đến được người dân trong lũ. Trong cơn đói, hình ảnh một người đàn ông lội trong nước, vừa nhai ổ bánh mì vừa ngửa tay xin khiến nhiều người xót xa.

Đại hồng thủy 1999: 20 năm, nước mắt vẫn rơi ảnh 10

“Ông tha, mà bà chẳng tha.

Làm cho cái lụt hai ba tháng mười”

(nghĩa là đến 23-10 âm lịch là hết đợt lũ cuối năm)

“Sống chung với lũ” là cụm từ người miền Trung thường nhắc tới mỗi lần nói về việc đối phó với thiên tai. Nhưng cũng không ít lần cơn lũ không muốn “sống chung”. Lũ quét ở đồi núi, ngập lụt ở đồng bằng, sạt lở đất ở ven sông, ven biển xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản dù con người đã chủ động phòng chống.

Những vết sẹo của đất, của rừng ngày một nhiều lên. Đó là những vết sẹo do lâm tặc để lại trên những cánh rừng đầu nguồn. Bằng chứng rõ hơn, sau mỗi trận lũ, đặc biệt cơn lũ đầu mùa, người dân đổ xô ra biển, ra sông để nhặt gỗ, nhặt củi, có nhiều thanh gỗ còn vết răng cưa rất mới.

Các dòng sông bị sa tặc nạo vét quá mức khiến bờ sạt lở cuốn theo vườn tược, nhà dân. Dòng sông Hương vốn thơ mộng trong thơ ca là một biểu hiện cụ thể của nạn sa tặc và việc quản lý các mỏ cát được cấp phép.

Người nông dân lam lũ, chất phát ở miền Trung như bà Lê Thị Thẻo (82 tuổi, ở Phú Vang) không biết rõ những tác hại về biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng bà nhận thấy rõ việc trồng trọt ở nơi đây ngày càng khó khăn hơn và diễn biến mưa lũ ngày một phức tạp không theo một quy luật của ông cha truyền lại.

“Ở Huế thường hằng năm vào sau 23-10 là hết lũ, người dân chuẩn bị xuống đồng cày cấy. Nhưng những năm gần đây, có năm đến những ngày cận kề tết Nguyên đán, ở Huế vẫn còn lũ dữ. Không ngóc đầu lên nổi” - bà Thẻo nói.

Ngày nay thông tin đại chúng phát triển nên những nghĩa địa bên bãi biển không có thêm nấm mộ mới. Nhưng những dòng tin quặn lòng về ngư dân gặp nạn trên biển Đông, người đồng bằng co ro trong ngập lụt, người miền núi bị đất đá vùi lấp vẫn luôn hiện hữu ở dải đất bề ngang hẹp nhất cả nước, một bên là sườn núi, một bên là biển cả…

Đọc thêm